Khán giả TP HCM bội thực
Dấu hiệu bội thực rõ nhất của khán giả Sài Gòn là các sô ca nhạc có bán vé vắng khách, thậm chí phải phá sản. Khán giả của thị trường biểu diễn nhất nước trước đây giờ chỉ quen đi xem chương trình miễn phí. Hầu hết các chương trình biểu diễn từ ca nhạc đến nhảy múa, tấu hài đang ăn khách trên truyền hình đều tổ chức biểu diễn để ghi hình tại TP HCM. Vé mời các đêm diễn phát miễn phí, chủ yếu có đông khán giả để ghi hình. Chương trình diễn ra dày đặc đến nỗi khán giả không có thời giờ đi xem phải cân nhắc chọn lựa.
Chương trình miễn phí nhưng luôn tập trung các sao, sân khấu được dàn dựng hoành tráng, có khi các chương trình bán vé ở nhà hát không bằng. Vậy khán giả làm sao chịu bỏ tiền mua vé? Một nhà kinh doanh tổ chức biểu diễn có tiếng cho rằng truyền hình đã khai thác đầy đủ các loại hình biểu diễn có khả năng bán vé, từ ca nhạc đến kịch hài, cải lương… Chính các đêm diễn miễn phí của truyền hình đã giết chết thị trường biểu diễn tại TP HCM. Theo một đơn vị chuyên sản xuất chương trình giải trí của truyền hình, hoạt động biểu diễn tại TP HCM không thay đổi cho phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay. Chương trình biểu diễn ở các nhà hát muốn bán được vé phải có sự khác biệt, phải nâng giá trị hàng hóa để khán giả chấp nhận móc hầu bao.
Các đơn vị kinh doanh tổ chức biểu diễn tại TP HCM nhiều năm qua bất lực vì thiếu tiền và nhân lực để có thể xoay chuyển tình thế. Hoạt động biểu diễn có doanh thu tại đây chủ yếu diễn ra ở các tụ điểm có giá vé bình dân và phòng trà ca nhạc.
Một nhà tổ chức biểu diễn tại TP HCM cho rằng chỉ tốn một vài trăm ngàn đồng đến phòng trà, sân khấu tụ điểm là khán giả được gặp mặt, nghe, xem các nghệ sĩ ngôi sao biểu diễn rồi. Trên thế giới, ca sĩ càng nổi tiếng càng không đi biểu diễn tràn lan như vậy. Mỗi năm, họ có những chuyến lưu diễn dài ngày để phát hành album mới ra đời của mình nên chương trình của họ luôn được công chúng khắp nơi chờ đợi. Nghệ sĩ tại TP HCM đang làm ngược lại.
Đánh thức nhu cầu giải trí
Nếu hoạt động biểu diễn ca nhạc có bán vé tại TP HCM gần như tê liệt trong những năm qua thì ở Hà Nội, thị trường này đang được mở ra, nhiều công ty tổ chức biểu diễn của tư nhân ra đời, hoạt động khá rầm rộ. Nhiều chương trình nghệ thuật được tổ chức có bán vé, thậm chí giá cao chứ không như trước đó, nhiều đơn vị quốc doanh chỉ làm chương trình phát giấy mời. Đặc biệt, những chương trình của nghệ sĩ trong Nam diễn ra tại Hà Nội bao giờ cũng thắng về doanh thu. Không chỉ ca nhạc, kịch nói và cải lương từ Nam ra đều được khán giả Hà Nội đón nhận. “Thị trường biểu diễn tại Hà Nội đang mở” - nhận định chung của giới tổ chức biểu diễn.
Không chỉ những sô diễn của nghệ sĩ ngôi sao đang ăn khách diễn ra ở Hà Nội thành công mà cả những chương trình của những nghệ sĩ thuộc thế hệ cao niên như Khánh Ly, Nguyễn Ánh 9, Vinh Sử cũng thắng ngoài mong đợi. Ca sĩ Bảo Yến cũng đang chuẩn bị cho đêm nhạc mang tên “Đường xưa” tại Hà Nội vào ngày 20-9 trong tâm thế rất tự tin.
Có ý kiến cho rằng khán giả Hà Nội chịu mua vé xem biểu diễn nghệ thuật là thành công lớn. “Trước đây, khán giả Hà Nội quen đi xem biểu diễn bằng vé mời nhưng xem chương trình kiểu vé mời riết rồi cũng chán, nhất là giới trẻ, nên họ bắt đầu chấp nhận bỏ tiền mua vé để được xem những chương trình biểu diễn mình thích” - một nhà tổ chức biểu diễn lý giải.
Theo nhìn nhận của giới chuyên môn, Hà Nội là thị trường kinh doanh biểu diễn tiềm năng. Chỉ có điều lâu nay, các nhà tổ chức biểu diễn quốc doanh quen làm ăn theo kiểu bao cấp, không biết cách và cũng không chịu tìm cách đánh thức nó. Đến khi các công ty tư nhân ra đời, “con gấu” tiêu dùng giải trí ở xứ sở này mới hết ngủ đông. Tất nhiên, những chương trình biểu diễn mang tính “đánh thức” đã đáp ứng phần nào nhu cầu thưởng thức của khán giả ở đây.
Cũng có ý kiến cho rằng sở dĩ thị trường biểu diễn ở Hà Nội đang có chiều hướng kinh doanh thuận lợi là vì ở đó chưa bị các chương trình truyền hình càn quét. Giả sử các chương trình truyền hình giải trí tập trung việc ghi hình tại Hà Nội bằng những đêm diễn miễn phí như ở TP HCM thì liệu chiều hướng kinh doanh thuận lợi này có tồn tại lâu không? Đó là điều mà các nhà tổ chức biểu diễn tại thị trường Hà Nội phải tính đến và tìm cách hóa giải.
Chú trọng chất lượng nghệ thuật
Ngoài những chương trình đơn lẻ, mang tính ngắn hạn, khách mời vãng lai như “In the spotlight” nổi tiếng của Công ty Mỹ Thanh, gần đây Hà Nội có “Vàng son một thuở” do Công ty Vàng Son Một thuở của ca sĩ Ngọc Châm sở hữu, là những chuỗi chương trình đầu tư dài hạn, chú trọng chất lượng nghệ thuật. Nếu “In the spotlight” khai thác những chương trình nghệ thuật theo chủ đề thì “Vàng son một thuở” khai thác nhân vật, những tên tuổi một thời vàng son. Trong 4 chương trình của “Vàng son một thuở” diễn ra tại Hà Nội có đến 3 nhân vật là nghệ sĩ của
TP HCM: Nguyễn Ánh 9, nhạc sĩ Vinh Sử, ca sĩ Bảo Yến… Ban tổ chức chuỗi chương trình “Vàng son một thuở” cho biết nếu tiếp tục thành công, nhiều nghệ sĩ trong Nam có cơ hội được trình diễn trong đêm nhạc của mình tại Hà Nội thông qua chuỗi chương trình này.
Theo Ngô Thu (Người Lao Động)