Sơn nữ "bắt" chồng

21/12/2016 07:48

Theo dõi trên

Khi những hạt kania bắt đầu rụng trong rừng, mùa màng thu hoạch xong, cũng là lúc trai gái ở các buôn làng nam Tây Nguyên bắt đầu mùa cưới. Theo tục lệ, mùa cưới ở đây kéo dài từ tháng Giêng đến tháng ba âm lịch. Thời gian này, gia đình tụ họp để sơn nữ Cơ Ho, Chu-ru đến tuổi cập kê đề đạt chuyện "bắt" tấm chồng mà cô đã ưng bụng.



Vũ điệu Aria truyền thống của người Chu - ru.

Cũng giống như nhiều dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, người Chu-ru theo chế độ mẫu hệ. Già làng Ya Tuân là người duy nhất ở buôn Krăng Gọ, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng còn lưu giữ đầy đủ phong tục cưới xin của đồng bào Chu-ru. Trong ánh lửa bập bùng, già kể: Ngày xưa, chàng trai nhà nào được mắt, nhà gái sẽ âm thầm chuẩn bị lễ vật, chọn một đêm tối trời nào đó sẽ bất ngờ kéo sang. Thương lượng được thì bắt chồng, không được thì cả họ gái kéo về, đợi đến một ngày khác sẽ quay lại. "Phải đi ban đêm, vì nếu được nhà trai ưng thuận thì tốt, còn không thì đi về trong đêm để đỡ mắc cỡ" - Già Ya Tuân giải thích. Lễ vật trong đám hỏi của người Chu-ru thường có tiền, vàng, dây cườm, khăn... và không thể thiếu vật thiêng srí (nhẫn). Theo quan niệm của người Chu-ru, khi trai gái đã trao srí cho nhau, có nghĩa là trao "sự kết nối" trọn đời.

Thông thường, sau đám hỏi, cô dâu về nhà chú rể sống khoảng bảy, tám ngày để làm việc giúp gia đình chồng. Sau đó, nhà gái sẽ biện mâm lễ mang sang nhà trai để dắt con gái và xin con rể về. Lúc này, nếu nhà trai kinh tế khá giả sẽ cho con mình một số thứ để làm của hồi môn. Nhà gái có điều kiện thì tổ chức đám cưới, còn không thì chú rể về nhà vợ sống và đôi trẻ chính thức thành vợ chồng. Trong khoảng thời gian này, nhà gái và nhà trai thường tổ chức ăn mừng, đánh sar (đồng la), thổi rơkel (khèn) mừng hạnh phúc cho đôi trẻ. "Tục cưới xin ngày xưa đẹp lắm. Cái quý nằm ở tình cảm, lòng tin thôi mà" - Ya Tuân cho hay.

Buôn Đăng Gia dưới chân núi Langbiang bập bùng bếp lửa, nhịp chiêng đã thổn thức. Nhà già làng Krajan Plin đang rộng cửa đón khách thưởng chiêng, già nói: "Cũng giống như người Chu-ru, tục bắt chồng, thách cưới của người Cơ Ho Lạch ngày xưa rất ý nghĩa và nhân văn. Thách cưới là để đôi bạn trẻ và hai gia đình có trách nhiệm, không phải sự ngã giá. Thách cưới cao thì của hồi môn gửi lại cho con cũng phải tương xứng".

Ngày nay, đám cưới của đồng bào các dân tộc ở nam Tây Nguyên linh đình hơn, có đám kéo dài đến hai ngày, có trống, chiêng, rượu cần và cả nhạc sống hiện đại... Đời sống của bà con buôn làng khác xưa nhiều rồi.

(Theo nhandan.com.vn) 

Bảo Văn
Bạn đang đọc bài viết "Sơn nữ "bắt" chồng" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.