Phát huy công tác bảo tồn văn hóa phi vật thể dân tộc Cống trên địa bàn tỉnh Điện Biên

08/07/2016 15:16

Theo dõi trên

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) vừa có công văn số 122/BC-BVHTTDL ngày 05/7/2016 gửi Sở VHTTDL tỉnh Điện Biên về việc tổ chức lớp truyền dạy văn hóa phi vật thể cho dân tộc Cống tại tỉnh Điện Biên, năm 2016.

Theo báo cáo, sau 03 ngày (28/6-30/6/2016) tổ chức truyền dạy văn hóa phi vật thể dân tộc Cống trên địa bàn xã Nậm kè, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, các học viên đã được truyền dạy: Các bài hát dân ca dân tộc Cống: Hát đối giao duyên; Hát ru con; Hát đi hái măng rừng; Tiếng hát mồ côi; Vượt nghèo, vượt khổ; Hát mừng lên nhà mới; Hát trong đám cưới; hát trong lễ cúng tổ tiên; Hát trong Tết hoa. Các điệu múa dân gian dân tộc Cống (Lễ cúng tổ tiên đối với người cao tuổi; Múa khăn trong Tết hoa, Lễ Cúng tổ tiên đối với lớp trẻ; Múa khỉ); Các nhạc cụ truyền thống dân tộc Cống (Trống; Chiêng; Chũm chọe).
 



Bà con dân tộc Cống (Điện Biên) biểu diễn múa hát. Ảnh: baotintuc

Qua thời gian truyền dạy các nghệ đã giúp cho các học viên nắm rõ vai trò, ý nghĩa của các làn điệu dân ca, dân vũ và dân nhạc truyền thống của đồng bào dân tộc Cống; nắm chắc các kỹ thuật hát, cộng âm và nội dung thang bậc của các bài hát trong các nghi lễ tín ngưỡng, phong tục tập quán truyền thống của dân tộc Cống trên địa bàn; hiểu sâu sắc về tính đa dạng của các làn điệu dân ca để thể hiện các bài hát mới hiện đại sáng tác theo giai điệu dân ca Cống; hướng dẫn cho các học viên biết cách tổ chức và khớp nối với các điệu múa, làn điệu dân ca mới và dựng một số điệu múa đơn giản; biết sử dụng các loại nhạc cụ truyền thống dân tộc Cống. Qua lớp truyền dạy cũng giúp cho các học viên nhận thức rõ hơn về đường lối chính sách của Đảng, pháp luật cuả Nhà nước trong việc phát huy, bảo tồn di sản văn hóa các dân tộc Việt Nam nói chung và dân tộc Cống nói riêng.

Để bảo tồn và phát huy văn hóa phi vật thể của dân Cống nói riêng và các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Điện Biên nói chung, Bộ VHTTDL đề xuất Sở VHTTDL tỉnh Điện Biên Tham mưu với UBND tỉnh bố trí nguồn ngân sách thường xuyên để hỗ trợ toàn diện đối với các nghệ nhân, bà con dân tộc Cống sinh sống trên địa bàn. Tiếp tục tham mưu với lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh mở các lớp truyền dạy văn hóa phi vật thể và các loại nhạc cụ, văn nghệ nhân gian của các dân tộc nói chung là rất cần thiết và cấp bách. Hàng năm tổ chức kiểm kê qua các cuộc thi, các lớp truyền dạy.

Bên cạnh đó, cần có các chính sách, chế độ đãi ngộ đối với các nghệ nhân dân gian các dân tộc thiểu số: tôn vinh, phong tặng danh hiệu, hỗ trợ kinh phí khuyến khích các nghệ nhân tự truyền dạy phổ biến tại cộng đồng.

Bộ VHTTDL cũng đề nghị UBND tỉnh Điện Biên tiếp tục phát huy những kết quả đạt được. Bên cạnh đó, cần tăng cường đẩy mạnh việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, làm tốt hơn nữa việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Cống nói riêng, đồng bào các dân tộc sinh sống trên địa bàn nói chung, góp phần tích cực vào việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

(Theo Cinet.vn)

LAN PHẠM
Bạn đang đọc bài viết "Phát huy công tác bảo tồn văn hóa phi vật thể dân tộc Cống trên địa bàn tỉnh Điện Biên" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.