Đặc biệt trong thời đại ngày nay, khi nền kinh tế ngày càng phát triển thì trào lưu thờ phụng thần tài lại càng thịnh hành. Điều đó được thể hiện không chỉ qua việc thờ phụng thần tài một cách đơn thuần mà còn qua các nghi lễ, lễ vật và nhiều hoạt động khác. Trong khuôn khổ bải viết này, chúng tôi chỉ giới thiệu một số thần tài tiêu biểu, được thờ phụng phổ biến trong các hội quán của người Hoa ở TP.HCM.
Quan Thánh đế quân
Trong dân gian, đặc biệt với tầng lớp thương nhân, người ta sùng tín Quan Công bởi sự trung thành và tín nghĩa. Họ hy vọng Quan Công sẽ là vị thần bảo hộ trong việc phát tài, phú quý, làm chứng cho họ trong các cuộc giao dịch, mua bán, cũng như giữ gìn trật tự đạo đức truyền thống (1).
Với cộng đồng người Hoa ở Việt Nam mà chủ yếu là ở Nam Bộ, Quan Công là một trong ba vị thần tối thượng, cùng với Thiên Hậu và Phúc Đức Chánh Thần. Trong các hội quán, tùy theo quan niệm của mỗi nhóm cộng đồng người Hoa, Quan Công được thờ chính ở gian giữa chánh (chính) điện hay là vị thần tùng tự. Nhưng dù như thế nào, người Hoa vẫn luôn một lòng thành kính, sùng bái đối với Quan Công. Một ví dụ, trong việc kinh doanh hùn hạp, nếu có tranh chấp, người ta thường thách nhau đến trước bàn thờ Quan Công thề thốt. Câu nói “có mặt ông làm chứng” đối với người Hoa mang tính thiêng liêng, có giá trị hơn tất cả loại văn bản hợp đồng nào (2).
Nơi thờ Quan Công có quy mô nhất hiện nay có lẽ là Nghĩa An hội quán của người Triều Châu ở quận 5. Nơi đây, hàng năm, người Hoa thường tổ chức lễ cúng Quan Công vào các ngày 13-1 và 24- 6 âm lịch, còn gọi là ngày vía Quan Công. Đây thật sự là những ngày hội lớn đối với cộng đồng người Hoa lẫn người Việt. Họ đến thắp hương, dâng lễ nhằm tưởng nhớ và cầu mong Quan Công phù hộ độ trì cho sức khỏe, hạnh phúc, làm ăn phát đạt, tài lộc dồi dào… Ngoài ra, vào dịp này, những người buôn bán cũng đến miếu xin vay tiền. Số tiền này sẽ được Ban quản trị trích từ nguồn quỹ của hội quán, cho vào phong bao màu đỏ (số tiền rất nhỏ, mang tính chất tượng trưng, tức khoảng 500 hoặc 1.000 đồng). Mỗi túi sẽ có hai phong bao, trong đó kèm theo thêm hai quả quýt, một tờ tiền giấy quý nhân, được gọi là lộc thần. Người nào muốn vay, sẽ đến dâng hương, cầu xin với thần, sau đó đến nơi Ban quản trị đã bố trí sẵn để thỉnh lộc thần và mang về nhà. Thời gian vay là trong khoảng một năm hoặc sớm hơn. Đúng hẹn, người vay phải đến miếu trả nợ, lãi sòng phẳng bằng cách bỏ vào thùng công đức gấp đôi số tiền đã vay, kèm theo lễ vật dâng cúng để tạ ơn thần.
Trong các hoạt động cầu tài nhân ngày vía Quan Công, việc đấu giá đèn lồng (thường diễn ra vào tối ngày 18-1 âm lịch), là hoạt động được mong đợi nhất bởi sự hấp dẫn và hồi hộp từ đầu cho đến cuối. Đây là một trong những tục lệ truyền thống của người Hoa Triều Châu. Mỗi năm, việc đấu giá này chỉ được tổ chức một lần, nhằm mục đích gây quỹ tài chính phục vụ việc tổ chức lễ, tu sửa hội quán và làm công tác thiện nguyện. Vì thế, không chỉ có những người đấu giá thắng, mà mọi người tham gia đều có thể đóng góp thêm, tùy hảo tâm của mình. Bên cạnh đó, trong những ngày diễn ra lễ vía thần, tại sân hội quán còn có màn múa lân sư rồng và hát tiều.
Tài Bạch Tinh Quân
Tài Bạch Tinh Quân, hay Thái Bạch Kim Tinh hoặc Tăng Phúc Tài Thần, tên gọi đầy đủ là Đô Thiên Chí Phú Tài Bạch Tinh Quân, được dân gian xem là văn thần tài, có chức năng quản lý của cải vàng bạc trong thiên hạ, rất linh thiêng trong việc cầu tài và luôn sẵn sàng giúp đỡ những người lương thiện. Hình ảnh phổ biến về vị thần này là mặc áo choàng đỏ, đầu đội mũ ô sa, lưng thắt đai ngọc, khuôn mặt hiền từ, phúc hậu, râu đen dài, một tay cầm bức lụa Cung hỷ phát tài hoặc Chiêu tài tiến bảo, một tay cầm thỏi vàng.
Tài Bạch Tinh Quân là kết hợp của hai từ Tài Bạch và Tinh Quân, hay còn gọi là Khởi Minh, Trường Canh. Hai tên gọi này xuất hiện vào thời cổ, nguyên do là sao Kim thường mọc ở phía đông vào buổi sáng nên gọi là Khởi Minh và xuất hiện ở phía tây vào buổi chiều nên gọi là Trường Canh (3).
Theo học giả Từ Tấn (Trung Quốc), trên thực tế, trong các loại sách sử và sách về Đạo giáo, không có khảo lược về từ Tài Bạch Tinh Quân cũng như sự chuyển hóa của Thái Bạch Kim Tinh. Các tài liệu ghi chép cũng chỉ là nghe nói hay căn cứ theo sách. Vì vậy, Tài Bạch Tinh Quân chỉ là thần tài trong dân gian (4). Nhưng cũng có quan niệm cho rằng, Tài Bạch Tinh Quân vốn thực họ Lý, tên là Ngụy Tổ, người Ngũ Tòng Sơn, Tri Xuyên. Tại Ngũ Tòng Sơn, thị trấn Hồng Sơn, thuộc khu vực Tri Xuyên, thành phố Tri Bác, tỉnh Sơn Đông, có ngôi mộ của Lý Tướng công và miếu thờ Tăng Phúc Tài Thần (5). Nhưng vấn đề ở đây, Thần Quân Tăng Phúc Tướng Công vốn không phải là thần tài; từ khi nào ông mới trở thành một vị thần tài thì cho đến nay, vẫn chưa thể khảo chứng được. Chỉ biết rằng, dưới thời nhà Thanh, dân gian đối với chữ phúc lại nghiêng về nghĩa có nhiều tài phú. Cho nên rất có thể rằng tăng phúc với tài phú đi liền cùng nhau và ông đã nghiễm nhiên trở thành một vị thần tài (6).
Ở Tuệ Thành hội quán, ngày vía Tài Bạch Tinh Quân là ngày 22 - 7 âm lịch. Vào ngày này, hội quán chuẩn bị một mâm lễ vật bao gồm một con gà luộc, ba cái bánh bao, một bó xà lách, một cây hành tươi, một cây ngò, một chùm nhãn, một bao lì xì, hai cây nến, ba đôi đũa và ba chén rượu. Lễ vía diễn ra vào buổi sáng, do Ban quản trị hội quán chủ trì trong khoảng 10 phút, với trình tự đầu tiên là làm lễ cẩn cáo bà Thiên Hậu, vị thần được thờ chính ở hội quán, sau đó sẽ chuyển qua gian thờ Tài Bạch Tinh Quân với các nghi thức đơn giản như cử hành chiêng trống, dâng hương, dâng rượu và lễ vật, đọc văn tế, vái lạy... Ngoài ra, trong dịp này người dân đến hội quán viếng thần cũng rất đông (7).
Thần tài âm phủ
Quỷ Vô thường là cách gọi chung để chỉ những con quỷ chuyên đi câu hồn người: Hắc Vô thường, Bạch Vô thường, Nữ Vô thường, Tiểu Vô thường, Ngũ Vô thường... Trong dân gian Trung Quốc, phổ biến thờ phụng Hắc Vô thường và Bạch Vô thường. Điểm khác biệt giữa hai quỷ Vô thường này là Hắc Vô thường mặc đồ đen, đầu đội mũ ống cao có ghi bốn chữ: thấy ta là chết hoặc thiên hạ thái bình, còn Bạch Vô thường, mình mặc đồ trắng, đầu đội mũ ống cao có ghi bốn chữ thấy ta là phát tài hoặc thấy ta là vui. Đây cũng chính là lý do tại sao trong hai quỷ Vô thường này, Bạch Vô thường lại được dân gian sùng bái hơn cả.
Bạch Vô thường, ngoài việc thực thi công vụ, còn rất có tình người và thích đùa giỡn với con người. Dân gian truyền rằng, nếu người nào gặp Bạch Vô thường mà bỏ chạy thì nó sẽ đuổi theo và vừa đuổi vừa thét. Tiếng thét của nó sẽ làm cho người bỏ chạy run sợ mà chết. Nếu người nào khi gặp nó mà không chạy, lại làm theo điệu dạng của nó thì hẳn nhiên, nó cũng sẽ làm theo điệu dạng của người ấy. Lúc này, nên ném gạch đá hoặc đất bùn vào người nó, nó sẽ lấy những thứ quý giá đeo trên cổ ném lại. Cần nhớ rằng phải ném liên tục cho đến khi nó ném hết những thứ quý giá mà nó có. Bạch Vô thường lúc này sẽ thua và bỏ chạy, khi chạy sẽ kêu than, và lúc này, người thắng, có được nhiều thứ quý giá của Bạch Vô thường, sẽ phát tài (8).
Trái hẳn với Bạch Vô thường, Hắc Vô thường lại chuyên câu hồn người, do vậy nếu ai gặp nó thì sẽ không còn cơ hội sống sót. Dân gian gọi hai quỷ Vô thường này là Nhị gia vô thường. Ở Trung Quốc, trong điện Vô thường, không những có Bạch Vô thường và Hắc Vô thường mà còn có vợ của Bạch Vô thường, gọi là bà Vô thường. Nơi thờ quỷ Vô thường thường cao hơn so với những nơi thờ khác.
Trước đây chỉ có Ngọc Hoàng điện (hay còn gọi là chùa Phước Hải) thờ thần tài âm phủ, nhưng càng về sau, tục thờ vị thần này đã xuất hiện trong nhiều chùa miếu khác của người Hoa. Có thể kể đến như Quảng Triệu hội quán (quận 1), Tam Sơn hội quán, Hà Chương hội quán, Ôn Lăng hội quán (quận 5). Lý do của sự lan rộng này, bên cạnh tập tục truyền thống vốn đã có từ cố hương, thì chắc hẳn không ngoài mục đích đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân về cầu tài, cầu lộc (9).
Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy, thần tài Âm phủ hầu như được thờ chung điện thờ với các vị thần khác, như với Tài Bạch Tinh Quân (ở Quảng Triệu hội quán), hay với Mã tướng quân (ở Ôn Lăng hội quán)... Tượng thần có kích thước tương đương hoặc nhỏ hơn so với người thật, tay phải cầm quạt, tay trái đưa lên ngang bụng, đầu đội mũ ống cao có ghi bốn chữ nhất kiến phát tài. Điều đáng chú ý là sắc thái trên khuôn mặt hiền, gần gũi với con người chứ không dữ tợn, đáng sợ.
Còn về nghi thức cầu tài lộc, khoác áo cho thần, thì cả nam và nữ đều có thế tiến hành, miễn là hợp tuổi. Lễ vật cầu cúng rất đơn giản (trong đó có tấm vải trắng), được bày bán sẵn ở những nơi có thờ vị thần này. Phần nghi lễ sẽ do một người trong miếu hướng dẫn, chủ trì với việc đọc bài khấn (sử dụng ngôn ngữ địa phương của họ tại Trung Quốc), còn người đến cầu chỉ việc quỳ lạy. Thời gian diễn ra nghi lễ trong khoảng mười phút và kết thúc lễ là khoác áo cho thần, trên áo phần trước ngực, sẽ dán thêm mảnh giấy màu đỏ, ghi tên người vừa cầu khấn (tại Quảng Triệu hội quán, Tam Sơn hội quán). Cuối buổi lễ có nghi thức gieo quẻ âm dương...
Phúc Đức Chánh Thần
Trong số các vị thần được người Hoa ở TP.HCM thờ cúng, có thể nói Phúc Đức Chánh Thần là một trong những vị thần có số lượng tín đồ đông đảo nhất. Vì thần chuyên cai quản đất đai, bảo hộ sự an cư lạc nghiệp cho cộng đồng người Hoa nơi vùng đất mới. Do đó, người Hoa đều thường xuyên cúng tế lễ bái Phúc Đức Chánh Thần, khẩn cầu ân tứ của thần. Ví như trong nhà có người ốm, con cái thi cử, con trai tòng quân, con gái xuất giá, mất tiền, tai nạn... người ta đều đến khấn cầu Phúc Đức Chánh Thần, cầu mong thần bảo hộ bình an, đại cát. Với những người hàng ngày xây dựng các công trình nhà cửa, quảng trường, cầu cống, đường sá... họ rất sùng kính Phúc Đức Chánh Thần, cúng tế đầy đủ những lúc động thổ xây dựng, hy vọng công trình được thuận lợi, người và vật đều bình an.
Ở TP.HCM, miếu thờ Phúc Đức Chánh Thần cổ kính nhất là Nhị Phủ miếu (quận 5) của người Hoa Phúc Kiến, tục gọi là miếu Ông Bổn. Trong miếu có thờ bài vị Nhị Phủ miếu Đại Bá Công. Theo lời kể của một thành viên Ban quản trị miếu, trước đây có một nhà khảo cứu người Hoa là ông Thi Đạt Chí, đã viết bài khẳng định Đại Bá Công hay Phúc Đức Chánh Thần được thờ ở Nhị Phủ Miếu là Châu Đạt Quan, một nhân vật có thật trong lịch sử Trung Quốc (10).
Tượng thờ Phúc Đức Chánh Thần, đặt ở gian giữa chính điện, được làm bằng gỗ, cao 150cm, ngồi trên ngai, một tay gác trên tay ngai, một tay vuốt chòm râu dài. Hai gian bên thờ Quảng Trạch tôn vương và Thái Tuế gia gia.
Trước hương án thờ thần có tấm hoành phi khắc bốn chữ Ngô Thổ Địa dã (Ta là Thổ Địa) cùng câu đối:
Thổ sinh nhất kim, ngũ hành chúng trân quý
Địa trưởng vạn vật, tứ quý ca kình vinh
Như vậy, Phúc Đức Chính thần ở Nhị Phủ miếu mang đủ các yếu tố: thần thổ địa, thần tài và nhân thần (11).
Theo truyền thống của người Trung Quốc nói chung, ngày 2- 2 âm lịch là ngày đản sanh của Thổ Địa công. Trong ngày này, mọi gia đình đều làm gà, mổ vịt để làm lễ tế bái Thổ Địa công và Thổ Địa bà. Tại các miếu Thổ Địa công đều diễn ra các hoạt động biểu diễn nhằm chúc thần nghìn tuổi. Không chỉ vào ngày 2 - 2 âm lịch phải cúng tế Thổ Địa công, mà ngày 15-8 âm lịch cũng phải tổ chức thêm một lễ cúng tế nữa để cầu phúc; lễ tế này được gọi là Thu tế, nhằm cảm tạ Thổ Địa công đã bảo hộ. Còn về đồ tế lễ bao gồm gà, vịt, cá, thịt, hoa quả, kẹo bánh, đồ uống, tiền vàng, hương nến… Tất thảy đều có thể được, tùy vào tâm thành của tín chủ.
Ngoài hai ngày chính lễ nói trên, ngày mùng 2 và 16 âm lịch hàng tháng, các thương gia cũng đều tổ chức làm nha để tế bái Thổ Địa công, bởi vì Thổ Địa công cũng là thần bảo hộ thương nghiệp. Đặcc biệt, vào ngày 2-2 âm lịch là ngày tổ chức nha đầu (lễ tạ đầu năm), ngày 16-8 âm lịch thì tổ chức nha cuối (lễ tạ cuối năm). Thông thường, hai lễ nha này được tổ chức rất long trọng, hoành tráng.
Người Hoa Phúc Kiến ở Nhị Phủ miếu tổ chức lễ vía Phúc Đức Chánh Thần vào ngày 15-1 và 15-8 âm lịch. Sở dĩ hai ngày này, bởi theo quan niệm của cộng đồng người Hoa ở đây, ngày 15-1 là ngày sanh và ngày 15-8 là ngày mất của Phúc Đức Chánh Thần. Trong đó, ngày 15-1 âm lịch là ngày diễn ra lễ hội lớn nhất.
Trong suốt ngày 15-1 âm lịch kể trên, không chỉ người Hoa mà cộng đồng các dân tộc khác cũng đến dâng hương, lễ vật cầu mong được thần bảo hộ, độ trì, mua may bán đắt, cầu sức khỏe, cầu tài lộc… Lễ vật của người dân thì tùy theo điều kiện và tùy tâm cúng dường, nhưng thông thường sẽ gồm có trái cây hoặc bánh bao, hai cây nến, hương, dầu và bộ tiền - áo giấy. Ngoài ra, mọi người khi đến đây, đều có thể thỉnh và trả cho Hội quán một số tiền tương ứng chiếc đèn hoa đăng (mỗi năm chỉ được thỉnh một lần vào ngày 15-1 âm lịch), gọi là Bổn Đầu Công tài thần thánh đăng. Trên đèn, sẽ được dán một mảnh giấy màu đỏ, ghi tên tuổi của người thỉnh. Người thỉnh đèn có thể mang về nhà hoặc gửi treo tại miếu.
Ngoài ra, ở các hộ gia đình khác cũng giữ tập tục cúng tế Thổ Địa công vào ngày mùng một và rằm hàng tháng. Nhưng nói chung là lúc nào cũng có thể cúng tế, đặc biệt là những gia đình ở gần miếu Thổ Địa công, hàng ngày sáng tối đều có người đến đốt hương dâng lễ.
Riêng vào dịp tết Nguyên đán hàng năm, đèn hương ở miếu lúc nào cũng cháy đỏ, các gia đình đều chuẩn bị lễ vật thành tâm dâng lên Thổ Địa công, các đội múa rồng đến tổ chức biểu diễn, thu hút hàng ngàn người xem. Nhân dịp này, hội quán cũng tổ chức các hoạt động công ích và từ thiện, như vận động tiền xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương, xóa đói, giảm nghèo, giúp người tàn tật, trẻ em nghèo… mang nhiều ý nghĩa.
Thực tế cho thấy rằng, không có người nào chỉ nhờ vào việc thờ phụng thần tài mà được thần ban cho của cải. Tất cả đều do sức lao động chính đáng và trí tuệ của con người để làm nên. Nhưng xét về mặt văn hóa tinh thần, tín ngưỡng thờ thần tài có tác dụng to lớn trong việc giúp con người thoát khỏi những áp lực về tâm lý, những lo toan trong đời thực, đem lại cho họ hy vọng vươn lên một cuộc sống tốt đẹp trong tương lai.
____________
1. Trọng Nghiêm, Tại sao Quan Công trở thành thần tài, đăng trên báo của Học viện Quản lý Cán bộ và Tài chính thành phố Thiên Tân, số 3, tr.46, 1999. Nguồn: wenku.baidu.com.
2. Huỳnh Ngọc Trảng, Đặc khảo văn hóa người Hoa ở Nam Bộ, Nxb Văn hóa Dân tộc, 2012, tr.124.
3, 4. Dẫn theo Từ Tấn, Tài thần, Thư xã Nhạc Lộc, Trường Sa, 2012, tr.98, 99.
5. Trong cuốn sách kinh điển của Đạo giáo thời kỳ Nguyên - Minh, tiêu đề Tam giáo nguyên lưu sưu thần đại toàn, có bức họa Tăng Phúc Tướng Công, mặc quan phục của triều đình, đội mũ tể tướng. Nguồn: baike.baidu.com.
6. Lưu Trọng Vũ, Chính phùng thời vận: Tiếp Tài thần dữ thị trường kinh tế, Nxb Từ điển Thượng Hải, Trung Quốc, 2005, tr.25, 42, 238, 246.
7. Tư liệu điền dã của tác giả năm 2017.
8. Dẫn theo câu chuyện lưu truyền về một người tên Tất Tam gặp Bạch Vô thường, trong Toàn tượng Phúc Thọ Tài thần, của hai tác giả Mã Thư Điền, Mã Thư Hiệp, Nxb Mỹ thuật Giang Tây, Nam Xương, Trung Quốc, 2008, tr.243.
9. Nguyễn Văn Sanh, Văn hóa và nghệ thuật người Hoa TP.HCM, Trung tâm Văn hóa TP.HCM, 2006, tr.57.
10. Tư liệu của tác giả phỏng vấn ông Dương (ông chỉ cho biết họ), 82 tuổi, thành viên Ban quản trị miếu, ngày 11-7-2013.
Nguyễn Thái Hoà
Tạp chí VHNT số 405