
Niềm tin này cũng diễn tả rằng những linh hồn nơi luyện ngục cần được thanh luyện đến khi nào sạch tội thì sẽ được vào thiên đàng. Hơn nữa các linh hồn đang trong tình trạng thanh luyện không thể tự cứu mình mà chỉ nhờ lời cầu bầu của các thánh trên thiên đàng cùng những lời cầu nguyện và việc lành phúc đức của người còn sống để Chúa thương giảm bớt hình phạt và thời gian thanh luyện. Vì mối tương quan giữa người sống và người chết hết sức khăng khít như thế nên giáo hội Công giáo dành ngày đầu tiên của tháng 11 là ngày tôn vinh chung tất cả các thánh trên thiên đàng và từ ngày 2 đến hết tháng 11 dành để cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện ngục.
Người Công giáo cũng tin rằng khi tới viếng nghĩa trang và cầu nguyện thì các linh hồn nơi luyện ngục sẽ được hưởng Ơn Toàn Xá (tức là giảm bớt thời gian thanh luyện nơi luyện ngục). Cũng vì lẽ đó mà vào tháng 11, người Công giáo tới nghĩa trang sửa sang mộ phần cho người thân, trưng hoa, thắp hương tưởng nhớ. Không chỉ tới nghĩa trang ban ngày, nhiều nơi các tín hữu còn tổ chức viếng nghĩa trang vào ban đêm, họ tới đây để thắp nhang, thắp nến, tưởng nhớ và cầu nguyện cho những người thân yêu đã qua đời.

Nói vậy, nhưng để việc cầu nguyện đem lại ơn ích thiêng liêng cho những người đã khuất thì cũng không phải dễ dàng. Ngoài những yêu cầu thông thường, giáo hội Công giáo còn chú trọng và đề cao sự chân thành trong lời cầu nguyện với Thiên Chúa chứ không đơn thuần là những biểu hiện bên ngoài như xây mộ thật hoành tráng, trưng thật nhiều hoa, thắp thật nhiều hương, đốt thật nhiều nến hay mang thật nhiều tiền đi xin kinh, xin lễ. Dễ hiểu hơn thì giáo hội Công giáo đòi buộc tín hữu của mình xác tín về Thiên Chúa, về thiên đàng, về luyện ngục và nhờ sự xác tín mạnh mẽ mà khi cầu nguyện các tín hữu mới thành tâm được.

Việc thăm viếng nghĩa trang và cầu nguyện cho người đã khuất chứng tỏ người Công giáo không bất hiếu như những lời đồn đại thiếu căn cứ trước đây là “theo đạo là bỏ ông bà, tổ tiên”. Chẳng qua sự báo hiếu của người Công giáo được biểu đạt theo cách thức khác mà thôi. Như thế một người Công giáo có hiếu phải là người biết vâng lời, quan tâm, chăm sóc ông bà cha mẹ khi các ngài còn sống và khi các ngài qua đời thì phải lo lắng giữ gìn chăm sóc mộ phần đàng hoàng, thường xuyên cầu nguyện xin kinh, xin lễ và trên hết là phải hoàn thiện bản thân nên người có ích cho giáo hội và xã hội. Qua đó có thể dễ dàng nhận ra một người Công giáo bất hiếu hay có hiếu và nếu có hiếu thì có hiếu ở mức nào.