Tiếng đờn kìm bên bờ Vàm Thủ

05/04/2018 16:44

Theo dõi trên

Sinh ra và lớn lên trong âm hưởng trang nghiêm của nhạc lễ, tuổi thơ lại được dưỡng nuôi bằng tiếng đờn dìu dặt của cha và những người hàng xóm đam mê đờn hát, nghệ nhân (NN) dân gian Tấn Khoa (xã Bình An, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) nhận ra cuộc sống của mình không thể vắng những tiếng đờn.

 
Nghệ nhân Tấn Khoa chơi nhiều loại nhạc cụ nhưng tiếng đờn kìm của ông được nhiều bạn bè, đồng nghiệp đánh giá là nổi bật hơn hết.

Người gieo chữ đờn điêu luyện
 
NN dân gian Tấn Khoa được giới đờn ca tài tử (ĐCTT) biết đến là một NN đờn, với phong cách đờn lót chữ vô cùng điêu luyện. Từng chữ đờn, “chữ nhúng” được NN sắp xếp một cách chính xác và tỉ mỉ, để cứ hễ nghe đến Tấn Khoa, giới ĐCTT lại biết rằng, đó là một “tay đờn đáng nể”.
 
Ông “đáng nể” không chỉ bởi biết chơi rất nhiều loại nhạc cụ: Đờn kìm, đờn cò, đờn sến, đờn guitar, đờn violon, đờn hạ uy di,... mà còn bởi dù là loại đờn nào thì ông chơi cũng rất hay. NN Tấn Khoa có phong cách chơi đờn lót chữ, một lối chơi đòi hỏi NN đờn phải thật “chắc nhịp”, có tài năng thiên phú để sắp xếp chữ đờn và thật tỉ mỉ, chính xác trong từng phím đờn, để cung tơ vô tri, vô giác tạo ra những thanh âm say đắm lòng người.

ĐCTT là bộ môn nghệ thuật thiên về đờn, NN đờn bằng tài năng của mình mà sắp xếp chữ đờn trong lồng bản để từ đó tạo ra cái “hồn” riêng cho từng bản đờn. Bởi thế, có thể nói, trong ĐCTT, mỗi NN đờn là một người sáng tác chữ đờn. Tùy theo phong cách, tâm tình từng NN mà bản đờn có thể uyển chuyển, dìu dặt hay thiết tha, ai oán theo từng cung bậc dây tơ.
 
Với NN Tấn Khoa, cầm trên tay cây đờn nghĩa là đang đặt vào đó cả tâm tình và niềm đam mê. Từ nhỏ, NN Tấn Khoa xác định con đường sự nghiệp của mình chỉ có thể gắn liền với những cây đờn mà thôi.
 
Đam mê thấm vào máu thịt
 
NN Tấn Khoa nói: “Ngày trước, nội tôi là ông Hai Nhạc, chuyên chơi nhạc lễ tại Thủ Thừa. Cha tôi là ông Nhạc Thảo cũng theo nhạc lễ và chơi ĐCTT. Vậy mà cha lại không muốn tôi theo nghề vì sợ nghiệp đờn ca long đong, vất vả. Nhưng rồi, thấy tôi đam mê quá, ông cũng truyền dạy cho tôi. Từ đó, tôi xác định cuộc đời và sự nghiệp của mình là đờn”. Gia đình NN Tấn Khoa tính đến nay có 4 đời theo nghề nhạc lễ và ĐCTT. Hai người con của ông, một người đi nhạc lễ, người còn lại theo học Nhạc viện TP.HCM ngành Âm nhạc dân tộc. Đó chính là niềm tự hào của NN Tấn Khoa.
 
Tình yêu đờn đã thấm vào ông như máu thịt. Trong căn nhà nhỏ của ông, nhìn đâu cũng thấy đờn: Guitar, sáo, đờn bầu, đờn cò, đờn tranh, đờn hạ uy di và đặc biệt là đờn kìm. Mỗi loại không chỉ có 1 cây. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ thấy ông thương yêu đờn đến chừng nào. Đã có lúc, người NN ấy muốn từ bỏ ĐCTT mà chuyên tâm lo chuyện “cơm áo gạo tiền”. Suốt 5-6 năm từ chối tất cả lời mời của bạn bè, đồng nghiệp tham gia các chương trình, hoạt động ĐCTT, cứ tưởng NN Tấn Khoa sẽ chuyên tâm theo nhạc lễ. Nhưng rồi, tình yêu dành cho những bản đờn êm ả, dìu dặt của ĐCTT lại “níu gọi” Tấn Khoa, và ông trở lại.
 
Kể từ đó, NN Tấn Khoa chuyên tâm tập luyện, sinh hoạt, tham gia nhiều chương trình ĐCTT trong và ngoài tỉnh. Tên tuổi NN Tấn Khoa được bạn bè trong giới biết đến. Ông được mời đi giảng dạy, làm giám khảo cho nhiều chương trình trong và ngoài tỉnh. Hiện tại, NN Tấn Khoa là người dạy đờn trong chương trình dạy ĐCTT phát trên Đài Truyền hình tỉnh Bình Dương.
 
Đối với NN Tấn Khoa, được chơi đờn và truyền dạy lại những am hiểu của mình về đờn cho thế hệ sau là niềm hạnh phúc. NN thường xuyên tham gia các hoạt động giảng dạy, kể cả giảng dạy không thu phí cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Trước đây, NN từng thành lập một câu lạc bộ ĐCTT nhí, thành viên là các em nhỏ có độ tuổi từ 7-11. Các em được NN truyền dạy kỹ thuật đờn, ca đến mức có thể đi biểu diễn. Tuy nhiên, đáng tiếc là câu lạc bộ không thể duy trì và phát triển vì cuộc sống mưu sinh.
 
Với tình yêu và sự nỗ lực của mình, NN dân gian Tấn Khoa được UBND tỉnh đề nghị xét tặng danh hiệu NN ưu tú vào đầu năm 2018. Đó được xem là sự ghi nhận, tôn vinh những đóng góp của ông dành cho bộ môn nghệ thuật ĐCTT.
 
Theo Long An Online

Bạn đang đọc bài viết "Tiếng đờn kìm bên bờ Vàm Thủ" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.