Ông trùm sách cũ giữa Đà thành

18/01/2017 17:20

Theo dõi trên

Sách áp kín các bức tường, sách đội tận mái tôn, sách choán giường ngủ, sách la liệt dưới sàn nhà. Mỗi cen-ti-met đều dành chỗ để sách. Tông chủ đạo của căn nhà này là màu ngà ngà, nâu nâu của sách cũ. Ước chừng số sách được sắp xếp trên kệ là 10 ngàn cuốn, còn vô vàn những cuốn chưa được phân loại khác.

Sách ngoại văn nguyên tác chiếm kha khá, vì người đang sở hữu số sách ấy có thể đọc được nhiều thứ tiếng như Anh, Pháp, Hoa và đang học thêm tiếng Nga. Cuộc hành trình bước qua cuộc đời với sách của ông là một câu chuyện kỳ lạ đầy nhân duyên.
 


Chủ nhân bên khối tài sản đặc biệt

Gia tài hơn 10 ngàn cuốn sách quý

Gặp ông tại quầy báo trên đường Hàm Nghi, TP Đà Nẵng, chủ nhân của khối tài sản đặc biệt này là ông Trương Văn Thông (sinh năm 1952). Nghe đến cái danh xưng “ông trùm sách cũ Đà thành” khi tôi hỏi thăm, ông hơi ngạc nhiên một chút rồi hiểu ra ngay. Nhưng ông lắc đầu bảo tôi rằng ông chưa bao giờ có ý định đi tìm hiểu tại thành phố này xem có ai sở hữu nhiều sách cũ hơn mình hay không, hay cái danh xưng ấy có hợp với mình hay không cũng không cần thiết. Bởi cái tên “ông trùm” chẳng qua do khách tự trầm trồ trước khối lượng sác mà ông có rồi đặt cho ông mà thôi. Sở hữu một gia tài tri thức khổng lồ, nhưng ngôi nhà của ông Thông không giống như một cửa hiệu sách thứ thiệt. Bởi hiệu sách này chẳng mấy khi mở cửa. Khách có nhu cầu cứ kiên nhẫn bấm chuông sẽ có người mở cửa, chỉ dẫn tận tình. Mặc dù đã nghe nhiều người nói về ông nhưng tôi vẫn không khỏi ngỡ ngàng khi theo ông về ngôi nhà nhỏ chứa toàn sách của ông trong con hẻm chỉ vừa đủ lọt người đi tại số nhà 187/2 Hùng Vương. Nó chỉ đủ rộng cho một người đi bộ, hai người là phải nhường đường nếu không muốn “kẹt cứng” nữa chừng.

Đầu hẻm vào nhà ông, chỉ có một chiếc bảng nhỏ xíu với dòng chữ được ghi bằng màu sơn nhợt nhạt: “Mua bán sách báo cũ và mới”. Tôi đoán nếu không phải là người mê sách đi tìm sách, thì hẳn không một người khách tinh mắt nào nhìn ra tấm bảng, bởi quanh đó không thiếu những biển hiệu muôn màu, lấp lánh hiện đại che lấp mất.


Ngôi nhà thấp nhỏ của ông nằm lọt thỏm giữa những ngôi nhà cao tầng khác, với bốn bề là bê tông, tầng lầu cao vút của trung tâm thành phố đang phát triển năng động. Thế nhưng, chỉ cần bước vào con hẻm nhỏ, lách người qua cánh cửa cũ kỹ của ngôi nhà chỉ vẻn vẹn 40 mét vuông này mọi thứ đã khác hẳn. Đây đúng là một “thiên đường” với những ai ham mê sách. Đây là ngôi nhà của sách, sách và chỉ sách. Sách áp kín các bức tường, sách đội tận mái tôn, sách choán giường ngủ, sách la liệt dưới sàn nhà, sách trên những lối đi, trên bàn ăn, trên giường ngủ. Tôi có cảm giác như mỗi cen-ti-met của ngôi nhà này đều dành chỗ để sách. Tông chủ đạo của căn nhà này là màu ngà ngà, nâu nâu của sách cũ. Không gian rộng nhất là nơi để chiếc bàn đa năng. Nó đủ cho 4 người vừa để ăn cơm, tiếp chuyện và vừa là chỗ cho khách đến mua sách có thể ngồi lại ghi chép. Hỏi ông về số lượng đầu sách có trong ngôi nhà nhỏ bé này, ông gật gù nhẩm tính rồi lắc đầu, chỉ bảo ước chừng sách trên kệ có tới hơn 10 ngàn cuốn. Đấy là còn chưa kể đến các loại sách “linh tinh”, và những chồng chưa được phân loại, sắp xếp, chưa “yên vị” trên kệ. Một điều thú vị là sách ngoại văn nguyên tác chiếm kha khá. Hỏi ông có đọc được những cuốn sách ngoại văn đầy những chữ mà đến chúng tôi còn thấy ngán ngẩm, thì ông gật đầu cười. Bởi một điều rằng người đang sở hữu số sách ấy có thể đọc được nhiều thứ tiếng. “Tiếng Anh thì dư sức. Tiếng Pháp cũng tàm tạm đủ dùng. Tiếng Trung thì bập bẹ vì khó hơn! Giờ đang học thêm tiếng Nga nữa, nhưng chưa đâu vào đâu!”, ông tóm tắt vốn ngoại ngữ của mình như thế bằng cái cười khục khặc ra chiều mãn nguyện lắm.

Trong số hàng vạn đầu sách ấy, chủ nhân khéo léo sắp xếp, phân chia bộ sưu tập thành nhiều lĩnh vực; hay chia các đầu sách viết riêng về các địa danh tỉnh, thành, sách văn học, sách triết học hay các loại sách khác… để thuận tiện tra cứu. Chính vì thế, khi ai đó chỉ cần nói tiêu đề là ông Thông có thể trả lời chắc chắn trong tủ có hay không có loại sách này, và ông còn biết rõ nó đang nằm chỗ nào, kệ nào, ngăn nào. Hỏi một cuốn sách triết học của Ph. BêCơn, ông ngẩn ra vài giây rồi nói: “Ừ, có rồi, biết rồi!” thế là ông lần tìm trên giá sách ngồn ngộn những cuốn sách mỏng, dày đủ kiểu và tách lấy một cuốn sách ngả màu. Khẽ nâng niu cuốn sách, ông bảo đây là cuốn sách hiếm, ngừng in từ rất lâu rồi, may mà ông còn lại một cuốn này. Gần ba mươi năm lặn lội sưu tầm, ông ông có cả một kho sách cũ với nhiều nguồn tư liệu quý hiếm. Trong căn nhà mình, ông đã đón nhiều bạn sách từ các tỉnh, thành khác đến. Họ chịu khó đi khắp nơi để tìm được cuốn sách yêu quý.

Tại Đà Nẵng có những bạn trẻ 21, 22 tuổi lại say mê Nam Hoa Kinh, Hàn Phi Tử, Đạo Đức Kinh, Kinh Thi, Kinh Dịch khiến ông “khiếp”. Để có nguồn sách phong phú, ông phải đi mua lại từ nhiều điểm bán sách nhỏ hơn. Nhiều người cần nhường tủ sách, biết tiếng ông cũng ưu tiên gọi tới bán, có khi tặng, cho. Có người tin cậy nhờ ông tìm quyển này, cuốn nọ nên dần dà ông rành rẽ chuyện lùng sách, mua sách. Hơn thế nữa, ông không đặt nặng vấn đề tiền bạc, những người yêu sách cứ đến nhà, cứ vô tư chọn lựa, đọc tại chỗ hay sao chép thoải mái, hoàn toàn không phải trả phí. Nguồn Thông tin, kiến thức từ sách cũ ở đây giúp đỡ không ít người hoàn thiện, bảo vệ thành công luận án thạc sĩ, tiến sĩ. Quanh năm cần mẫn đọc tổng hợp các sách trong thư phòng, ông Thông tự hào mình đã có thêm được rất nhiều hiểu biết từ đây.

 




Thế giới sách cũ của ông Thông

Một con người hiếm có

Nhìn ông lụi hụi dọn dép những cuốn sách mới được đưa về để lấy chỗ cho khách ngồi, mới thấy ông hiền hậu đến lạ kỳ, đặc biệt đến khó nhận ra. Ông chẳng có dáng vẻ của một “đại gia sách cũ” thứ thiệt. Người gầy, hiền, có chút gì đó khắc khổ của người phải vật lộn kiếm sống bên lề đường với quầy báo cũ. Cách nói chuyện nhẹ nhàng chậm rãi, kiệm lời nhưng đầy uyên bác. Chỉ đến khi ông ngồi trước kệ sách, chạm tay nhẹ nhàng lên từng trang sách, mới thấy ở ông một chân dung khác. Ông cứ nâng niu từng cuốn sách, vuốt ve như đó là những đứa con của mình vậy.

Hỏi cơ duyên đến với sách của ông, tôi lại càng giật mình vì ngồi trước mình là một người đã từng có 3 bằng đại học. Ông đã tốt nghiệp văn khoa, luật khoa sau đó là ngoại ngữ, nhưng rồi chẳng hiểu vì lẽ gì ông lại trở thành người bán sách cũ vỉa hè, để kiếm từng chút tiền lẻ để sống qua ngày, và để mua sách. Hỏi ông, ông chỉ cười: “Căn cớ ni cũng chỉ tại mê đọc sách. Thời trai trẻ, ham sách, có bao nhiêu tiền cũng dồn cho sách. Mình đọc và để lại như một tài sản riêng. Nhưng thời buổi bấy giờ kinh tế gia đình khó khăn quá, không thể chỉ mãi đeo đuổi đam mê, có lúc túng tiền mua sách, mình cũng đã nghĩ hay bán bớt vài cuốn lấy tiền mua cái mới đọc. Thế rồi đã gần ba mươi năm qua, mình bén duyên với nghề bán sách cũ từ dạo đó!”. Ông cười hiền, tay vẫn nâng niu cuốn sách. Ông không bán sách cũ theo kiểu… đồ cũ. Ông cũng không coi sách cũ như món đồ cổ, quý hiếm đến nỗi người ít tiền không thể chạm vào. Sách của ông có giá đủ cho người cần nó có thể mua được, bởi lý do: Sách để bám bụi là kiến thức chết. Một chút hoài niệm, vấn vương mơ hồ sẽ không thể có trên những trang sách mới thơm nức. Ông Thông yêu sách cũ cũng vì thế. Mà còn hơn thế, sách cũ với ông như người thầy tỉ mẩn truyền đạt từng lời, từng con chữ với tất cả tâm tình. “Ông thầy” ấy không quen nói tắt, rút gọn, không bị thợ dịch - máy tính chuyển ngữ một cách vô hồn. Và dường như sách cũ không quen a dua. Theo thời gian, nó càng được sáng thêm chân giá trị.

Nhưng ông vẫn có một nỗi buồn khó tỏ, ấy là việc thời buổi bây giờ còn ít người đọc sách quá. Ông hóm hỉnh bảo vì sách cũ không phải vàng nên người ta không quý. Ở cái tuổi 62, ông vẫn là cậu học trò nhỏ đêm đêm lật từng trang sách để tìm trong đó nguồn tri thức của nhân loại. Cái tuổi ấy, khi mọi được mất, hơn thua gần như đã thấu tận, ông lại thấy mình ngây ngô trước chân trời tri thức mới. Thế nên, ông lại miệt mài với sách để không chỉ đọc mà còn học. Gọi ông là người bán sách cũng đúng, mà người sưu tầm sách cũ cũng chẳng sai. Có cái ông để bán, có cái ông chỉ để đọc. Ông đã đọc gần như hết số sách có trong kho sách của mình. Ông Thông đúc kết lại rằng: “Con người ta có sống trọn 100 năm cũng không thể đọc hết sách trong thiên hạ. Vì thế, số tôi đã đọc chưa ăn thua gì. Thế giới sách cũ mang lại cho tôi những tri thức quý giá về cuộc sống, về đạo làm người và cả những người bạn tri âm!”. Trong gia tài của ông, có bộ sách đáng giá cả vài nghìn USD nhưng nếu gặp người tâm đầu ý hợp, biết nâng niu trân trọng, ông không ngần ngại mang sách làm quà biếu nhưng kèm thêm điều giao ước, có thể mượn lại khi cần. Một ngày của ông cũng bộn bề như bao người bình thường khác. Chỉ sau 10 giờ đêm, khi mọi thứ đã lắng chìm vào sự yên bình thì ông mới thực sự thảnh thơi trầm mình với sách. Sách, lại là sách cũ có thể bị lãng quên với ai đó, nhưng sẽ luôn luôn có chỗ đứng với số người nhất định, ông Thông nói.

Năm nay, ông Thông bước sang tuổi lục tuần có lẻ, vì mưu sinh và vì sức khỏe nên ông không thể lân la các nơi để tìm sách cũ. Nhưng hơn hết, với ông sách vẫn là cả một gia tài mà không ai dễ gì có được.
 
Bùi Hữu

Bạn đang đọc bài viết "Ông trùm sách cũ giữa Đà thành " tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.