Thừa Thiên Huế: Hội thảo 130 năm ngày Thất thủ Kinh đô

22/07/2015 15:53

Theo dõi trên

Nhân kỷ niệm 130 năm ngày thất thủ Kinh đô và khởi phát phong trào Cần Vương, sáng 21/7, Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo khoa học Biến cố Kinh đô Huế và phong trào Cần Vương (1885-1896).

Theo báo điện tử Thừa Thiên Huế đưa tin, đây là hội thảo có quy mô quốc gia đầu tiên về chủ đề này và đã thu hút sự quan tâm của giới Sử học trong cả nước đề cập đến 4 nhóm chủ đề: thất thủ Kinh đô, phong trào Cần Vương, một số nhân vật tham gia trong biến cố Kinh đô Huế và phong trào Cần Vương, di sản và vấn đề bảo tồn.

Về thất thủ Kinh đô, các nhà nghiên cứu đều thống nhất tính chính nghĩa của cuộc đấu tranh chống Pháp ở Kinh đô, nhưng do tương quan lực lượng quá chênh lệch nên cuộc tập kích quân Pháp vào Tòa Khâm sứ và đồn Mang Cá rạng ngày 5/7/1885 của quân đội Triều đình Hàm Nghi nhanh chóng bị thất bại đã để lại hậu quả hết sức đau đớn cho nhà Nguyễn và người dân xứ Huế.

Vấn đề xác minh di tích, di vật để bảo tồn và phát huy giá trị di sản Biến cố Kinh đô Huế và phong trào Cần Vương cũng là nội dung được hội thảo chú trọng. Biến cố Kinh đô Huế nổ ra ở đất Kinh kỳ đã có sức mạnh lan tỏa nhanh chóng và nhất là sau ngày vua Hàm Nghi ban Dụ Cần Vương tại Tân Sở, Quảng Trị (13/7/1885) đã cổ vũ phong trào chống Pháp trong cả nước. Do vậy, những di tích, di vật thời kỳ Cần Vương đều có khắp mọi nơi. Để lưu giữ và tưởng nhớ về những ký ức của một thời đất nước bi hùng, TS. Trần Đình Hằng, Phân viện trưởng phân Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia tại Huế đề nghị, nên chăng xây dựng một đài tưởng niệm mang tính đặc trưng lịch sử giai đoạn này.



 
Quần thể di tích cố đô Huế được Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên Hiệp quốc (UNESCO) công nhận di tích văn hóa tháng 12-1993

Thông tin trên Tuổi Trẻ cho biết, nhà nghiên cứu Phan Thuận An cho biết quân đội triều đình có khoảng hai vạn quân với 1.100 khẩu súng thần công và tinh thần chiến đấu quả cảm nhưng đã không thắng được đội quân của Pháp chỉ có khoảng 1.400 quân với 17 khẩu đại bác nhưng trình độ quân sự chuyên nghiệp.

Đội quân thực dân Pháp đã nhấn chìm kinh đô Huế trong biển máu. Báo Tràng An xuất bản tháng 7-1935 ghi rằng: “Người chết không chỗ nào không có”.

Nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh cho rằng ngày 5-7-1885, nhằm ngày 23-5 năm Ất Dậu, là “ngày đau buồn tột cùng của người Huế”. Kinh đô thất thủ hoàn toàn vào tay người Pháp, vua Hàm Nghi rời kinh đô lên núi ra Quảng Trị và phát động cuộc kháng chiến chống Pháp dưới tên gọi Cần Vương.

Thế nên từ những tư gia trong nội thành cho đến những vùng quê xa xôi như Hương Trà, Phong Điền, Phú Lộc... đều có mâm cúng ngày 23/5. Mỗi xóm, mỗi khu phố cũng có lễ cúng chung, từ ngày xưa nhiều xóm, làng ngoại thành và nội thành của Huế còn lập miếu Âm hồn, tiêu biểu như miếu Âm hồn ở ngã tư Mai Thúc Loan - Lê Thánh Tông còn tồn tại cho đến ngày nay. Nhiều địa phương còn hình thành những tập thể gọi là “Phổ Hăm ba tháng Năm”, hàng năm đóng góp tiên bạc để tổ chức lễ cúng cô hồn một cách trọng thể. Hình thức “phổ” này không đâu trên đất nước Việt Nam tồn tại được như Huế, chỉ để dành cho việc làm lễ kỵ tập thể rất long trọng, thành kính. Từ mồng Mười cho đến hết tháng 5, khắp Huế đâu đâu cũng có những bàn lễ bày biện, nhang khói xông thơm, vàng mã cúng đốt âm hồn.

Thất thủ Kinh đô năm 1885 là một minh chứng rõ nhất về đau thương, mất mát của Huế, minh chứng cho số phận một kinh đô trong lịch sử. Không đâu trên đất nước Việt Nam có ngày cúng 23/5, để nhang khói phủ khắp kinh thành. Huế cổ kính mà u buồn vì những kí ức khó thể xóa nhòa.


Nữ Danh (Tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết "Thừa Thiên Huế: Hội thảo 130 năm ngày Thất thủ Kinh đô" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.