Tới thành phố Tây Ninh khi trời đã về chiều, mưa bắt đầu nặng hạt, tôi chạy xe ngay vô cổng chính của Tòa Thánh Tây Ninh, núp mưa trong khán đài. Thời tiết âm u vì ảnh hưởng của áp thấp, đất trời Tây Ninh như “khó ở”, nhiều người dân không kịp về nhà cũng chạy vào khán đài để trú mưa.
Ông Điệp, nhà ở Chợ Bắp, thuộc phường Hiệp Ninh, chạy xe ôm ở khu Tòa Thánh đã mấy chục năm nay, thấy tôi khuân giỏ đồ từ xe chạy lên khán đài, liền lại tiếp một tay. Ông Điệp hỏi thăm tôi từ đâu tới, sao mang theo nhiều đồ, tới Tây Ninh lần đầu à, có bà con hay bạn bè không, cần mướn khách sạn, nhà nghỉ, ông chỉ giúp... Thấy tôi bất ngờ và lúng túng, ông nói: “Con đừng lo, chú chạy xe bao năm, xe ôm Tây Ninh hiền lắm, người ta có đạo và giữ đạo nên không có lừa đảo đâu à!”.
Mưa ngớt. Thành phố đã lên đèn, ông Điệp chạy trước, tôi kè theo sau đi dọc đường Cách Mạng Tháng Tám để tìm nhà. Tìm hoài không thấy, ông Điệp đưa tôi xuống khu vực gần bến xe khách Tây Ninh, thuộc phường 2, với lời giới thiệu ngắn gọn: Dưới này nhà hay phòng trọ đều rẻ, an ninh tốt, lại gần trung tâm. Tôi nghỉ tạm tại phòng trọ gần bến xe. Ông Điệp - người bạn Tây Ninh đầu tiên của tôi - trở về khuôn viên Tòa Thánh đợi khách...
Người dân Tây Ninh hầu như theo đạo Cao Đài từ nhỏ nên các tín đồ đều phát tâm ăn chay mỗi tháng 10 ngày, chính vì vậy món chay trở thành nét văn hóa ẩm thực đặc sắc nơi đây. Những ngày chay, món mặn gần như được được dẹp hết, chỉ trừ những người đi làm công sở, phải tiếp khách phương xa mới ăn mặn, còn lại đều muối dưa, chay lạt.
Quán chay từ sang trọng đến bình dân mọc lên khắp các con phố ở thành phố Tây Ninh và khu vực Hòa Thành, nơi thánh địa của đại đạo Cao Đài. Tôi là thực khách trẻ tuổi, nói giọng không phải của người Tây Ninh, được chào đón niềm nở tại các quán chay bình dân ở vùng “đất thánh”. Cô Tư, chủ quán bánh canh chay trên đường Điện Biên Phủ, khuyến mãi cho tôi thêm một tô hủ tiếu với lý do rất giản dị “ăn chay được là tốt rồi”. Cô Tư bán quán nhỏ này đã nhiều năm, thức khuya, dậy sớm tảo tần. Cô bảo, gia đình ăn trường chay nên chuyên bán đồ chay.
Khác với TPHCM và một số nơi, món chay ở thành phố Tây Ninh hoàn toàn thuần khiết với rau củ, quả - những nông sản mà người Tây Ninh sản xuất thường nhật tại các khu vườn. Người dân ở đây thường ít quan tâm tới các món chay có tên “mặn” như cá cơm kho tiêu, đùi gà nướng, sườn non ram chua ngọt, chả giò chiên, thịt ba rọi kho nấm… Hủ tiếu, bún riêu, bánh canh, bánh xèo, bánh khọt… đều được chế biến từ bột gạo, rau củ, hạt bắp non và tàu hũ. Nhiều người dân quan niệm rằng, món ăn là vật thực dùng để dưỡng thân, duy trì sự sống, giúp con người hướng thiện nên hầu như họ không tham cầu của ngon vật lạ.
Cũng chính bởi vậy, người Tây Ninh không quá chú tâm đến những quán ngon, nổi tiếng, mà chú trọng sự giản dị, bình dân. Cũng như tại xứ đạo Hòa Hảo của Đồng Tháp và An Giang, thánh địa Cao Đài rất nhiều người dân phát tâm trường chay với tâm niệm hướng thiện, an lạc và hòa hợp với môi trường thiên nhiên. Cơm canh là của ngọc thực, rất đáng trân quý, dù chỉ là những món bình dân như muối dưa, rau đậu. Ghé bất kỳ quán ăn nào, kêu dĩa cơm, tô bánh canh hay tô hủ tiếu, người Tây Ninh cũng xem như đang được “tiếp thực”. Mọi người ăn trong tiềm thức ủng hộ người bán, ủng hộ đạo pháp và ủng hộ chính mình trên con đường tu tập và hướng thiện.
Vị ngọt trái cây Ninh Thạnh
Ninh Thạnh là một phường nằm ở phía Đông của trung tâm thành phố Tây Ninh. Là nơi bán nông nghiệp và đô thị nên Ninh Thạnh ngoài những con phố náo nhiệt, ồn ào còn có những vườn trái cây nặng oằn, mát ngọt, đậm đà vị nắng như chính vùng đất nơi đây. Tháng 6, khi tiết trời bắt đầu oi nồng pha những cơn mưa ướt sũng cũng là lúc mùa chôm chôm ở Ninh Thạnh chín đỏ, ngọt thanh.
Anh Nguyễn Đăng Khoa, Chủ tịch Hội Nông dân phường Ninh Thạnh, đưa chúng tôi đi tham quan các nhà vườn với tâm trạng phấn khởi. Anh nói: “Tây Ninh đợt rồi nắng mưa thất thường, mưa nhiều quá nên vườn trái cây có đôi chút ảnh hưởng, tuy vậy sản lượng vẫn không giảm, nông dân vẫn có thể sống được nhờ vườn”. Anh Khoa vốn là Phó Công an xã Ninh Thạnh, từ khi xã Ninh Thạnh lên phường thì anh chuyển công tác sang lĩnh vực nông dân. Nhờ nắm địa bàn rất tốt nên anh Khoa hiểu rõ tình hình làm ăn của người dân địa phương. Chôm chôm, măng cụt và bưởi da xanh ở Ninh Thạnh đã đến mùa thu hái nên các nhà vườn tấp nập đóng gói, giao hàng. Hiện nay, giá chôm chôm thường tại vườn 5.000 - 7.000 đồng/kg, chôm chôm Thái giá đắt gấp đôi, còn măng cụt khoảng 35.000 - 42.000 đồng/kg. Với sự tảo tần, chịu khó, nhiều nông dân Ninh Thạnh đã làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, như: bà Nguyễn Thị Gôm, ông Võ Văn Út, Võ Văn Khá ở khu phố Ninh Lợi.
Như anh Võ Văn Khá còn khá trẻ nhưng kinh nghiệm làm vườn rất cừ, năm nào năng suất hoa trái vườn anh cũng vượt trội. Vườn của anh Khá có đủ loại chôm chôm, măng cụt, mãng cầu, bưởi… Mỗi năm anh thu lợi trên 200 triệu đồng, nếu nông sản được giá, nguồn lợi này sẽ cao hơn nữa. Chị Gôm thì kết hợp kinh doanh dịch vụ ăn uống với vườn trái cây. Khách đến ăn uống, nghỉ mát và thưởng thức chôm chôm ngay tại vườn.
Ninh Thạnh là cửa ngõ của đường lên núi Bà Đen nên các nhà vườn kết hợp với du lịch, tham quan sinh thái núi Bà là điều hết sức thú vị. Hy vọng trong tương lai gần, vị ngọt của trái cây Ninh Thạnh sẽ lưu dấu ấn sâu đậm và mạnh mẽ trong lòng du khách khi thăm viếng mảnh đất Tây Ninh này.