Ra mắt kỷ yếu Hội thảo khoa học: “Sự kiện Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh đi tìm đường cứu nước. Ý nghĩa lịch sử và giá trị thời đại”

18/12/2021 08:15

Theo dõi trên

Ngày 17/12, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, đã diễn ra buổi họp báo giới thiệu tới công chúng những kết quả nghiên cứu của các chuyên gia, các nhà khoa học cũng như ra mắt cuốn Kỷ yếu Hội thảo khoa học: “Sự kiện Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh đi tìm đường cứu nước. Ý nghĩa lịch sử và giá trị thời đại”.

Chủ trì buổi họp báo giới thiệu Kỷ yếu Hội thảo có các đồng chí: Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật Nguyễn Hoài Anh; TS Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh; Đại tá Nguyễn Văn Hiếu, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Giám đốc Sở Văn hóa và Thể Thao TPHCM Trần Thế Thuận.

17-12-2021-ra-mat-ky-yeu-hoi-thao-khoa-hoc-su-kien-nguyen-tat-thanh-ho-chi-minh-di-tim-duon-2f6fbe0-details-1639790089.jpg
Các đại biểu chủ trì giới thiệu Kỷ yếu hội thảo “Sự kiện Nguyễn Tất Thành-Hồ Chí Minh đi tìm đường cứu nước”

Phát biểu tại buổi họp báo, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể Thao TPHCM Trần Thế Thuận cho biết, để đánh dấu ý nghĩa đặc biệt của sự kiện kỷ niệm 110 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đi tìm đường cứu nước, Ban Tổ chức Hội thảo khoa học: “Sự kiện Nguyễn Tất Thành-Hồ Chí Minh đi tìm đường cứu nước. Ý nghĩa lịch sử và giá trị thời đại” thống nhất quyết định lựa chọn 110 bài trong tổng số các bài tham luận để xuất bản Kỷ yếu. Đây là các bài viết được lựa chọn trên cơ sở các vấn đề liên quan đến chủ đề Hội thảo được Ban Tổ chức đưa ra, không trùng lặp về nội dung cũng như tên gọi của các bài viết. 110 bài tham luận của cuốn Kỷ yếu cũng chính là món quà tri ân, thể hiện tấm lòng kính yêu, biết ơn vô hạn của các cơ quan đồng tổ chức cũng như các nhà nghiên cứu kính dâng lên Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa kiệt xuất.

Ban Tổ chức hy vọng cuốn Kỷ yếu sẽ góp phần giúp độc giả có thêm những hiểu biết toàn diện, sâu sắc trong quá trình nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thông qua đó, tiếp tục khẳng định ý nghĩa lịch sử và giá trị thời đại của sự kiện ngày 5/6/1911 và hành trình đi tìm đường cứu nước của Người; góp phần lan tỏa sâu rộng hơn nữa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đến các thế hệ người Việt Nam ở trong và ngoài nước cũng như bạn bè quốc tế.

Cuốn Kỷ yếu Hội thảo khoa học: “Sự kiện Nguyễn Tất Thành-Hồ Chí Minh đi tìm đường cứu nước. Ý nghĩa lịch sử và giá trị thời đại” với gần 1.000 trang đã tái hiện một cách chân thực và đầy đủ hành trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh cũng như ý nghĩa của sự kiện đó đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, bao gồm 4 phần nội dung:

Phần I: “Từ Thành phố này Người đã ra đi” tập trung vào các vấn đề: Bối cảnh lịch sử trong nước và thế giới thời điểm Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước; Những nguyên nhân Nguyễn Tất Thành lựa chọn Sài Gòn là điểm khởi đầu trên hành trình tìm đường cứu nước của mình; Dấu ấn của thương cảng Sài Gòn và vị trí cầu tàu nơi con tàu Amiral Latouche Tréville đưa Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước...

Phần II: “Hành trình tìm đường cứu nước” nêu các nội dung: Các công việc Nguyễn Tất Thành-Nguyễn Ái Quốc đã làm trong 30 năm tìm đường cứu nước (1911-1941); Việc học và sử dụng ngoại ngữ của Nguyễn Tất Thành-Nguyễn Ái Quốc; Nguyễn Tất Thành-Hồ Chí Minh với việc sử dụng báo chí là phương tiện đấu tranh cách mạng; Những tác phẩm lớn của Nguyễn Tất Thành-Nguyễn Ái Quốc trong 30 năm hoạt động ở nước ngoài (1911-1941); Nguyễn Tất Thành-Nguyễn Ái Quốc với các tổ chức chính trị trên thế giới trong hành trình tìm đường cứu nước (1911-1941).

Phần III: “Người đi tìm hình của nước” tập trung vào các nội dung chính sau: Những nhận thức của Nguyễn Tất Thành-Hồ Chí Minh về thế giới và kẻ thù của dân tộc (1911-1945); Thời kỳ khảo sát, nghiên cứu các học thuyết trên thế giới và đến với chủ nghĩa Lênin của Nguyễn Tất Thành-Nguyễn Ái Quốc (1911-1920); Thời kỳ hoạt động với tư cách là một chiến sĩ cộng sản và chuẩn bị các điều kiện cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (1920-1930); Thời kỳ Nguyễn Ái Quốc vượt qua những khó khăn, thử thách và sự kiên định về tư tưởng, quan điểm của Người về cách mạng giải phóng dân tộc (1931-1940); Thời kỳ Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam (1941-1969).

Phần IV có chủ đề “Hồ Chí Minh sống mãi” gồm các nội dung: Tư tưởng, tấm gương đạo đức cao đẹp cùng những cống hiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam và quốc tế là di sản quý báu của toàn Đảng, toàn dân ta, là niềm tự hào, nguồn cổ vũ lớn lao đối với các thế hệ người Việt Nam. Chính vì vậy, công tác giữ gìn, phát huy giá trị những di tích và địa điểm di tích, các công trình tưởng niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại TPHCM cũng như trong cả nước và trên thế giới có vai trò vô cùng quan trọng./.

Theo hcmcpv.org.vn
Bạn đang đọc bài viết "Ra mắt kỷ yếu Hội thảo khoa học: “Sự kiện Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh đi tìm đường cứu nước. Ý nghĩa lịch sử và giá trị thời đại”" tại chuyên mục Diễn đàn. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.