Thái giám triều Nguyễn và những bí ẩn số phận

14/03/2016 14:54

Theo dõi trên

Triều đình nhà Nguyễn cũng như các triều đình khác của thời kỳ phong kiến Việt Nam, các ông vua tuyển chọn thám giám để hầu hạ, phục dịch trong cung, từ giám sát cung tần, mỹ nữ đến hầu hạ công chúa và là người phụ giúp việc vặt cho hoàng thượng. Những thái giám trong cung chịu cảnh không phải đàn ông cũng không phải đàn bà mà là… hoạn quan!

Tuyển chọn thái giám

Theo nhà nghiên cứu Huế Nguyễn Đắc Xuân, các vị vua triều Nguyễn tuyển chọn thái giám từ hai nguồn chính. Đó là từ những cậu bé sinh ra đã không có bộ phận sinh dục nam (thái giám tự nhiên hay giám sinh) và từ những người thanh niên có hoàn cảnh quá nghèo khổ. Họ tự nguyện vào cung làm thái giám để có tiền bạc.

Đối với những cậu bé sinh ra đã không có bộ phận sinh dục nam thì thời đó, làng nào có được một người như vậy được coi là điềm tốt. Khi cậu bé này được tiến cử lên vua, cả làng đó sẽ được vua ban thưởng với bổng lộc lớn.

Luật triều Nguyễn năm Minh Mạng thứ 16 (1836) có quy định, khi nhà nào sinh được “thái giám tự nhiên” thì cha mẹ đứa bé phải báo cho làng, xã để lập danh sách báo lên cho Bộ Lễ nắm. Khi đứa bé lên 10, Bộ Lễ sẽ đưa  vào cung để dạy cho đứa trẻ đầy đủ từ những nghi lễ phức tạp trong cung cho đến kiến thức, văn hóa… để khi lớn lên, chúng sẽ được vào đội thái giám.
 


Lăng mộ thái giám bị lãng quên

Làng nào có “thái giám tự nhiên” mà không báo cáo lên trên thì sẽ bị phạt nặng. Nếu báo lên trên thì làng đó sẽ được nhà vua miễn thuế 3 năm. Vì vậy, những “thái giam tự nhiên” thời đó không hề bị dân làng coi thường, né tránh mà còn được mọi người kính trọng gọi là “ông Bộ”.

Bên cạnh những lợi lộc trước mắt do “ông Bộ” đem lại, việc phát hiện ra “Thái giám tự nhiên” rất khó khăn và không an toàn. Do đó, việc tuyển chọn thái giám từ nguồn thứ hai, những gia đình ngheo tự nguyện cho con mình làm thái giám là phổ biến.

Trước khi trở thành thái giám, được phục vụ nhà vua và các cung tần mỹ nữ trong cung, những người này phải trải qua nỗi đau đớn tột cùng về thể xác khi bị các ngự y cắt bỏ bộ phận sinh dục nam để trở thành thái giám. Có nhiều đứa trẻ bị cắt “của quý” từ khi mới lên 7 tuổi và đưa vào cung sống cho tới già. 

Những thái giám trẻ mới vào cung được các thái giám già, thâm niên dạy các nghi thức, nghi lễ khắt khe trong cung đình, từ việc đi đứng cho đến cách ăn mặc, bẩm thưa.

Khi sống, họ phục dịch vua và các cung tần mỹ nữ trong cung hoặc trong các lăng tẩm. Nhưng khi về già, thái giám không được ở trong cung mà phải về an nghỉ tuổi già ở “Cung Giám viện” ở phía Bắc Hoàng Thành. Các thái giám không được chôn cất ở trong cung – nơi chỉ giành cho hoàng thân quốc thích.

Để phân biệt với các quan khác trong triều đình, thái giám được cấp một loại trang phục riêng bằng lụa xanh, dệt hoa trước ngực, đội mũ cứng hoặc khăn đóng.

Tuy chức danh không được vinh dự như các hàng quan lại trong triều nhưng các thái giám vẫn mang lại hạnh phúc, sung túc và quyền lợi nhất định cho gia tộc, họ hàng.

Cụ thể, những thái giám thuộc 4 đẳng trật cao nhất là “Quảng vụ”, “Điển sự”, “Kiểm sự” và “Phụng nghi” có thể xin vua ban chức “Nhiêu phụ” cho cha để họ được miễn thuê suốt đời. Dưới các bậc này, thái giám không được xin miễn thuế cho cha mà chỉ xin được cho em hoặc cháu.

Công việc của thái giám

Nhà nghiên cứu Phan Thuận An vẫn còn giữ tấm bưu thiếp ông sưu tầm được có ảnh của 5 vị thái giám đứng, ngồi bên thềm Đại Nội Huế có bút tích của một người Pháp thời đó ghi ở mặt sau của tấm bưu thiếp mô tả các thái giám triều Nguyễn như sau: “Người ta gọi những thái giám là những người có danh vọng trong thành. Nói đúng hơn, họ là những người tai to mặt lớn. Đó là những người đặc biệt trong dân chúng An Nam. Cũng như các đồng hương của họ, những người thái giám đội khăn đóng chứ không che mặt như kiểu các tính đồ Công giáo ở bên Pháp của ta. Ngược lại, họ để lộ mặt mũi, hình dung rất rõ ràng. Huế 20.3.1908”.

Theo nhà nghiên cứu Phan Thuận An, những thái giám được vua tin cẩn có công việc là hầu hạ nhà vua trong việc liên quan đến gối chăn.

Hằng ngày, họ phải sắp xếp thứ tự, lên danh sách các phi tần và sắp xếp lịch, ngày giờ cụ thể để vua “ngự dâm”. Sau đó, vị thái giám này sẽ ghi chép vào sổ danh tính các phi tần được “ngự dâm” cùng giờ giấc, ngày tháng… để sau này nếu các phi tần có thai với vua thì sẽ xác nhận, tránh nhầm lẫn.

Một số thái giám khác thì chuyên phục dịch, hầu hạ các cung phi già, góa bụa của “tiên đế” trong các lăng tẩm. Số khác hầu hạ những cung tần, mỹ nữ của nhà vua.

Theo nhà nghiên cứu Huế Hồ Tấn Phan, vào giai đoạn đầu của triều đình nhà Nguyễn, mỗi triều vua thường có khoảng 200 thái giám.

Thời vua Khải Định, các thái giám đảm trách công việc nhiều hơn vì ông vua này có tiếng là “bất lực” nên vua giao trách nhiệm chăm sóc 12 bà vợ cho thái giám. Khi đêm xuống, vua Khải Định không “ngự dâm” cùng các cung tần, mỹ nữ mà lệnh cho các thái giám hầu chuyện vua những khi vua đi dạo.

Đến thời vua Thành Thái, số lượng quan thái giám giảm đi chỉ còn 15 người. Sau khi vua Duy Tân lên ngôi, ông chỉ nạp thiếp đúng 1 lần (Hoàng Qúy Phi Mai Thị Vàng) do đó các thái giám triều này không được trọng dụng.

Vị hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn cũng như của chế độ phong kiến Việt Nam là vua Bảo Đại, khi chính thức lên ngôi, ông quyết định không tuyển thái giám. Những vị thái giám của đời vua trước đó vẫn sống trông cung và lo việc quét dọn sân vườn, chơi cây cảnh. Thời này, chức quan thái giám chính thức biến mất trong lịch sử Việt Nam.

Và những nỗi niềm

Khi còn được phục vụ trong cung đình, các thái giám luôn bận rộn với công việc, được vua trọng dụng, ban phát bổng lộc nhưng khi về già hay đau ốm, bệnh tật, họ phải ra khỏi cung để an dưỡng và chờ chết.

Để bản thân không cô đơn, quạnh quẻ, nhiều thái giám đã nhận con nuôi. Một số khác lấy vợ. Vì không có khả năng sinh con nên họ thường chọn lấy những người phụ nữ già để bầu bạn, tâm sự trong những tháng ngày cuối đời.

Một vài thái giám may mắn hơn thì họ được quay về với bà con, họ hàng ở quê. Cũng có vài vị thái giám lo khi mình chết đi sẽ không có mảnh đất để an nghỉ, không có ai thắp nhang khói nên họ đã tính trước cho mình một nơi an nghỉ. Đó chính là chùa Từ Hiếu.

Những vết tích còn lại của thái giám triều Nguyễn cho đến nay ngoài những bức ảnh, những tâm bưu thiếp là những bức tường đổ nát của “Cung Giám viện” và những ngôi mộ lạnh lẽo phủ kính rong rêu trong ngôi chùa ở phía Tây thành phố Huế - Chùa Từ Hiếu – Đây là nghĩa trang thái giám duy nhất còn lại của Việt Nam.

Một số thái giám lường trước được sự lạnh lẽo, cô đơn của mình khi về già nên họ đã quyên tiền tu bổ, xây dựng lại chùa để có chỗ nương náu khi về già cũng như khi mất đi.

Vào năm 1893, đời vua Thành Thái thứ 5, chùa Từ Hiếu được hòa thượng Cương Kỷ cho trùng tu lại. Nhiều thái giám tiếp tục quyên góp tiền vào việc tu bổ chùa và gửi gắm nguyện vọng sau khi chết đi được chôn cất tại chùa, nương nhờ cửa phật. Họ được nhà chùa chấp nhận. Nghĩa trang của họ được xây dựng trên khuôn viên rộng, bằng phẳng, nằm phía bên phải của chùa Từ Hiếu.

Năm 1901, Cao Xuân Dục đã soạn tấm bia đá dựng ở cổng chính giữa chùa ghi lại nỗi niềm của thái giám triều nguyễn: “Trong khi sống, chúng tôi tìm thấy ở đây sự yên lặng, khi đau ốm chúng tôi đến lánh mình và sau khi chết được an táng cùng nhau. Số hay chết, ở đây chúng tôi đều được yên tĩnh”.

Khi nhắc đến cố đô Huế, người dân nơi đây và du khách thường nghĩ ngay đến các vị vua triều Nguyễn, các lăng tẩm, đền đài chứ ít ai nhớ và biết đến một tầng lớp trong triều có nhiều công lao trong việc cai quản, phục vụ triều đình, đất nước.

Mặc dù khu lăng mộ thái giám nằm trong khuôn viên chùa Từ Hiếu nhưng khi đến đây, khách thập phương chỉ thắp hương, cúng bái ở trên điện chính chứ không ai để ý đến những ngôi mộ này. Chúng tôi hỏi các sư thầy trong chùa mới tìm được khu lăng mộ thái giám, Những ngôi mộ cô quạnh, mang đậm màu rêu phong và đang dần bị tàn phá, hủy hoại bởi bàn tay quái ác của thời gian. Có vài ngôi mộ đã bị sụp, đổ vỡ. Thi thoảng các sư thầy trong chùa quét cỏ rác và thắp hương cho những ngôi mộ này.

Hằng năm, cứ đến ngày rằm tháng 11 âm lịch, chùa Từ Hiếu lại tổ chức ngày giỗ chung để tưởng nhớ những người đã khuất, trong đó có cả các vị thái giám triều Nguyễn.

Hình bóng các thái giám chỉ còn động lại trong mơ hồ ký ức của con cháu và dưới những nấm mồ lạnh lẽo.
 
Trần Thanh

Bạn đang đọc bài viết "Thái giám triều Nguyễn và những bí ẩn số phận" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.