Tiếng khèn – ngôn ngữ giao tiếp độc đáo của người Mông

30/09/2016 10:42

Theo dõi trên

Tôi gọi tiếng khèn là ngôn ngữ giao tiếp độc đáo của người Mông bởi nó không chỉ là phương tiện để giao tiếp giữa con người với thế giới tâm linh trong đám ma, đám giỗ mà còn là tâm sự của chàng trai Mông gửi đến bạn tình, là tiếng lòng gọi bạn thiết tha, là khúc nhạc vui trong ngày hội hay những giây phút nghỉ ngơi sau một ngày dài làm việc...


Dạy khèn Mông cho thế hệ trẻ ở Pải Lủng (Mèo Vạc).

Chúng tôi lên với Cao nguyên đá Đồng Văn khi hoa Tam giác mạch chuẩn bị vào mùa khoe sắc để thả hồn mình trong cái bao la, hùng vĩ của đất trời. Hình ảnh những chàng trai người Mông điêu luyện trong điệu múa khèn, cùng tiếng khèn tha thiết, xốn xang ở những buổi chợ phiên khiến lòng du khách ngẩn ngơ. Trong những ngôi nhà trình tường đơn sơ với cuộc sống còn muôn vàn khó khăn, nhưng chiếc khèn luôn được người Mông cất giữ cẩn thận ở nơi trang trọng nhất. Con trai Mông lên 7 - 8 tuổi đã bắt đầu học thổi khèn, dù trẻ hay già, lúc xuống chợ, hay đi chơi ngày hội... lúc nào cũng phải có cây khèn đi cùng. Qua tiếng khèn, điệu múa khèn mà có thể biết được chàng trai đó có mạnh mẽ và đời sống tinh thần phong phú hay không. Động tác múa khèn rất phong phú và đa dạng với những tổ hợp múa như: Nhảy đưa chân, nhảy lướt, quay đổi chỗ, nhảy ngang đạp chân, bước trườn, bước lượn, ngoáy chân, đánh chân tại chỗ, quay di động, quay nhích gót, đá gót chân, múa ngồi xổm, đi tiến, đi lùi theo bốn hướng... Vì vậy, những chàng trai Mông múa khèn trông như “vũ công” rất đẹp với những bước nhún, đảo, quay hoặc vừa ôm khèn vừa lăn mình trên đất. Chàng trai Giàng Mí Chá, sau khi kết thúc điệu múa khèn phục vụ du khách tại phố cổ ở Đồng Văn, chia sẻ: “Mình học múa khèn khi 8 tuổi, giờ đã có thể thổi được nhiều bài và múa nhiều điệu khó, tiếng khèn trong nhiều hoàn cảnh khác nhau lại có ý nghĩa khác nhau. Tiếng khèn diệu kỳ lắm, nó nói được tiếng lòng của người con trai Mông”.

Trước đây, khèn chủ yếu được sử dụng để thổi trong dịp đám tang, thể hiện sự xót thương đối với người đã khuất, cũng là để giao tiếp với thế giới tâm linh, nhưng ngày nay, để thể hiện tiếng lòng của người dân, khèn được sử dụng trong các ngày hội lớn của đất nước, địa phương, của dân tộc Mông, khèn dùng để gọi bạn tình, khèn hội tụ bạn bè, khèn thổi trong các buổi chợ phiên... Tiếng khèn Mông khi trữ tình, đằm thắm, mượt mà, có khi lại trầm hùng, tươi sáng, giục giã, khỏe khoắn như đôi chân vượt núi, băng rừng của chàng trai người Mông vậy. Tương truyền rằng, ngày xưa, xưa lắm, khi núi rừng còn ít dấu chân người, một gia đình người Mông có 6 anh em, ai cũng hát hay, sáo giỏi; tiếng sáo của họ lúc trầm lúc bổng, hay như tiếng gió reo trên dòng Nho Quế, tiếng chim rừng véo von trên đỉnh núi mờ sương. Đến một ngày, họ lập gia đình, những lúc không hợp đủ cả 6 người, tiếng sáo trở nên lạc điệu. Họ bàn nhau chế tác ra thứ nhạc cụ hợp nhất cả 6 thứ tiếng sáo ấy. Họ nghĩ ra cái bầu và 6 ống thổi thay cho 6 anh em, thứ nhạc cụ lạ lùng ấy khi hoàn thiện, thổi lên đã tạo ra thứ âm thanh có sức quyến rũ lạ kỳ, có thể thể hiện được những cung bậc cảm xúc của người “nghệ sỹ”, rồi nó phát triển cùng dòng chảy văn hóa dân tộc Mông cho đến hôm nay.

Hiện nay, trên Cao nguyên đá Đồng Văn, nhiều nơi vẫn giữ được nghề làm khèn Mông, trong đó, có làng nghề nổi tiếng ở thôn Tả Cổ Ván, xã Hố Quáng Phìn (Đồng Văn). Mỗi ngày, những nghệ nhân chế tác khèn Mông phải tỉ mẩn, khéo léo nhiều công đoạn từ chọn cây làm bầu, ống, dây buộc... để làm làm được một chiếc khèn có thể thổi ra những thanh âm tuyệt vời nhất. Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa khèn Mông, ngoài việc hỗ trợ người dân phát triển làng nghề truyền thống, huyện Đồng Văn đã chỉ đạo tổ chức nhiều lớp truyền dạy làm khèn Mông và học múa khèn Mông cho thế hệ trẻ; tổ chức Lễ hội khèn Mông hàng năm với nhiều hoạt động về làm khèn, múa khèn... giúp các nghệ nhân trong và ngoài tỉnh giao lưu, trao đổi kinh nghiệm bảo tồn và gìn giữ tiếng khèn Mông; ngành Giáo dục đưa các môn văn hóa truyền thống vào trường học. Tại Festival khèn Mông lần thứ nhất năm 2011, chiếc khèn Mông của Hà Giang đã được xác nhận kỷ lục Guinness Việt Nam là chiếc khèn Mông lớn nhất với chiều cao 10 m, dài 12 m; có tỷ lệ lớn gấp 10 lần so với chiều cao, chiều dài và lớn gấp 100 lần so với thể tích chiếc khèn bình thường của người Mông Hà Giang. Năm 2015 “Nghệ thuật Khèn Mông” đã được Bộ VHTT&DL đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, loại hình Nghệ thuật trình diễn dân gian.

Với nhiều tầng giá trị về văn hóa, cây khèn và tiếng khèn đã trở thành biểu tượng trong đời sống văn hóa tinh thần của người Mông. Một lần lên với Hà Giang, đắm mình trong những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Mông trên Cao nguyên đá, bạn hãy lắng lòng mình để cảm nhận những thanh âm diệu kỳ của cây khèn độc đáo được sáng tạo bởi những nghệ nhân chân trần trên đá núi.

(Theo Báo Hà Giang)

Biện Luân
Bạn đang đọc bài viết "Tiếng khèn – ngôn ngữ giao tiếp độc đáo của người Mông" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.