Dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông; Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Bắc Giang Trương Quang Hải; Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) Trần Ly Ly; Phó Cục trưởng Cục NTBD Trần Hướng Dương cùng lãnh đạo các nhà hát, đơn vị thuộc Bộ VHTTDL và các địa phương.
Báo cáo tại Hội nghị, NSND Trần Ly Ly, Quyền Cục trưởng Cục NTBD cho biết: Năm 2023, lĩnh vực Nghệ thuật biểu diễn đã chủ động triển khai, tổ chức thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ quản lý nhà nước cũng như công tác phát triển sự nghiệp do Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Uỷ Ban nhân dân các tỉnh/thành phố giao; phối hợp chặt chẽ trong công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn; xây dựng các hoạt động văn hóa, hoàn thành các chương trình nghệ thuật phục vụ nhân dân, phục vụ nhiệm vụ chính trị. Các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch dần sôi động trở lại, nhiều giá trị văn hóa, đạo đức xã hội, truyền thống gia đình tốt đẹp, gương người tốt, việc tốt tiếp tục được nhân rộng, phát huy.
Về kết quả thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về công tác quản lý nhà nước: Nhiệm vụ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đề án, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã phối hợp với các Sở Văn hóa và Thể thao/ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/ Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch trên toàn quốc thực hiện tham mưu cho lãnh đạo Bộ và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo điều hành công tác quản lý nhà nước và phát triển sự nghiệp nghệ thuật biểu diễn trên phạm vi toàn quốc và trong phạm vi địa phương nhằm tạo cơ sở pháp lý để các Sở/ngành, các đơn vị nghệ thuật, các tổ chức cá nhân hoạt động, phát triển đạt kết quả tốt. Nhiều văn bản đã và đang hoàn thiện như: Xây dựng Hồ sơ lập đề nghị xây dựng Nghị định về hoạt động văn học; xây dựng Nghị định về chế độ, chính sách đối với nghệ sĩ; xây dựng Thông tư thay thế Thông tư số 15/2013/TT-BVHTTDL ngày 24/12/2013 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quy chế về tổ chức và hoạt động của hội đồng nghệ thuật trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn; Xây dựng Thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao...
Trong năm 2023, ngành Nghệ thuật biểu diễn tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giải quyết các thủ tục hành chính.
Về việc phân cấp, ủy quyền quản lý thuộc lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật: Nghị quyết 04/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 10/01/2022 về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý Nhà nước. Theo đó, đẩy mạnh và hoàn thiện cơ chế phân cấp, phân quyền nhằm phân định rõ nhiệm vụ và quyền hạn, thẩm quyền và trách nhiệm giữa Chính phủ với các bộ, ngành; giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành với chính quyền địa phương gắn với hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ thống nhất, kịp thời, khả thi, ổn định, công khai, minh bạch, có sức cạnh tranh quốc tế, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm, bảo đảm phát huy tính chủ động, sáng tạo, đề cao tinh thần trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, nhất là người đứng đầu; đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực hiện quyền lực Nhà nước chặt chẽ bằng các quy định của Đảng, của pháp luật, góp phần xây dựng nền hành chính Nhà nước dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phục vụ nhân dân.
Về công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Nghệ thuật biểu diễn triển khai có hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, hướng dẫn các đơn vị tổ chức biểu diễn thực hiện đúng các quy định của pháp luật về hoạt động biểu diễn nghệ thuật.
Cục Nghệ thuật biểu diễn đã phối hợp với Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ thành lập Đoàn kiểm tra làm việc với Sở VHTT/VHTTDL các tỉnh Quảng Ninh, Quảng Nam, Bình Thuận, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang và thành phố Hà Nội; ban hành Công văn số 561/BC-NTBD ngày 06/11/2023 báo cáo Công tác quản lý nhà nước về nghệ thuật biểu diễn và văn học trên địa bàn các tỉnh, thành phố Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Quảng Nam, Kiên Giang và Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2023.
Về thực hiện nhiệm vụ chính trị, Cục NTBD đã chỉ đạo các đơn vị nghệ thuật trung ương đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được lãnh đạo Bộ và lãnh đạo Cục giao, điều động biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ đồng bào, chiến sỹ vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo trên cả nước. Công tác biểu diễn giao lưu đối ngoại được các đơn vị nghệ thuật tổ chức thực hiện tốt đặc biệt là các chương trình nghệ thuật phục vụ đón các nguyên thủ sang thăm và làm việc tại Việt Nam, các sự kiện chính trị, dịp kỷ niệm lớn của đất nước....
Tính đến 01/12/2023 theo số liệu báo cáo của 12 đơn vị nghệ thuật Trung ương: đã tổ chức dàn dựng 410 chương trình, vở diễn; sửa chữa, nâng cao 136 chương trình, vở diễn; 5306 buổi biểu diễn; số kinh phí ước tính từ các buổi biểu diễn có bán vé đạt 107.177.341.000 đồng.
Theo Quyền Cục trưởng Trần Ly Ly, trong năm 2024, cơ quan quản lý trung ương và địa phương tiếp tục phối hợp tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước để tiếp tục lặp lại trật tự, kỷ cương trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn trên toàn quốc; ngăn chặn, hạn chế tối đa các sai phạm còn tồn tại trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn.
Tập trung nguồn lực để xây dựng, hoàn thành các văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng các đề án làm cơ sở triển khai thực hiện nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước và thúc đẩy sự nghiệp nghệ thuật biểu diễn tiếp tục phát triển.
Tiếp tục chỉ đạo và định hướng nghệ thuật đối với các đơn vị nghệ thuật để sáng tạo ra những tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng, nội dung, nghệ thuật, phản ánh chân thực những vấn đề nóng của xã hội. Định hướng thẩm mỹ cho khán giả, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân trong thời kỳ mới.
Tăng cường hơn nữa việc giao lưu quan hệ quốc tế trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn để quảng bá các giá trị độc đáo của nghệ thuật truyền thống Việt Nam với bạn bè quốc tế, tiếp thu tinh hoa nghệ thuật của các nước trên thế giới để tiếp tục xây dựng và phát triển nền nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Ưu tiên đặc biệt cho các đơn vị nghệ thuật địa phương trong giao lưu nghệ thuật biểu diễn với các nước trong khu vực và thế giới.
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các Sở VHTTDL/VHTT địa phương đã kiến nghị về chính sách đặc thù cho việc sáp nhập các đoàn nghệ thuật vào Trung tâm văn hóa địa phương; về chính sách phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; chính sách đặc thù cho nghệ sĩ lĩnh vực nghệ thuật truyền thống; chính sách thu hút nhân lực vào các trường nghệ thuật truyền thống...
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Tạ Quang Đông khẳng định, mặc dù năm qua, tình hình thế giới có nhiều bất ổn, ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế, xã hội trong nước, tuy nhiên, nước ta vẫn phát triển ổn định và bền vững với 5.05 GDP.
Đối với lĩnh vực của Bộ, Thứ trưởng thông tin, du lịch đón 12.5 triệu khách du lịch quốc tế và hơn 100 triệu khách du lịch trong nước. Theo Thứ trưởng, nêu những dẫn chứng trên bởi đều có sự tác động lớn đến lĩnh vực NTBD.
Cho rằng NTBD là lĩnh vực lớn, nhạy cảm, Thứ trưởng Tạ Quang Đông ghi nhận, trong năm qua, sự phát triển của NTBD đạt được nhiều thành tựu, bên cạnh đó là sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức, sự quan tâm của các địa phương đối với lĩnh vực này.
Cũng theo Thứ trưởng, năm 2023, đối ngoại về văn hóa của Việt Nam đạt nhiều thành tựu, trong đó có sự đóng góp của nghệ thuật biểu diễn với các đoàn nghệ thuật của Việt Nam tháp tùng lãnh đạo Đảng Nhà nước ra nước ngoài. Xác chương trình đã quảng bá hiệu quả bản sắc văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế.
Tuy nhiên, Thứ trưởng cho rằng, các đơn vị, nhà hát cần quan tâm nâng cao chất lượng các chương trình, không ngừng đổi mới, sáng tạo, đồng thời gìn giữ và quảng bá được bản sắc, truyền thống văn hóa Việt Nam.
Cùng với đó, trong các chương trình kỷ niệm các sự kiện lớn của Đảng, đất nước, cần có nhiều tác phẩm xứng tầm, nâng cao chất lượng.
Thứ trưởng cũng yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, cấp phép, kiểm soát kỹ lưỡng về chất lượng các sự kiện biểu diễn nghệ thuật, các hoạt động cấp phép các cuộc thi hoa hậu phù hợp với điều kiện, mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.
Thứ trưởng cũng đề nghị các Sở VHTT, VHTTDL địa phương rà soát việc sáp nhập các đoàn nghệ thuật của địa phương. Tham mưu việc quản lý trên tinh thần sáp nhập tinh gọn nhưng phải giữ được tính chuyên nghiệp.
Thứ trưởng cũng đề nghị các Sở địa phương tham mưu nhiều hơn nữa chính sách đặc thù, giữ mối liên quan chặt chẽ với Cục NTBD.
"Kết nối giữa các Sở với nhau và với Bộ cần chặt chẽ hơn nữa. Đề nghị Cục NTBD trong năm tới cần đẩy mạnh kết nối, để có mạng lưới vận hành nhịp nhàng, hiệu quả"- Thứ trưởng yêu cầu.
Thứ trưởng cũng bày tỏ, đối với việc gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, các địa phương cần có sự kết nối đối với những loại hình nghệ thuật có tính tương đồng để xây dựng những đề án bảo tồn, phát triển mang tính đặc thù chuyên biệt. "Tôi mong muốn, trong năm tới có sự liên kết chặt chẽ của các địa phương trong bảo tồn các loại hình nghệ thuật truyền thống. Ví dụ bảo tồn Chèo là sự kết nối của các tỉnh ở đồng bằng Bắc Bộ, bảo tồn Đờn ca tài tử, Cải lương của các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long... Khi có các đề án, Bộ VHTTDL sẽ xem xét đưa vào Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa"- Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thứ trưởng yêu cầu Cục NTBD, đối với các các hoạt động, liên hoan định kỳ tổ chức trong năm 2024 cần sớm có kế hoạch để phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện./.