Theo chân những chàng trai hành nghề tính mạng 'ngàn cân treo sợi tóc'

11/01/2017 09:29

Theo dõi trên

Nghề đu dây lau kính cao ốc được xếp vào một trong những nghề nguy hiểm nhất thế giới. Vào dịp cận tết, nhu cầu lau kính ở các tòa nhà cao tầng tại Sài Gòn tăng mạnh, những "người nhện" được dịp tất bật, gần như suốt ngày phải làm việc lơ lửng trên không trung cách mặt đất hàng trăm mét.



Minh đứng cheo leo trên bệ bê tông của tòa nhà, thả dây thừng chuẩn bị đu dây, lau kính - Ảnh: Dương Cầm

Sáng sớm, các chàng trai trẻ của đội vệ sinh kính mặt ngoài thuộc Công ty TNHH Vệ sinh công nghiệp Inces gồm Ngô Văn Phúc Thọ, Trần Nhật Minh, Trần Đăng Khoa, Hồ Tấn Cường, Nguyễn Minh Nhân, Nguyễn Đức Bảo Anh, Nguyễn Văn Hiếu, Trần Duy Quang... ngồi nhâm nhi cà phê, chuẩn bị một ngày mưu sinh.

Họ là những mảnh đời tứ xứ: Tiền Giang, Cà Mau, Cần Thơ, Khánh Hòa... gặp nhau ở Sài Gòn, cùng thuê nhà trọ ở quận 2, đùm bọc nhau kiếm sống bằng cái nghề nguy hiểm "đu dây, lau kính". Sáng nay, họ cùng nhau làm vệ sinh mặt kính của tòa nhà cao 34 tầng nằm ngay góc đường Nguyễn Thị Thập - Nguyễn Hữu Thọ.

Đội trưởng Ngô Văn Phúc Thọ cười vui, chia sẻ cơ duyên đến với nghề: "Trước đây tui làm tài xế xe. Một lần đi theo thằng bạn đu dây thử và thấy thích luôn. Ai chê nghề này mạo hiểm, chứ đối với tui là cả một đam mê. Tui theo được 5 năm rồi đó".



Trên vách tòa nhà cao chọc trời, những "người nhện" trông nhỏ li ti - Ảnh: Dương Cầm

Anh Thọ được giới "đu dây" ngưỡng mộ, đánh giá là "người nhện" giỏi nhất Sài Gòn, chinh phục được những tòa nhà cao nhất như tòa tháp 68 tầng Bitexco cao 262 mét ở quận 1, tòa nhà Saigon Pearl 38 tầng cao 135 mét ở Bình Thạnh.

"Lần lau kính ở tòa nhà Bitexco, tụi tui phải đu dây lúc 10 giờ đêm. Trên đầu mỗi đứa đều gắn bóng đèn mới thấy đường. Ban đêm khó đu dây hơn ban ngày nhưng bù lại được nhìn bao quát cả thành phố lung linh khi đêm về, không gì sướng bằng", Thọ cười hãnh diện.

Tính tiền cà phê xong, mọi người đi vào tòa nhà. Lên đến tầng 33, các chàng trai trẻ đi theo lối cầu thang hẹp để lên sân thượng. Để đến được sân thượng phải trèo qua nhiều bức tường cao, đôi khi phải nhảy từ bờ tường này sang bờ tường khác, bên dưới là một khoảng trống hun hút, có thể làm chùn chân bất kỳ ai "yếu bóng vía".



Nguyễn Văn Hiếu đang đi lên sân thượng để mắc dây, chuẩn bị công việc "đu dây, lau kính" - Ảnh: Dương Cầm

Thấy chúng tôi có vẻ chới với, sợ độ cao, Hiếu động viên: "Tại anh chưa quen chứ tụi em quen rồi. Đu dây ở tòa nhà này nhằm nhò gì, em còn dám đu lên cột ống khói nhà máy nhiệt điện ở Bình Thuận cao hơn 200 mét. Nhà máy nhiệt điện nằm sát biển, gió giật mạnh, đu dây rất nguy hiểm. Đứa nào liều lắm mới dám, còn nhát gan thì người ta có trả cho 100 triệu cũng từ chối".

 
Cận cảnh công việc nguy hiểm của "người nhện" Ngô Văn Phúc Thọ - Ảnh: Dương Cầm

Đứng trên nóc tòa nhà cao hơn 150 mét, nhìn xuống dưới, chúng tôi thấy chiếc cầu vắt ngang dòng kênh Tẻ chỉ còn là một vệt xám mờ. Dòng xe cộ đông đúc trên hai con đường Nguyễn Thị Thập, Nguyễn Hữu Thọ nhỏ li ti, không nhìn thấy rõ. Thành phố hun hút tầm mắt, lổm ngổm những dãy nhà cao, thấp... đẹp như một bức tranh thủy mặc, đầy sinh động vào sáng sớm.

Công việc mắc dây là khâu quan trọng nhất cho quá trình "đu dây" diễn ra ở sân thượng. Minh hóm hỉnh: "Mắc dây hơi cực một chút thôi. Mắc xong, đu dây và lau kính chỉ là công việc của phụ nữ, không có gì nhọc nhằn đâu anh".

Mỗi "người nhện" sẽ sử dụng hai sợi dây thừng để đu, một sợi dùng để "đi" và một sợi giữ chức năng "bảo hộ", đề phòng có bất trắc.


Anh Phúc Thọ giải thích: "Đầu hai sợi dây thừng được cột chặt vào hai móc sắt thiết kế sẵn trên sân thượng này, sau đó thả xuống đất. Dây đi là dây gắn ghế ngồi, có thể điều khiển tốc độ trượt xuống qua một ròng rọc. Dây bảo hộ là dây mà người đu dây móc khóa an toàn trên ngực vào. Nếu sợi dây đi gặp sự cố gì thì chính sợi dây bảo hộ sẽ cứu mình".

Nhìn các chàng trai bình thản đứng trên bờ tường chênh vênh ở độ cao chóng mặt, tay thuần thục thả dây xuống mặt đất, chúng tôi không khỏi lo lắng. Cường trấn an: "Quen rồi anh. Lát nữa anh coi tụi em đu còn nhói tim hơn".



Trần Đăng Khoa rướn người nhìn xuống khoảng không hun hút, kiểm tra hai sợi dây thừng vừa thả - Ảnh: Dương Cầm

Thọ, Minh, Hiếu, Cường vội vàng mặc áo chuyên dụng, gắn khóa an toàn trên ngực áo vào sợi dây bảo hộ và xách chiếc xô chất lỉnh kỉnh giẻ lau kính, nước tẩy... để bắt đầu công việc. Hiếu nói: "Tụi em bắt đầu cho kịp đây. Lát nắng lên, người mất nước, mệt lắm".

Trong khi các các đồng đội đu dây, lau kính thì Bảo Anh, Nhân, Khoa, Quang chạy vội xuống bên dưới. Bảo Anh nói: "Tụi em phải canh chừng người qua lại, sợ đồ rơi từ trên cao xuống, nguy hiểm".

"Ngoài ra, tụi em phải luôn chuẩn bị tinh thần, nếu như nghe các anh ở trên đó có chuyện gì nguy cấp, gọi điện thoại xuống là phải ứng biến tức thời. Ai đu dây cũng mang theo điện thoại là vì vậy", Nhân cho biết thêm.



                   Nhân luôn dõi mắt lên trên quan sát các đồng đội - Ảnh: Dương Cầm

Mỗi tầng lầu có 4 căn. Tính theo chiều dọc từ trên xuống có 4 dãy nhà, mỗi dãy được dân "đu dây" gọi là 1 "lai" (line).

Chỉ tay lên trên, Bảo Anh cho biết: "Lau xong một lai như vậy, tụi em được trả công 300 ngàn. Đu dây lâu năm và có kinh nghiệm như anh Thọ thì mỗi ngày làm được khoảng bốn lai. Dân còn non nghề, làm giỏi lắm là hai lai đã đuối sức".

"Hôm nay trời không có gió, đu thoải mái. Làm cái nghề này kỵ nhất là gió. Đu dây ở trên cao, gió thổi mạnh, giật dây đung đưa người qua lại như đánh võng thì phải đi xuống thôi, không làm được đâu", Bảo Anh nói.



                             Công việc của "người nhện" bắt đầu... - Ảnh: Dương Cầm

Từ dưới đất ngước lên, bóng các chàng trai nhỏ xíu, cheo leo trên vách tầng 33 của tòa nhà sừng sững, cao vút trên nền trời xanh. Lau vừa xong tầng này, những "người nhện" đu đưa người trên không trung, tuột ngay xuống tầng khác... lau tiếp, hình ảnh nghẹt thở như trong phim "bom tấn" của Hollywood. Trời nắng gắt rọi vào vách tòa nhà. Suốt 3 tiếng đồng hồ, bóng các chàng trai to dần, nhìn rõ hơn. Công việc vệ sinh kính mặt trước tòa nhà sắp xong... Thọ, Minh, Hiếu, Cường đều chuẩn bị xuống đất.


 
Đội trưởng Ngô Văn Phúc Thọ vừa hoàn thành công việc, tuột xuống đất trong tiếng cười của đàn em Trần Duy Quang - Ảnh: Dương Cầm

Các chàng trai quây quần trong tiệm cơm bình dân, ăn qua loa, tranh thủ nghỉ ngơi một chút trước giờ làm chiều. Nhìn họ gắp cho nhau từng miếng ăn đạm bạc mới thấy cái tình của những con người xa quê, mưu sinh trên đất Sài Gòn.

Đội trưởng Ngô Văn Phúc Thọ tâm sự: "Anh em ai cũng nghèo, làm cái nghề nguy hiểm này một phần vì miếng cơm manh áo, một phần vì đam mê. Mỗi người mỗi cảnh, tứ xứ gặp nhau nhưng thương nhau như anh em ruột thịt. Được cái lãnh đạo công ty cũng thấu hiểu công việc của tụi tui vất vả, chịu nhiều rủi ro nên rất cảm thông, trả lương đủ sống".

"Nghề này làm được trong 3 tháng cận tết khi nhu cầu vệ sinh kính của các tòa nhà tăng cao. Những ngày này, hầu như tụi tui đu đưa trên cao cả ngày, có khi đến gần giao thừa mới nghỉ. Cực nhưng vui lắm", anh Thọ tươi cười nói, tay quệt những giọt mồ hôi đầm đìa trên khuôn mặt giữa trưa nắng gắt.


Dương Cầm

Nguồn: Một Thế Giới
Bạn đang đọc bài viết "Theo chân những chàng trai hành nghề tính mạng 'ngàn cân treo sợi tóc'" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.