Tiền Giang: Bánh ống - Món quà ăn vặt của tuổi thơ

04/11/2020 08:40

Theo dõi trên

Tôi nhớ hồi nhỏ, mỗi lần nghe tiếng xe xình xịch chạy từ đầu xóm vào là cả đám con nít chúng tôi ríu rít cả lên “Bánh ống tụi bây ơi”. Cả đám đang chơi nhanh chóng tản ra chạy về nhà lấy “đồ nghề” thổi bánh ống.



Bánh ống, món ăn vặt gắn liền với biết bao kỷ niệm của tuổi thơ.

Mùi thơm lừng của gạo hòa quyện với vị ngọt ngào của đậu xanh tạo nên hương vị riêng của món bánh dân dã, cho vào miệng cắn một cái giòn tan, quả là không còn gì bằng. Với tôi, bánh ống đã trở thành “món quà” của tuổi thơ, mà đến tận bây giờ tôi vẫn không thể nào quên.

Hôm đi công tác ở huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, thấy đám trẻ con tụ tập khá đông ở một con hẻm của xã Bình Nghị, tôi cho xe ghé vào. Giọng người phụ nữ trong trẻo vang lời mời: “Mua bánh ống đi em, 10 ngàn đồng một bịch, bịch lớn thì 20 ngàn đồng thôi”. Vừa nói chuyện với khách, đôi bàn tay của chị vẫn cứ thoăn thoắt cắt từng cái bánh ống chạy từ máy ra.
 
Chị tên là Huỳnh Thị Hồng, quê ở huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang. Chị Hồng cho biết, nghề làm bánh ống đã gắn bó với gia đình chị trong suốt 30 năm qua. Chị Hồng tâm sự, tuy nghề này thu nhập khá bấp bênh, phải đi nhiều nơi, thế nhưng vợ chồng chị chưa bao giờ có ý định bỏ nghề, bởi hơn 30 năm qua, bao nhiêu vui buồn của gia đình dường như chỉ có xe bánh ống làm bạn đường tri kỷ, nếu bỏ nghề chị cảm thấy tiếc lắm.
 
Ngồi cắn những cây bánh ống giòn tan, những kỷ niệm tuổi thơ trong tôi lại ùa về. Ngày ấy, hễ mỗi lần nghe tiếng xe xình xịch vào đầu xóm là bọn con nít chúng tôi ríu rít gọi nhau: “Bánh ống tụi bây ơi”. Cả đám tán ra, đứa nào đứa đó chạy hổn hển về nhà xin mẹ vài ba lon gạo, ít đường cát. Đứa nào khá hơn thì có thêm ít đậu xanh, ít dừa khô nạo sẵn…
 
Theo kinh nghiệm của những người làm bánh ống, khâu trộn nguyên liệu là quan trọng nhất. Tất cả nguyên liệu phải được trộn đều, lượng đường phải đúng tỷ lệ, nếu nhiều đường quá bánh làm ra có thể dễ bị cháy. Cả đám con nít khi ấy khoái nhất là được xem cảnh thổi bánh ống.
 
Sau khi đưa nguyên liệu vào máy, tụi con nít đứa thì cầm bao, đứa lúi húi dùng kéo cắt bánh, vừa làm vừa nói chuyện rôm rả. Trong phút chốc những chiếc bánh ống dài tuôn ra hòa lẫn vào tiếng máy xình xịch. Khi ấy, thật không có gì bằng khi được cầm chiếc bánh ống nóng hổi, thơm lừng trên tay, cho vào miệng cắn một cái giòn tan. Bánh ống mới ra lò còn nóng, giòn được bỏ vào túi ni lông để không bị mềm.

Cái mà thu hút tụi con nít chúng tôi nhất chắc có lẽ là màu sắc hấp dẫn của bánh ống. Bánh ống có nhiều gạo thì có màu vàng đục, nếu cho thêm nhiều đậu xanh thì bánh sẽ có màu xanh dịu. Tôi thì nhớ, mỗi lần đổ bánh ống, tôi thường xin mẹ nhiều dừa với đậu xanh. Cái vị béo của dừa, hương thơm ngọt ngào của gạo, hòa quyện với vị bùi bùi của đậu xanh, khi thưởng thức đố ai mà không phải hít hà, xuýt xoa tán thưởng.
 
Bánh ống được xem là món quà ăn vặt rẻ tiền, đảm bảo chất lượng vì không có chất phụ gia, chất bảo quản như các món ăn hiện nay mà bất kỳ đứa trẻ nào cũng thích. Mỗi lần xe bánh ống về xóm thường chỉ ở hai đến ba hôm rồi lại đi nơi khác. Không chỉ tụi con nít mà ngay cả người lớn đều tranh thủ mang gạo ra thổi để dành ăn dần.
 
Bánh ống - một món quà ăn vặt của tuổi thơ mà tôi không thể nào quên!
 
Theo Ấp Bắc Online

Bạn đang đọc bài viết "Tiền Giang: Bánh ống - Món quà ăn vặt của tuổi thơ" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.