Theo chân thợ săn mùa nước nổi

04/09/2018 16:19

Theo dõi trên

Vào mùa nước nổi, trên những đồng nước mênh mông của vùng biên giới Hồng Ngự, Tân Hồng, Vĩnh Hưng, hàng trăm người dân làm nghề đặt lọp lại xuôi ngược với công việc của mình. Sau một đêm, những chiếc lọp nhỏ bé đã “tóm gọn” rất nhiều loại thủy sản, từ cua, tôm, cá rô, cá trê, cá lóc cho tới lươn, ếch hay thậm chí cả chim, rắn…

 
Gỡ lọp lúc bình minh

Theo chân người đặt lọp

Buổi chiều, khi những cánh đồng ở kênh 28, một tuyến kênh đi qua thị trấn Vĩnh Hưng (huyện Vĩnh Hưng, Long An) dần chìm trong làn nước mênh mông, ông Nguyễn Văn Hữu (67 tuổi) lên ghe đi đặt lọp. Với kinh nghiệm của một người gần như cả đời dành cho việc đi đặt lọp, ông kể: Giờ mới đầu mùa nước nổi, đặt lọp cá trê, cá chạch chấu là “dễ ăn” nhất. Ít bữa nữa nước về nhiều hơn thì đặt lọp ếch, lọp tôm càng.

Cuối mùa, khi nước bắt đầu rút đi thì đặt lọp cá lóc là “trúng mánh”. “Lọp là dụng cụ bắt thủy sản dễ nhất mà gần như bất cứ người dân miền Tây nào cũng biết. Bởi chỉ cần đặt nó xuống nước, tới sáng hôm sau vớt lên, kiểu gì cũng có tôm cá. Như tôi, mấy chục năm chỉ mong từng ngày đến mùa nước nổi để đặt lọp những cánh đồng quanh đây. Chứ mùa nước cạn, có khi phải ngược lên tới kênh Cái Môn, kênh Trung ương hay vòng xuống sông Vàm Cỏ Tây mới có chỗ đặt vì giờ tôm cua cá không còn nhiều” - ông Hữu chân tình chi sẻ.

Lọp là dụng cụ đánh bắt rất đơn giản, được đan bằng tre, inox hay dây lưới với nguyên lý dụ cá tôm chui vào nhưng không thoát ra được. Với người dân miền Tây, lọp là công cụ quen thuộc lâu đời. Tuy nhiên, chỉ khi mùa nước nổi tràn về mới là lúc lọp được sử dụng nhiều nhất. Trên những cánh đồng biên giới đầu mùa nước, có hàng trăm ngàn chiếc lọp được thả xuống trong nỗi háo hức mong chờ của mọi người. Không những thế, nghề đan, chế tạo lọp phục vụ người dân mùa nước nổi vào thời gian này cũng rất tấp nập.

 
Những chiếc lọp thân quen mùa nước nổi
 
Niềm vui trên đồng nước

Cùng những dòng nước đục ngầu từ thượng nguồn tràn về, những con tôm càng mùa lũ to như trái me, những chú cua đồng vàng óng là thứ sản vật tự nhiên không dễ gì tìm thấy ở nơi khác. Nước nổi tràn về đã đem đến cho những cư dân nơi thượng nguồn này vô vàn sinh kế. Không chỉ có cá trê, chạch chấu mà những ngày này, nhiều người dân ở Thường Thới Tiền, Thường Thới Hậu (huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp) cũng đang hối hả đi đặt lọp bắt tôm càng, cua đồng. Khác với lọp cá, lọp dành cho tôm càng thì mắt nan nhỏ hơn và có nhiều cửa để vào hơn.

Riêng với lọp cua, người ta có thể đặt ở mé kênh rạch, đặt ven đồng nước hay những chỗ nước thấp chứ không nhất thiết phải để chìm trong đồng nước sâu. Cua đồng ban đêm vẫn thường có thói quen di chuyển lên vùng cạn để nghỉ ngơi và mắc lọp. Tuy nhiên, để tránh lọp bị nước cuốn trôi, người ta cũng phải buộc chúng lại với nhau, hoặc đóng thêm dọc xuống nước, cũng là đánh dấu vị trí lọp của mình.


 
Niềm vui thu hoạch trên đồng nước nổi

Đặt lọp không chỉ là nghề dành cho những lão ngư lâu năm, rành rẽ từng con nước mà ngay cả những cậu nhóc chín mười tuổi cũng có thể đặt lọp. Bởi đây là nghề không cần nhiều kỹ thuật mà chỉ cần thông thạo địa hình đồng nước. Quan trọng hơn, tiền đầu tư mua lọp lại khá rẻ.

“Một cái lọp bằng tre đan có giá 14.000 đồng nhưng lọp bằng lưới đan, có khung nhôm cứng chỉ giá 7.000 đồng mà thôi. Tụi em xin mẹ tiền mua 20 cái lọp khung nhôm để bẫy cua cá mùa nước nổi. Chiều nào hai anh em cũng chèo ghe ra đồng nước gần nhà đặt lọp. Sáng hôm sau gỡ lọp đem cá về cho mẹ đi bán. Năm nay lũ cao, cá nhiều nên sáng nào cũng được bốn năm ký lô, đủ các loại cá. Mùa lũ còn hai ba tháng nữa mới hết, chúng em còn kiếm tiền dài dài giúp mẹ”, hai cậu bé đang chèo ghe trên cánh đồng mênh mông nước hào hứng khoe.


Đoàn Xá
Theo giaoducthoidai.vn

Bạn đang đọc bài viết "Theo chân thợ săn mùa nước nổi" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.