Thành phố của cây cổ thụ

17/01/2017 16:21

Theo dõi trên

Tôi gọi thành phố trẻ Trà Vinh bằng cái tên mỹ miều thế, bởi vì đúng sự thật. Và một sự thật khác nữa đó là cả Việt Nam, ít có đô thị nào được mệnh danh là “miền xanh”, “thành phố công viên” một cách thương mến như Trà Vinh.



Phố và cây cổ thụ

Phố của cây

Với hơn 800 cây cổ thụ được trồng và chăm sóc đặc biệt trong nội thành, nhưng cây cổ thụ khổng lồ với bóng mát che rợp những con đường, che khuất những tòa nhà cao, nhìn đâu cũng chỉ thấy một màu xanh mướt mát của cây, của lá. Điều đó khiến không ít người khi đến với thành phố này cảm thấy thực sự yên bình, thanh thoát đến lạ kỳ. Hơn 800 cây cổ thụ là một con số “khủng” so với số lượng cây xanh của các thành phố lớn như Hà Hội, TP HCM hay nhiều đô thị khác. Đó cũng có lẽ là niềm ao ước của nhiều đô thị trên thế giới. 

Theo số liệu thì Trà Vinh hiện có 14.346 cây xanh cỡ lớn, trong đó hơn 800 cây cổ thụ từ 100 đến 300 năm tuổi ở các tuyến phố được “quản lý đặc biệt”. Cả năm 2012, Trà Vinh không phải “hy sinh” một cây cổ thụ nào cho việc phát triển của thành phố tưng bừng sức sống của mình bởi chủ trương của họ là “công trình né cây, cây không né công trình”. Các cây đều được quản lý bằng hồ sơ, ảnh, có đánh số trên thân cây, ngồi ở tại văn phòng có thể bật máy tính, xem bản đồ và nhìn thấy hình ảnh hồ sơ của từng cây…

Tại nhiều tuyến đường trung tâm thành phố như đường Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão, Lê Lợi, Trần Phú, Điện Biên Phủ… với cây cổ thụ to mấy người ôm đứng ken dày như giữa rừng nguyên sinh với các loại như sao, dầu, me… khổng lồ trong nội đô. Có những cây dầu thân to năm sáu vòng tay người trưởng thành dang ôm cùng lúc, cây được lập đền miếu thờ cúng, được đặt tên dân gian rất nổi tiếng là “cây dầu dù”. Tức là cây dầu có cái tán xòe tròn ra như cái dù (cái ô) che mưa nắng. Tôi cứ miên man nghĩ đến cái việc ở nước ta chuyện một cây to sớm muộn gì cũng bị đốn hạ mà lại khâm phục cho việc người dân và chính quyền thành phố gìn giữ được một không gian cổ thụ giữa lòng phố xá như thế này. Hàng trăm thân cây to, san sát nhau như cùng nhau mà lớn lên, cây nào cũng được kiểm đếm, đeo biển số đàng hoàng. Một người bạn tôi khi đến đây đã phải trầm trồ trước sự huy hoàng của cây cổ thụ nơi phố thị này. Cây cổ thụ tràn ngập phố xá. Cây ken dày như so đũa, cây như hai hàng lính gác ven đường. Cây sừng sững mọc lên cả vỉa hè, các nhà dân, các trụ sở hành chính. Nhiều ngôi nhà có từ thời thuộc Pháp, giờ là trụ sở cơ quan cấp tỉnh, sân rộng gấp năm sáu lần nhà, sừng sững toàn cây to thẳng tắp như giữa một khu rừng Châu Âu. Nhiều cây nhất vẫn là ở các khu trường học, các ngôi chùa Khmer với triết lý sống hài hòa với thiên nhiên. 

 


Tại nhiều tuyến đường trung tâm thành phố như đường Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão, Lê Lợi, Trần Phú, Điện Biên Phủ… với cây cổ thụ to mấy người ôm đứng ken dày như giữa rừng nguyên sinh với các loại như sao, dầu, me… khổng lồ trong nội đô

Anh bạn tôi dạy Luật tại Đại học Trà Vinh cứ tấm tắc giới thiệu, rằng ở đây chính quyền bảo vệ cây xanh nghiêm ngặt lắm. Muốn chặt bỏ một cây cổ thụ nào đó phải xin ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh mới được. Còn nếu tự ý chặt là biết ngay. Không chỉ chính quyền, ngay cả bà con người Kinh, người Khmer, người Hoa nơi đây cũng bảo vệ cây nghiêm! Bởi mỗi gốc cây đều gắn với họ một kỷ niệm, một sự kiện nào đó. Và theo cách gọi của bà con, thì bên cạnh những tên đường được đặt theo hành chính, bà con vẫn quen gọi tên theo cách dân dã như Đường Hàng Me (19 tháng 5), đường Hàng Sao (Lê Thánh Tôn), đường Cây Dầu (Nguyễn Thị Minh Khai)... 

Nghe anh bạn giới thiệu, tôi cũng thấy tâm đắc với cách làm nơi đây. Mỗi gốc cây người dân cứ để tự thân nó kể những câu chuyện gắn với đất, với người, với trời xanh mây trắng mấy trăm năm qua. Bây giờ, ai đến đây vẫn thấy miên man với phố vắng êm đềm, cùng sự cổ kính với hàng chục ngôi cổ tự thâm u tràn ngập bóng cây xanh. Ngày râm mát miên man. Đường đêm xao xác, gió đùa trên mỗi tán cây mê mải làm dịu lòng người lại sau những xô bồ của cuộc sống. Chẳng trách người dân nơi đây hiền hòa đến thế, cuộc sống bình lặng đến thế.

Tình cây và người

Một điều đặc biệt là lượng cây xanh trong các sân chùa nơi đây thuộc loại đáng kính nể. Anh bạn tôi nhẩm tính, với số lượng 144 ngôi chùa rợp bóng cây xanh, tối um như rừng rậm. Nếu tính tỉ lệ 70% diện tích chùa ở Trà Vinh là rừng già, thì Trà Vinh có ít nhất 300ha rừng nơi cửa Phật! một con số khiến nhiều người ngỡ ngàng. Điển hình như Chùa Âng, ngôi chùa Khmer nổi tiếng và cổ kính nhất Trà Vinh có đến 36.000m2 cây xanh. Sư trụ trì chùa Âng cho biết, trong nhiều thế kỷ qua, mọi sự việc diễn ra ở chùa, kèm theo số phận của các cây đại thụ kỳ vĩ nơi này đều được các thế hệ người trụ trì ghi chép cẩn thận. Cây là một linh hồn, một nhân chứng “biết nói” cần được ứng xử tôn trọng. Có ý kiến cho rằng, các ngôi chùa cổ xưa kia đều được xây cất bằng gỗ, nên nhà chùa rất chú trọng trồng và bảo vệ rừng chùa để khai thác “có kế hoạch” cho các đại công trình của mình. Nhưng dẫu sao đấy cũng chỉ là một lý do.
 


Nhiều ngôi chùa nơi đây rợp bóng cây cổ thụ

Bên cạnh chùa Âng là Ao Bà Om, khu Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia cũng bạt ngàn cây xanh. Những tàng cây cổ thụ đứng chiu chít, nối tiếp nhau, rễ cây sao, cây dầu gồ ghề, uốn lượn, trồi lên mặt đất kỳ quái. Rễ cây trườn đi như những con mãng xà, như những búi dây chão vĩ đại. Có khi mấy chục thanh niên Khmer ngồi trên một hệ thống rễ cây vểnh lên nền trời. Có khi rễ bắc từ cây nọ sang cây kia như cái cổng chào. Có búi rễ sum suê loằng ngoằng đắp đống dị thường giữa một triền gò đất cát tơi tả. Nhiều người không hiểu vì sao giữa một miền giá cát ven biển như thế mà cổ thụ lại mọc thành rừng như thế. Phải chăng những cây dầu, cây sao mọc trên các đất cát nơi đây qua thời gian đã tự thân chúng trở thành những mầm sống “có một không hai” trên mảnh đất này. 

Có phải cổ thụ ở đây nhiều là do người Pháp trồng nhiều từ hàng trăm năm trước, hay vì nhà quản lý địa phương vốn tôn vinh cây xanh. Anh bạn tôi giải thích chí ít thì đất đai ở nơi đây khá phù hợp cho sự phát triển của hai loài cây lâu năm này. Nhưng tôi thì hiểu theo một nghĩa khác, khi thấy được sự lãng mạn, tình yêu thiên nhiên từ trong máu thịt của người Trà Vinh. Nhiều gia đình có tới vài chục cây cổ thụ trong khuôn viên, họ còn trồng thêm nữa, họ nghiễm nhiên coi cây khổng lồ trong nhà mình nhưng là tài sản của Nhà nước, họ không được phép chặt, cũng không thấy sự “thiệt thòi” vì điều đó. Có lẽ chính vì thế nhiều năm đã trôi qua, Trà Vinh liên tục phát triển, đô thị rộng ra, nay đã lên thành phố rồi, nhưng nhờ ý thức bảo tồn cao, khuôn viên cây xanh cổ kính của nó vẫn chưa bao giờ bị thay đổi, xâm hại như hầu hết các đô thị khác. Hệ thống cây của Trà Vinh ngày càng xanh um, cổ thụ, mốc thếch, kỳ ảo qua thời gian. Khiến nhiều gã lang thang như tôi phải vượt cả nghìn cây số chỉ với một lý do: Ngắm những cái cây này. 

Cây và người, người và cây sống hài hòa với nhau đến thế, thì chẳng bao giờ cây phụ người. Tôi đi dưới những hàng cây xanh mát, cứ thầm nghĩ giá như nước ta thành phố nào cũng có được một cách làm như thế này, thì cái danh hiệu “thành phố xanh”, hay “đất nước xanh” chẳng bao giờ tuột khỏi tay.
 
Bùi Hữu

Bạn đang đọc bài viết "Thành phố của cây cổ thụ" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.