Qua xứ ngàn cau

07/09/2015 08:20

Theo dõi trên

Vùng núi Sơn Tây (Quảng Ngãi) từ lâu được mệnh danh là xứ ngàn cau với những đồi cau ngút ngàn xanh thẳm. Nơi đây lắm núi, nhiều khe, khung cảnh thiên nhiên huyền ảo khiến cho cõi lòng lữ khách chợt bâng khuâng.

Sáng đầu thu, nắng dịu nhẹ, tôi cùng một người bạn rong ruổi xe máy từ TP.Quảng Ngãi hướng về phía Tây để về xứ ngàn cau thơ mộng. Núi đồi điệp trùng chợt hiện ra dưới trời thu xanh thẳm. Những cung đường uốn lượn, thấp thoáng bóng nhà sàn của đồng bào dân tộc thiểu số sau những vòm cây, sườn núi. Những sơn nữ vai đeo gùi bỗng hiện ra, thong thả bước khoe dáng đẹp miên man. Phố núi Di Lăng (Huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi) hiện hữu trước mặt chúng tôi như nét chấm phá giữa khung cảnh núi rừng. Những cung đường uốn lượn, đèo dốc trập trùng, mây trắng vờn bay trên đỉnh núi như dải voan mềm mại khoác hờ trên bờ vai sơn nữ.

Vừa đến đỉnh đèo gió lộng, anh bạn đồng hành vỗ vai ra hiệu dừng xe để ghi hình tấm biển phân mốc địa giới, báo hiệu vào địa phận xứ ngàn cau. Yên bình và thơ mộng là cảm nhận đầu tiên của tôi khi đặt chân đến vùng đất này. Nước từ những khe, suối róc rách chảy qua vách đá tựa tiếng đàn Krâu hòa cùng điệu dân ca Ranghé, Kalêu ngân vọng nơi xa xa. Những bộ trang phục thổ cẩm được dệt từ đôi tay khéo léo của những người phụ nữ Ca dong, Hrê và Cor như điểm thêm sắc màu vào màu xanh của núi rừng. Sơn Tây với những thửa ruộng bậc thang nối nhau trùng điệp khiến cho lữ khách mơ màng. Những căn nhà sàn bên sườn núi đẹp tựa bức tranh thủy mặc làm cho du khác chìm vào cõi mê đắm.




Những bản làng ẩn hiện, những thửa ruộng bậc thang tiếp nối tạo nên khung cảnh nên thơ.


Vượt qua những dốc núi và cung đường uốn lượn dưới nắng thu vàng, hồ chứa nước thủy điện Đăk Drinh như tấm gương khổng lồ phẳng lặng soi bóng núi đồi hùng vĩ.

Đêm yên lặng giữa núi rừng. Tôi và những người bạn vùng cao nhâm nhi rượu nếp cẩm cùng với món cá chình suối nấu chuối rừng tại nhà anh Việt Hòa, công tác tại Đài truyền thanh huyện bên con suối nước Lác. Chao ơi, từng giọt rượu mang hương vị của rừng từ loại nếp có màu tím sẫm được trồng bên dốc núi cheo leo, thấm dần vào mao mạch trên cơ thể. Thịt cá chình ngọt thơm hòa cùng vị chát của chuối lưu mãi nơi đầu lưỡi. Gió núi hun hút như tiếng thì thầm của rừng đêm vọng về.



Cau được trồng khắp núi đồi nơi đây.

Đến Sơn Tây được ngắm những đồi cau với thân gầy vươn thẳng lên trời xanh. Dưới tán cau đang xào xạc với gió núi, tôi được diện kiến già Đinh Văn Nhú, người từng được mệnh danh là một trong những “vua cau” khi sở hữu gần 8ha loại cây trồng “hái ra vàng” ở nơi đây. Ở tuổi 78, già vẫn khá nhanh nhẹn, cơ thể rắn chắc như thân cau già trải qua bao giông bão. Già hào hứng nói về loại cây gắn bó bao đời với cư dân miền sơn cước. Thân cau già rắn chắc dùng làm cột nhà, làm kho chứa lúa. Lá cau lợp mái nhà che mưa nắng qua những ngày ấm lạnh. Mo cau dùng làm ly uống nước, làm chén ăn cơm và mang cơm nắm trong những ngày trèo đèo, lội suối. Quả cau được bán, trao đổi những vật dụng thiết yếu trong cuộc sống. Cau với trầu dâng cúng tổ tiên và mời nhau “cho môi đỏ, thắm nghĩa đậm tình”. Dáng cau vươn thẳng, hương hoa cau thơm ngát là đề tài cho nghệ sỹ sáng tác thi ca lay động con tim của bao người…


Già Đinh Văn Đuối (bên trái) trò chuyện với chúng tôi về cây cau trên vùng đất Sơn Tây.

Già Đinh Văn Đuối – Nguyên Phó Chủ tịch UBMTTQVN huyện Sơn Tây cũng bày tỏ tiếc nuối khi nhớ về những tháng ngày “cau vàng son”. Khi ấy, nhiều người khá giả nhờ cau, mua máy thu thanh, vài lượng vàng cũng từ cau. Rồi cả những giọt nước mắt rơi xuống khi cau bị chết trắng đồi vì chất độc hóa học của quân Mỹ rải xuống khắp các cánh rừng. Và rồi, cau vẫn vươn lên, mang lại màu xanh cho núi rừng.

Anh Đinh Công Lập - Phó Phòng NN - PTNT huyện rỉ rả chuyện trò: “Huyện xác định cau là loại cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế ở địa phương, hiện có khoảng 7.000ha. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị chức năng mở nhiều lớp tập huấn hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng và chăm sóc cau, khuyến khích người dân trồng cau, phấn đấu đến năm 2020 đạt 15.000ha”.

Tôi ngắm nhìn mãi dáng cau vươn thẳng lên trời xanh khi rời xứ sở ngàn cau. Nụ cười của sơn nữ cứ e ấp sau vách nhà sàn. Những cái nắm tay thật chặt của người già như muốn nhắn nhủ với miền xuôi rằng, dẫu cách trở nhưng lòng không xa cách. Cõi lòng chợt bâng khuâng, dù chỉ mới một lần đến xứ ngàn cau.

Theo Đức Cường (Dân Việt)

Bạn đang đọc bài viết "Qua xứ ngàn cau" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.