Quảng Nam: Đề xuất phương án di dời di tích Triền Tranh

10/08/2015 09:34

Theo dõi trên

Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam vừa phối hợp với Viện khảo cổ Việt Nam tổ chức báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ và góp ý phương án di dời, bảo tồn, phát huy giá trị di tích Triền Tranh.

 
Di tích Triền Tranh. Ảnh: internet

Tại buổi làm việc, các chuyên gia khoa học về khảo cổ và Chămpa đã đề xuất phương án di dời di tích Triền Tranh bằng phương pháp cắt nguyên khối hai đoạn di tích tường thành để di dời về Bảo tàng Quảng Nam và Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh Chămpa Duy Xuyên phục vụ công tác nghiên cứu và trưng bày. Đồng thời di dời toàn bộ di tích, di vật ở khu vực 3.800m2 khai quật về bảo quản tại Bảo tàng Quảng Nam để giải phóng mặt bằng thi công đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Di tích Triền Tranh nằm trong cụm di tích Chămpa ở thung lũng Chiêm Sơn Tây có mối quan hệ mật thiết với nhóm các di tích Chămpa khác như Mỹ Sơn, kinh đô Simhapura (Trà Kiệu), cửa Đại Chiêm. Qua nghiên cứu về loại hình và vật liệu kiến trúc, các chuyên gia đã nhận định niên đại khởi đầu của di tích nằm trong khoảng từ cuối thế kỷ IX và kết thúc cuối thế kỷ XII đầu thế kỷ XIII. Khu di tích này có thể là dấu tích một khu tập giảng kinh sách được sử dụng lâu dài.

Quá trình phát lộ và khai quật phế tích Triền Tranh được các chuyên gia khảo cổ đánh giá là rất khả quan bởi một hệ thống nền móng của một quần thể di tích Chăm đã lộ rõ, trong đó có một vệt móng dài khoảng 70 m được cho là bờ tường bao quanh quần thể này. Đặc biệt, trong quá trình khai quật khu phế tích các nhà khảo cổ phát hiện rất nhiều ngói Chăm. Đây được cho là dấu hiệu lạ đối với các công trình kiến trúc Chăm. Bởi từ trước đến nay, theo ghi nhận các công trình kiến trúc liên quan đến tâm linh, thờ tự của người Chăm đều được làm bằng gạch, chưa bao giờ thấy ngói.

Theo Cinet.vn

Bạn đang đọc bài viết "Quảng Nam: Đề xuất phương án di dời di tích Triền Tranh " tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.