Quá trình làm nhà của người Sán Dìu được đánh dấu bằng quá trình chuẩn bị nguyên vật liệu. Nhà ở của người Sán Dìu tại thôn Đồng Cháy là nhà gỗ trát vách.
Để chuẩn bị đầy đủ nguyên vật liệu cho một ngôi nhà truyền thống của người Sán Dìu bao gồm: Các loại gỗ chắc để làm cột nhà như: gỗ trẩu, gỗ phách, gỗ lau xau...
Tre để làm đòn tay, kèo, xà... Đối với các loại tre này cũng phải được chặt từ trước đó và ngâm cùng với các loại gỗ ở trên. Lưu ý là tre chọn để làm nhà cần chọn những loại tre già, không được chọn những cây tre còn non. Nứa cũng cần phải đem đi ngâm. Nứa dùng để làm khung đắp tường.

Cắt cỏ gianh hoặc dùng lá mía để lập mái nhà. Cỏ gianh hoặc lá mía sẽ được mọi người đi cắt về, sau đó phơi khô và tích trữ lại cho đủ lá để lập nhà thì thôi. Rơm dùng để trộn với đất để trát tường phải là rơm đã mục để dễ dàng cho việc trát tường không bị mắc và trơ cọng rơm ra ngoài. Đây chính là yếu tố mà người Sán Dìu đã tiếp thu cách làm của người kinh.
Ngoài việc chuẩn bị các nguyên liệu cho quá trình làm nhà thì một việc quan trọng hàng đầu đối với người Sán Dìu đó là việc chuẩn bị về vấn đề lương thực, thực phẩm.
Người Sán Dìu tại thôn Đồng Cháy cũng quan niệm rằng “ làm ruộng thì ra, làm nhà thì tốn”, thêm vào đó là các điều kiện về kinh tế cũng không dư giả, vì vậy họ luôn đặt vấn đề này lên trên hết. Trước khi chuẩn bị làm nhà họ đã tích trữ lương thực, thực phẩm, từ lúa, ngô, khoai, sắn đến các loại thực phẩm tự chế biến được như măng khô, cá khô.... Đối với người Sán Dìu mà nói, bữa ăn là tất cả những gì mà gia chủ thể hiện lòng biết ơn đối với dân làng khi họ đã tới giúp sức cho quá trình làm nhà, bởi vậy nó rất quan trọng.
Quá trình dựng nhà
Loại nhà thường gặp ở thôn Đồng Cháy là nhà 3 gian, năm gian đến bảy gian, 2 chái, có kết cấu vì kèo và cột kê. Việc dựng nhà được thực hiện khi đã hoàn tất việc chuẩn bị các nguyên vật liệu và khi chọn được giờ tốt để dựng nhà. Gia chủ sẽ mời thầy cúng đến cúng và chọn giờ tốt cho mình. Dựng nhà sẽ do đàn ông hoàn toàn phụ trách, khung nhà sẽ dựng từ gian giữa, lấy gian giữa làm mốc và dựng căn sang hai bên. Sau khi dựng được khung nhà chính lên rồi bắt đầu thực hiện việc lắp ráp các xà ngang, xà dọc, đòn tay để hoàn thiện khung nhà. Khi đã có bộ khung nhà vững chắc bắt đầu tiến hành lập mái nhà. Cỏ gianh hay lá mía được phơi khô trước đó đã được bện thành phên trước. Sau khi đã lợp mái hoàn thiện là đến quá trình trát tường. Đất và rơm mùn phải được trộn thật đều và không để nhão cũng như bị khô quá. Một ngôi nhà truyền thống của người Sán Dìu được thực hiện trong khoảng từ 2 tới 3 ngày là hoàn thiện cơ bản. Vì là sử dụng nền đất nên chỉ cần san bằng nền nhà và đợi khô giáo là có thể ở ngay được.
Bố trí mặt bằng sinh hoạt trong nhà
Bố trí mặt bằng sinh hoạt trong nhà của người Sán Dìu tại thôn Đồng Cháy cũng tương tự như cách bố trí của người Việt. Bàn thờ tổ tiên được đặt ở gian chính giữa, bếp được đặt riêng tách khỏi nhà lớn vì có nhà bếp riêng. Trước bàn thờ tổ tiên là bàn dài và ghế băng. Đây chính là nơi tiếp khách của người Sán Dìu. Đây cũng chính là nơi diễn ra các hoạt động tín ngưỡng, tâm linh của mỗi gia đình người Sán Dìu.

Phía bên ngoài cạnh bàn thờ tổ tiên sẽ được đặt một chiếc giường. Chiếc giường này chỉ có những người đàn ông trong gia đình mới được sử dụng. Sau vách ngăn bằng vách nứa ở phía bên trong mới là chỗ giành cho phụ nữ trong nhà được sử dụng. Ở dưới bếp cũng sẽ được đặt một chiếc giường và chiếc giường này sẽ chỉ được giành cho con trai trong nhà vừa là để họ trông nom nhà cửa, một phần nữa là để họ không làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của cả gia đình vì họ hay đi chơi về muộn.
Đối với bàn thờ tổ tiên cũng có những kiêng kị nhất định. Nơi đây chỉ có người chủ trong gia đình mới có thể lại gần và làm những công việc tâm linh như cúng bái, thắp hương,..., Phụ nữ trong nhà không được thực hiện những việc này.
Làm nhà là một trong ba việc quan trọng trong đời của mỗi người. Bởi vậy khi làm nhà ai cũng rất thận trọng từng bước một nhất là trong vấn đề tâm linh, bởi người Sán Dìu cũng luôn quan niệm rằng an cư rồi mới có thể lạc nghiệp. Và để hoàn thiện được một ngôi nhà cần sự giúp đỡ rất nhiều từ thầy cúng. Tất cả các bước làm đều do thầy cúng quyết định.
Sau khi ngôi nhà đã được hoàn thành, gia chủ sẽ phải thực hiện một nghi lễ nữa đó là làm lễ trấn trạch nhà. Lễ này thường được kết hợp với ngày lễ mừng về nhà mới. Với nghi lễ này mang ý nghĩa như một lời cảm ơn. Đó là cảm ơn thần linh đã giúp đỡ cho gia chủ hoàn thành được ngôi nhà. Đây cũng là một dịp để báo hiếu với ông bà tổ tiên vì đã phù hộ độ trì cho con cháu ăn nên làm ra để có thể xây dựng được ngôi nhà mới như thế này. Và việc kết hợp lễ thức này với lễ mừng nhà mới nó còn mang một ý nghĩa nữa đó là: cám ơn sự giúp đỡ của hàng xóm láng giềng đã giúp đỡ gia chủ rất nhiều trong quá trình làm nhà. Đây cũng là một dịp để dân làng gắn bó gần gũi và thân thiết với nhau hơn.
(Theo Làng Việt)