Ông Chủ tịch UBND huyện tự biên soạn từ điển ngôn ngữ Cơ Tu

27/12/2016 15:44

Theo dõi trên

Bh’riu Liếc không chỉ được biết đến là ông Chủ tịch UBND huyện đi bộ nhiều nhất nước. Ông còn là người đầu tiên đưa ra yêu cầu bắt buộc phải phổ cập tiếng Cơtu cho cán bộ, công chức người Kinh về đây làm nhiệm vụ. Cũng chính là người Cơtu đầu tiên viết sách về cách học tiếng Cơtu, điều mà trước đây chỉ có các nhà nghiên cứu ngôn ngữ từ miền xuôi lên mới làm được.



Bh’ríu Liếc (ngồi giữa) dẫn đầu đoàn cán bộ Tây Giang trong một chuyến đi khảo sát địa bàn tháng 8/2014.

Ông Chủ tịch UBND huyện đi bộ nhiều nhất nước

Trong chuyến công tác miền núi đột xuất lên các xã biên giới của huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam chúng tôi may mắn có dịp tiếp xúc với ông Bh’riu Liếc (SN 1965, ngụ thôn Agrồng, xã Atiêng, huyện Tây Giang, Quảng Nam) nguyên Chủ tịch UBND huyện Tây Giang và sau đó là Bí thư Huyện ủy Huyện Tây Giang. Đã từng nghe kể nhiều về ông, người quyền lực nhất ở cõi này, mà nhiều người nói vui là “vua một cõi” thế nhưng có gặp ông chúng tôi mới thấy được sự chân chất của ông khi trong suốt chuyến đi đó, ông luôn vui vẻ trò chuyện với anh em cán bộ trong đoàn. Không hề có bất cứ sự phân biệt, khoảng cách giữa lãnh đạo với cấp dưới hay giữa lãnh đạo với nhân dân.
 
Sinh ra trong một gia đình có 6 anh em ở tận đỉnh Tr’hy xa xôi nên chuyện đi học của Bh’riu Liếc cùng với các bạn cùng trang lứa trong bản còn khó hơn cả việc “đãi cát tìm vàng”. Thế nhưng vốn là một đảng viên gương mẫu và hiểu biết nên bà bắt các con mình phải đi học cho bằng được. Chồng mất sớm, một mình bà tranh hết việc làm rẫy để các con có thời gian đến trường. Hiểu được hoản cảnh của gia đình nên ngay từ khi mới học lớp một, sau giờ lên lớp, Bh’ríu Liếc rành phấn lớn thời gian ra khe bắt ốc, bắt cá. Lên rừng đào củ rừng kiếm cái ăn qua ngày. Lên cấp hai, để đến trường từ làng A Răng, xã A Xan bây giờ ông phải đi bộ gần 5 ngày đường vượt rừng núi mới đến Đông Giang để học. “Đường rừng bấy giờ còn hoang vu, đầy cọp beo rắn rít và thú dữ nhưng không hiểu vì sao thích cái chữ quá mà tôi chẳng sợ gì cả. Có hôm đói quá vào rừng bẻ măng ăn sống nên say đến gần chết”, Bh’riu Liếc bồi hồi.

Học hết cấp hai ở Đông Giang, ông cùng với bốn người bạn Cơ Tu khác được các thầy cô cho xuống Đà Nẵng học tiếp cấp ba. Khi trong những năm đất nước còn khó khăn, sắn lát bo bo của nhà nước chẳng đủ nhét đầy cái bụng của mình. Sau giờ lên lớp ông cùng chúng bạn thường xuyên lội sông bắt cá, trồng rau dọc bờ sông Hàn để có cái nhét vào bụng. Thế nhưng chưa hết năm đầu, cả thảy bốn người bạn kia đã bỏ về phần vì nhớ buôn làng, phần vì đói khát. Năm 1979, giữa lúc ông đang nỗ lực phấn đấu theo học tiếp những năm cuối cấp ba thì, chiến tranh biên giới nổ ra. Ông viết đơn máu xin nhập ngũ thế nhưng các già làng kiên quyết không đồng ý bắt ông phải đi học tiếp khi ông là hi vọng đổi đời của cả cộng đồng người Cơtu của huyện Hiên lúc bấy giờ.

Học “hết chữ” ở dưới thị xã Đà Nẵng lúc bấy giờ ông được cử về dạy học ngay chính trên quê hương mình. Chưa thỏa đam mê đứng lớp, thì ông được cất nhắc đưa lên làm ở ban dân tộc hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam. 40 tuổi, Bh’ríu Liếc trở thành ông Chủ tịch UBND huyện trẻ nhất cả nước lúc bấy giờ khi được bổ nhiệm làm Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, Quảng Nam. Để có thể đưa ra được những quyết sách hợp ý Đảng lòng dân thì cần phải hiểu được cuộc sống của dân, từ đó mới biết họ đang thiếu những cái gì, cần gì. Mà muốn hiểu lòng dân thì không còn cách nào phải xuống cùng ăn cùng ở với buôn làng. 

Thế nhưng để có thể xuống được buôn làng ở đây, chỉ còn cách đi bộ. Khi nhiều buôn làng ở cách xa trung tâm từ 30 - 50km đường bộ chưa có đường nhựa, phải đi theo đường mòn. Năm ít, ông xuống cùng ăn cùng ở với vài thôn. Năm nhiều ông đi kiểm tra thực tế đến cả vài chục buôn làng. Tính sơ sơ thì Bh’ríu Liếc đi cũng phải vài trăm km mỗi năm. Chẳng phải nói đâu xa, ngay trong chuyến đi này chính chúng tôi đã được thử sức với ông Bí thư đã bước qua cái tuổi năm mươi ấy. Chứng kiến đôi chân leo núi thoăn thoắt của người đàn ông đã bước sang tuổi năm mươi khiến mấy cậu phóng viên trẻ tuổi như chúng tôi bở hơi tai mới có thể bám theo được trong suốt chặng thám hiểm khu rừng Pơmu nguyên sinh duy nhất ở Việt Nam ở độ cao gần 1500m.
 


Ký tặng sách “Tiếng thông dụng Cơtu – Kinh và văn hóa làng Cơtu” (ảnh do nhân vật cung cấp).



Bh’ríu Liếc thay mặt đồng bào Cơ Tu huyện Tây Giang đón nhận quà tặng từ các nhà mạnh thường quân.
 
Đến làm từ điển Cơ Tu – Kinh cho buôn làng
 
Giờ ở Tây Giang không còn cảnh cán bộ phải đi bộ hàng chục km mới vào được bản nữa. Khi chỉ trong vòng 10 năm sau khi tái lập, hàng chục con đường được mở ra, hàng trăm nếu không muốn nói là cả nghìn km đường các loại được bê tông hóa, mở rộng đến tận chân cầu thang từng nhà. Có được thành quả đó không thể không nhắc đến những đóng góp của Bh’ríu Liếc. Ngay từ những ngày đầu ngồi vào ghế Chủ tịch UBND huyện Tây Giang ông đã yêu cầu toàn bộ các cán bộ từ văn thư đến trưởng các phòng ban của UBND huyện phải đi học tiếng Cơ Tu khi huyện có đến 95% dân số là đồng bào Cơ Tu. Sau khóa học tất cả các học viên đều được cấp một chứng chỉ như chứng chỉ ngoại ngữ.
 
Công chức thi vào huyện Tây Giang cũng vậy, tiếng Anh, tiếng Pháp, Nga, Nhật, Trung Quốc... có càng tốt, nhưng trước tiên là phải có bằng tiếng ... Cơtu! Bởi theo ông Bh’ríu Liếc thì: “Làm cán bộ phải đi sâu sát và nắm bắt tình hình của nhân dân. Mà không nghe được tiếng người dân nói thì làm việc không hiệu quả. Muốn hiểu, nói chuyện được với dân thì phải học”. Một trong những điển hình về việc hiểu dân đó là chuyện “làng tái định cư thời thủy điện”. Cách đây tám năm khi bố trí tái định cư cho một dự án thủy điện trên địa bàn, do thiếu xót trong quá trình khảo sát của chủ đầu tư nên vị trí tái định cư bị sạt lở nghiêm trọng, buộc phải di dời. Để “sửa lỗi” lãnh đạo huyện Tây Giang đứng đầu là Bh’ríu Liếc đã đề nghị: “Thay vì xây sẵn nhà bê tông như trước kia, thì nay sau khi tìm được vị trí thích hợp, ban quản lý các dự án của huyện sẽ bàn giao tiền cho người dân tự xây nhà theo kiến trúc nhà sàn truyền thống của người Cơ Tu. Để tránh việc sử dụng tiền không đúng mục đích, toàn bộ tiền được đưa cho hồi đồng giám sát ở thôn do các già làng đứng đầu”. Đến nay, ở Tây Giang không còn chuyện đồng bào Cơ Tu tự ý bỏ làng tái định cư vì không có đất canh tác, vì ở trên đất xấu như các địa phương lân cận khi họ được ở cùng với họ hàng anh em của mình trên chính mảnh đất mà họ tự tay chọn. Có được điều đó một phần không nhỏ xuất phát từ việc cán bộ có chứng chỉ ngoại ngữ Cơ Tu.

Nói về người cán bộ mẫu mực ấy, người dân trong vùng thán phục bảo nhau, không có cái gì ông Liếc không làm được. Từ làm rẫy, làm ruộng vườn, làm thầy giáo đã giỏi, ông ấy làm luôn cả cuốn từ điển Cơtu – Kinh cho dân làng. Chuyện viết sách của Bh’riu Liếc không hề đơn giản. “Để viết được một trang sách tôi phải mày mò ra tận Viện bảo tàng dân tộc học ở Hà Nội, nhờ anh em giúp tìm các bản đồ ngày xưa do người Pháp chụp từ năm 1938 để viết. Có hôm phải lặn lội tận rừng sâu, ở trong bản gần cả tháng để viết cho bằng được ba trang nói về cách pha chế rượu tr’đin. Vì cách pha chế rượu này ngày nay đang dần bị mai một. Nhưng khốn nỗi các già làng không muốn truyền cho người ngoài bản vì sợ “lộ” bí quyết, nên tôi phải ăn nằm làm quen “mòn chiếu” mới học được cách làm tr’đin”.
 
Gần 16 năm miệt mài viết từng con chữ Cơtu sưu tầm từ năm 1990 khi còn là giáo viên trường huyện. Gần 16 năm sau, cuốn sách “Tiếng thông dụng Cơtu – Kinh và văn hóa làng Cơtu” dày gần 300 trang ra đời. Theo đánh giá của nhiều người, đặc biệt là các học viên cán bộ người Kinh thì đây là cuốn sách viết đầy đủ nhất và ngôn ngữ dễ hiểu nhất từ xưa đến nay cho cả người Kinh lẫn Cơtu muốn học chữ.

Theo TS. Lê Đức Luận, Giảng viên bộ môn văn hóa Đại học Đà Nẵng, người có nhiều năm nghiên cứu văn hóa Cơ Tu đánh giá thì: “Một tác giả “cứng tay” đến mấy nếu không phải là người Cơtu bản địa thì khó viết được những trang về cây thuốc và những điều huyền bí đang lưu truyền trong dân gian Cơtu, như cách dùng ngải thương, thuốc độc Ch’pơơr, bệnh dịch P’rong, xem trứng gà, xem gan mật lợn, xem vỏ ốc đá,… để đoán trước sự việc. Đặc biệt là các món ăn gần như thất truyền đã được khôi phục lại một cách khá đầy đủ như; rượu tr’đin, tà vạt, buốh, buốh prí, a viết và r’lang,… Khi được hỏi động lực nào giúp ông làm được điều đó, tác giả Bh’ríu Liếc vui vẻ nói: “Tôi làm tất cả phần vì tình yêu với buôn làng, phàn vì sợ cái chữ gốc Cơ Tu sẽ bị thất truyền khi các cụ già qua đời”.
 
Nhật Tân

Bạn đang đọc bài viết "Ông Chủ tịch UBND huyện tự biên soạn từ điển ngôn ngữ Cơ Tu" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.