Qua cầu Láng Chim, nhớ huyền thoại "Tàu Phương Đông"

27/08/2018 14:11

Theo dõi trên

Tôi nhớ đã đọc đâu đó trên facebook mấy câu ca dao hóm hỉnh thế này:

Chú ơi, cầu này cầu gì

Chú cho cháu hỏi, cầu xây hồi nào

Chiều dài chiếc cầu là bao…

Nối liền hai xã, xã nào chú ha…?

Người được hỏi cũng pha trò:

Hỏi sao nhiều quá vậy ta

Cầu này đích thị, tên là Láng Chim.
 
 
Cầu Láng Chim.

Vừa rồi, tôi lại có dịp cùng đồng nghiệp ở Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long đến xã Trường Long Hòa và lại qua cầu Láng Chim. Cầu Láng Chim bắc qua sông Láng Chim trên Đường tỉnh 913 được tỉnh Trà Vinh khánh thành và đưa vào sử dụng năm 2013.

Qua cầu Láng Chim, tôi chợt nhớ đến huyền thoại “Tàu Phương Đông” gắn liền với chiến công đánh sập cầu Láng Chim trong kháng chiến chống Mỹ cách đây 57 năm mà tôi có dịp xem trong “Một góc chiến trường… ngày ấy tôi qua” do Nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ TP Hồ Chí Minh phát hành năn 2015.

Hồi đó, vào tháng 10/1961…

Bắc qua sông Láng Chim lúc bấy giờ là chiếc cầu sắt lót ván, xe nhà binh qua được. Chính quyền Sài Gòn tại Tiểu khu Trà Vinh sử dụng chiếc cầu này đưa quân đội sang Ba Động làm bàn đạp đánh phá vùng căn cứ cách mạng khắp các khu rừng huyện Duyên Hải.

Chúng gây vô số tội ác đối với nhân dân huyện Duyên Hải trong chiến dịch Đống Đa. Đứng trước tình thế này, ông Mai Hữu Phước (Năm Phương)- Bí thư Huyện ủy Duyên Hải- giao nhiệm vụ cho Huyện ủy viên Trương Văn Ngà (Hai Lá) phải đánh sập cầu Láng Chim, ngăn chặn cuộc hành quân Đống Đa đầy tội ác của chúng, bảo vệ vùng căn cứ kháng chiến.

Nghị quyết của Bí thư Huyện ủy cũng là mệnh lệnh thời chiến. Hai Lá nhận nhiệm vụ đánh sập cầu Láng Chim trong điều kiện trong tay không có đến 1g thuốc nổ. Cái khó không bó được cái khôn. Hai Lá đến gặp đồng chí Bảy Tri- Bí thư Chi bộ Đảng xã Trường Long Hòa- bàn mưu tính kế.

Trước đó có 12 chiếc xà lan của công binh ngụy Sài Gòn chở đá đến xây dựng sân máy bay Long Toàn, bị dân quân du kích xã Trường Long Hòa đánh chìm tại vàm Láng Nước. Hai Lá huy động hàng trăm thanh niên miền biển xã Trường Long Hòa đến lặn xuống đáy sông 5- 6 ngày, cào đá ra làm cho 3 chiếc xà lan nổi lên, mỗi chiếc có chiều ngang 7m, dài 33m.

Hàng chục chiếc ghe lưới có mã lực lớn của ngư dân Trường Long Hòa, Hiệp Thạnh được Bảy Tri huy động đến kéo 3 chiếc xà lan ra biển, đi vòng qua Nhà Mát, xuống Khoán Tiều, Cồn Trứng rồi đưa 2 chiếc vô vàm Khâu Lầu, qua Cồn Tàu. Đến sông Rạch Hầm, 2 chiếc xà lan được neo lại đó… Tất cả việc làm này đều diễn ra trong một đêm để tránh tai mắt địch phát hiện.

Sau khi được neo đậu tại sông Rạch Hầm thuộc phần đất ấp Cồn Ông, Hai Lá và Bảy Tri huy động dân công trong xã Trường Long Hòa dùng dây cáp kết dính chặt 2 chiếc xà lan lại.

Sau đó, lực lượng dân công tập trung đốn thật nhiều cây rừng cột dưới lườn, chất trên mặt 2 chiếc xà lan làm cho sức nặng 2 chiếc xà lan được tăng lên gấp nhiều lần. Một anh dân công khi đi mua thức ăn cho mọi người tìm đâu được hộp nước sơn đem về và anh lí lắc vẽ vào mũi chiếc xà lan dòng chữ “Phương Đông” đỏ chói.

Sỡ dĩ anh dân công này vẽ chữ “Phương Đông” là vì vào thời điểm đó, ở Liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết vừa phóng thành công tàu vũ trụ mang tên Phương Đông.

Ở Trà Vinh lúc này có bài hát ca ngợi theo điệu Kim tiền Huế: “Ở Liên Xô có con tàu Phương Đông. Một chiến công vang dội lẫy lừng. Cả thế giới ai cũng đều hoan nghênh khoa học của Liên Xô. Đây con tàu, bay vũ trụ, rất khổng lồ v.v…”

Mọi việc được chuẩn bị chu đáo. Chờ đến lúc nửa đêm, nước ròng chảy siết, Hai Lá ra lệnh chặt dây neo tàu Phương Đông. 2 chiếc xà lan khẳm lừ theo con nước ròng trôi băng băng ra biển. Trên đường trôi, nó không ngần ngại va vào cuốn phăng chiếc cầu Láng Chim và tên lính gác cầu còn chưa kịp nổ súng báo động.

Cầu Láng Chim sập. Giao thông đường bộ Trà Vinh- Ba Động trên Đường tỉnh 35 thời đó bị gián đoạn. Cuộc hành quân mang tên Đống Đa của chính quyền Sài Gòn đánh phá vùng căn cứ cách mạng ở huyện Duyên Hải bị cô lập phải rút quân.

Chưa dừng lại ở đó, chiếc xà lan thứ 3 được ông Hai Lá chỉ huy cho tàu kéo theo đường biển vào vàm Rạch Cỏ, qua Tắc Mương Khai, vô Kinh Đào rồi qua sông Láng Sắc dừng lại chỗ giáp nước. Ở đó, lực lượng dân công xã Long Vĩnh được huyện huy động đốn thật nhiều cây rừng cột chặt vào chiếc xà lan.

Không có nước sơn để vẽ, nhưng sau tàu Phương Đông đánh sập cầu Láng Chim, lực lượng dân công đặt tên bè này là tàu “Phương Đông 2”. Lợi dụng dòng chảy của thủy triều khi ròng xuống, tàu Phương Đông 2 được chặt neo trôi theo nước ròng ra biển.

Trên đường trôi ra biển, tàu Phương Đông 2 cuốn sập cầu Long Toàn vào ngày 11/11/1962, cắt đứt giao thông đường bộ Chi khu Long Toàn với Khu trù mật Long Vĩnh.

Đầu năm 1963, Huyện ủy Duyên Hải phân công Hai Lá chỉ huy đóng thêm chiếc bè thứ 3. Chiếc bè này không phải bằng xà lan lấy được của địch mà đóng bằng cây, chủ yếu là cây dừa.

Gia đình ông Nguyễn Văn Lẫm- một hộ dân ở ấp Phước An (xã Long Toàn)- được chính quyền kháng chiến vận động đã hiến toàn bộ vườn dừa gần trăm cây đang cho trái, mỗi cây cao trên 10m cho việc đóng bè.

Hàng trăm lực lượng dân công xã Long Toàn được huyện huy động đến ấp Phước An đốn và vận chuyển hàng tháng trời đưa gần trăm cây dừa từ vườn nhà ông Nguyễn Văn Lẫm ra sông Hàm Trâu. Tất cả các cây dừa được lực lượng dân công kết lại thành chiếc bè rất lớn nổi trên sông.

Cây rừng được dân công đốn chất lên bè thật nhiều cho chiếc bè thật nặng. Lần này cũng không có nước sơn để vẽ, song lực lượng dân công đặt tên chiếc bè thứ ba là tàu “Phương Đông 3”.

Chờ đến thời điểm nước rong, triều cường dâng cao và nước ròng chảy siết vào ban đêm, tàu Phương Đông 3 được chặt dây neo, theo nước ròng trôi băng băng ra biển. Trên đường trôi, tàu Phương Đông 3 cuốn phăng cầu Bến Giá và tên lính gác cầu cũng chưa kịp nổ súng báo động. Cầu Bến Giá bị đánh sập, cắt đứt giao thông đường bộ trên Đường tỉnh 35, cô lập Chi khu quân sự Long Toàn.

Địa điểm cầu Láng Chim hiện nay là cầu Láng Chim trên Đường tỉnh 913; địa điểm cầu Long Toàn hiện nay là cầu Long Toàn trên QL53 (đoạn thuộc Phường 1- TX Duyên Hải) và địa điểm cầu Bến Giá ngày nay là đập Bến Giá trên QL53 đoạn thuộc Phường 2- TX Duyên Hải, nối liền tỉnh lỵ Trà Vinh với Khu du lịch biển Ba Động và Trung tâm Điện lực Duyên Hải TX Duyên Hải).

Câu chuyện trên đây ngoài ý nghĩa tự hào về truyền thống tự lực kháng chiến của nhân dân huyện Duyên Hải, nó còn là thông tin bổ ích cho các hướng dẫn viên du lịch khi đến với Khu du lịch biển Ba Động nên thơ của Trà Vinh.
 
Trần Điền
Theo Báo Vĩnh Long

Bạn đang đọc bài viết "Qua cầu Láng Chim, nhớ huyền thoại "Tàu Phương Đông"" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.