Ông “Vua chống cháy” Nguyễn Văn Thanh với những sáng chế kỳ diệu - Kỳ 2: Đột phá trong lĩnh vực sơn nước

26/02/2015 22:29

Theo dõi trên

Mất một năm trời nghiên cứu ông mới tìm ra loại sơn nước có thể sơn trên mọi chất liệu mà những loại sơn khác “chào thua” như inox, khắc phục được nhược điểm gây ố vàng theo thời gian khi sơn trên gỗ tràm. Với ưu thế vượt trội đó, sản phẩm sơn của ông đã qua mặt những nhà sản xuất sơn hàng đầu thế giới để cung cấp sơn cho Tập đoàn Scancom.



Ông Thanh bên xưởng của mình dùng để nghiên cứu

Hiện nay những loại sơn như sơn PU, sơn NC… chỉ mới dừng ở mức độ làm đẹp và rất dễ bị lão hóa trong môi trường gây bong, tróc sau một thời gian sử dụng. Những loại sơn này khi dùng phải pha với xăng thơm, trong thành phần hóa học của xăng thơm có benzene có thể gây ung thư. Với loại sơn nước thông dụng hiện nay, những nhược điểm của các loại sơn trên đã được khắc phục.

Sơn nước không gây ô nhiễm môi trường, chịu được tia tử ngoại tốt, không gây hại cho sức khỏe con người. Tuy nhiên, loại sơn nước thông dụng hiện nay vẫn còn những nhược điểm, như: Mềm chỉ dung để sơn tường là chính, chậm khô nên khó chà nhám, không trong suốt. Khi sơn lên gỗ rừng trồng như bạch đàn, tràm, thông thì sau một thời gian bị ố vàng. 

Duyên nợ với sơn nước

Việc ông Thanh bước vào nghiên cứu sơn nước bắt nguồn từ anh Hoàng một người bạn làm trong Tập đoàn Scancom chuyên sản xuất đồ gỗ gia dụng và văn phòng… cung cấp cho thế giới. Lúc đó loại sơn của Đan Mạch mà tập đoàn này mua để sơn lên gỗ sau một thời gian thường bị ố vàng. Biết ông Thanh đam mê nghiên cứu, anh Hoàng nhờ ông nghiên cứu để tìm ra loại sơn nào chống ố vàng cho gỗ. Sau khi lên gặp anh Hoàng, ông Thanh nhận lời dù lúc đó ông chưa biết gì về sơn nước cả. Ông chỉ biết một trong những nguyên liệu làm ra sơn nước là acriflic, đó là cái gốc của sơn nước.

Thế rồi ông lao vào nghiên cứu sơn nước. Đó là năm 2006, một năm sau, ông tìm ra loại sơn nước như mong muốn và đưa vào áp dụng thử tại Tập đoàn Scancom. Khi sơn lên, loại sơn của ông đã cho kết quả khả quan, nhưng tập đoàn này vẫn chưa dám mua. Họ yêu cầu ông đưa mẫu sơn của ông đi kiểm định chất lượng. 


Ngày 8/6/2008, Tập đoàn Scancom mang mẫu sơn tới Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 ở thành phố Biên Hòa - Đồng Nai. Kết quả kiểm nghiệm mẫu sơn của ông so sánh cùng mẫu sơn của Đan Mạch, đã cho thấy sản phẩm sơn của ông có chất lượng tốt. 

Cung cấp sơn cho Tập đoàn Scancom

Sau đó, Tập đoàn Scancom đã đặt hàng ông với số lượng lớn. Năm 2008, họ đặt ông hai lô hàng đầu tiên, lô thứ nhất vào ngày 22/8, tổng giá trị là 417 triệu đồng. Lô thứ hai đặt hàng vào tháng 9 năm đó với tổng giá trị là 391 triệu đồng. Lô hàng đầu tiên khoảng 700 - 800kg và để làm ra nó ông phải dùng hai chiếc máy khoan để trộn nguyên liệu sơn. Sang năm 2009 họ đặt ông 8 đơn hàng, tổng giá trị là 131.755 USD. 

Cung cấp được mấy lô hàng đầu tiên cho họ thì ông phải ngưng lại không thể cung cấp tiếp. Vì thiếu vốn (trong khi đó quy định của tập đoàn này là khi hàng nhập vào kho của tập đoàn xong một tháng sau mới thanh toán tiền; đồng thời nguồn vật tư nhập về không kịp, ông phải thay thế nguồn vật tư khác nên bị sự cố mấy lô hàng gây nên sự thiếu tin tưởng cho khách hàng), ông không thể cung cấp hàng tiếp cho tập đoàn này nữa. Tuy nhiên, với việc một người Việt Nam tự nghiên cứu khoa học như ông tạo ra loại sơn vượt qua nhiều nhà sản xuất sơn hàng đầu thế giới đã đánh dấu một cột mốc quan trọng trong ngành sản xuất sơn. Nó chứng tỏ rằng người Việt Nam không hề thua kém người nước ngoài. 

Hoàn thiện sơn nước 

Sơn nước của ông sáng chế màu sắc đẹp, bóng trơn mịn và bám chắc. Tuy nhiên, loại sơn nước của ông mới giải quyết được vấn đề ố vàng khi sơn lên gỗ bạch đàn. Còn khi sơn lên gỗ tràm để một thời gian vẫn còn bị ố vàng. Đó là năm 2009, khi ông cung cấp hàng cho công ty Duy Huỳnh chuyên đặc hàng đồ gỗ ở thành phố Quy Nhơn. 

Vào thời điểm đó, trên thế giới vẫn chưa có loại sơn nào giải quyết được vấn đề sơn ố vàng trên gỗ tràm. Thế là ông dành thời gian tập trung nghiên cứu về ngành sơn, nghiên cứu cách khắc phục ố vàng khi sơn trên gỗ tràm.

Hàng tháng trời, ông ở khách sạn và đi xe hơi của mình đến xưởng của công ty Phú Nhơn để nghiên cứu tìm cách chống ố vàng cho gỗ tràm khi sơn. Việc nghiên cứu tốn kém vô cùng. Ông phải bán chiếc xe hơi của mình để có tiền nghiên cứu tiếp. Tháng 7/2011, ông vào Huế, tính hợp tác với một công ty nhưng việc hợp tác thất bại. Ông trở vô Sài Gòn tính cách làm ăn và tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện loại sơn của mình. Qua một thời gian nghiên cứu, ông đã tìm ra lời giải cho nó. 

Sơn của ông tạo ra không bị ố vàng, nhanh khô, chỉ 15 phút sau khi sơn là có thể chà nhám được, sơn trong suốt không bị đục, ăn lên mọi chất liệu và ngấm sâu. “Sơn nước thông thường chỉ tạo màng còn sơn nước của tôi dùng một dạng công nghệ như công nghệ nano giúp chia nhỏ các phân tử ra để sơn ngấm sâu vào gỗ và các chất liệu khác. Bề mặt sơn trước kia bị mềm nay đã cứng lại như sơn dầu. Loại sơn này có thễ bám vào mọi chất liệu, kể cả inox là thứ mà không loại sơn nào sơn được Sơn nước của tôi có thể thay thế cho các loại sơn đang gây ô nhiễm môi trường hiện nay”, ông Thanh nói.

Ngoài ra, theo ông Thanh, sơn nước của ông có thể chịu được tia tử ngoại, độ bám chắc cao theo thời gian, không gây ô nhiễm môi trường. Loại sơn này có thể dùng trong những lĩnh vực như: sơn tường, sơn lót trong xe hơi để tránh sơn bằng phương pháp sơn tĩnh điện. Nó cũng có thể thay thế cho nhiều loại sơn khác.

Ngày 20/10/2012, ông sơn thử mẫu sơn của mình lên hai loại gỗ tràm và gỗ thông. Ông ghi lại ngày tháng trên hai miếng gỗ đó để tiện theo dõi. Khi tôi đến gặp ông để viết bài, ông đưa hai miếng gỗ đó cho tôi kiểm chứng. Bằng mắt thường tôi có thể thấy hai miếng gỗ đó vẫn không bị ố vàng, bề mặt sơn vẫn bóng đẹp, cứng gần như sơn PU. 

Tuy nhiên, để tìm ra và hoàn thiện loại sơn này không hề đơn giản. Riêng về chi phí cho việc nghiên cứu và sinh sống (vì ông chỉ lo nghiên cứu nên không thể làm ra tiền để sinh sống) đã tốn của riêng ông 700 triệu đồng. 

Mang lại nhiều lợi ích

Hiện nay, rất nhiều ngành đang rất cần loại sơn nước này như: đóng tàu thủy, bưu chính viễn thông, cầu đường, điện lực, đường sắt, đồ gỗ… Với loại sơn này, nếu được sản xuất và cung ứng cho thị trường thì sẽ mang lại lợi nhuận rất lớn. “Riêng về đồ gỗ ở Việt Nam cần 300 tấn sơn/ tháng. Ấn Độ thì gấp chúng ta 10 lần như thế còn Trung Quốc thì gấp chúng ta 20 lần. Nghĩa là nhu cầu về sơn rất lớn, đặc biệt là với loại sơn nước thân thiện với môi trường. Nếu nó được sản xuất và bán ra, xuất khẩu thì sẽ mang lại thu nhập lớn thế nào”, ông Thanh nói.

Việc ông Thanh một mình tìm ra loại sơn nước với những tính năng vượt trội gây sửng sốt cho giới sản xuất sơn trong và ngoài nước. Bởi lẽ nghiên cứu sơn nước cần có một công nghệ tiên tiến, trong khi ở Việt Nam, công nghệ này hầu như không đáng kể. Ngay cả bản thân ông cũng không phải là một chuyên gia về sơn. Do vậy, sơn nước có nhiều ưu điểm như thế ra đời do một người Việt Nam như ông sáng chế quả là kỳ diệu. “Khi nghe tin tôi tạo ra được loại sơn nước này, nhiều người nước ngoài không tin. Vì họ cho rằng người Việt Nam không thể nào làm được ”. 

Tuy nhiên, ông Thanh vẫn ưu tư về tương lai của loại sơn do mình chế, bởi không tìm được nhà đầu tư chân chính để hợp tác sản xuất loại sơn này. Để đầu tư cho một xưởng sản xuất sơn nước theo công nghệ của ông nghiên cứu ra phải mất 100 - 200 tỉ đồng.

Ông tâm sự nếu không có nhà đầu tư nào, ông sẽ chuyển giao công nghệ sơn nước này cho nước ngoài “bởi tôi cũng phải sống mà chỉ lo nghiên cứu nên giờ kinh tế đã kiệt quệ rồi”. “Hiện nay một tập đoàn của Mỹ đang có ý định mua lại công nghệ sơn nước của tôi, tôi đang suy tính. Tôi đang cần tiền để sống và nghiên cứu. Khi có tiền tôi sẽ đầu tư cho hệ thống làm ván ép chống cháy, sản xuất xốp chống cháy, két chống cháy”. 

Còn tiếp...
 
Đức Khôi

Bạn đang đọc bài viết "Ông “Vua chống cháy” Nguyễn Văn Thanh với những sáng chế kỳ diệu - Kỳ 2: Đột phá trong lĩnh vực sơn nước" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.