Xóm Gạch quê tôi là một xóm ngụ cư của xã Tích Sơm xưa. Người dân trong xóm theo đạo Phật, Thiên chúa giáo và nhiều người không theo tôn giáo. Tuy nhiên quan hệ nhân quả luôn trở thành lẽ sống của đa số người dân. Ai cũng tin quy luật nhân quả ở hiền gặp lành, ở ác gặp tai hoạ. Tôi thử thống kê và phỏng vấn một số hộ gia đình có đúng không. Thật lạ kỳ, các cụ cao niên trong xóm cung cấp thông tin cho chúng tôi đều thấy đúng.
Có gia đình cụ ông nuôi người ăn mày. Thấy nhà hàng xóm bị cháy, đem thóc gạo và cả nồi, chảo chia cho hàng xóm. Vì vậy các con cháu cụ đều trưởng thành, học hành giỏi, sự nghiệp thành đạt. Có gia đình làm nghề rèn đúc vất vả nhưng hay giúp người cơ nhỡ. Ông bà đông con, làm nghề rèn không đủ sống, con cái phải mò cua bắt ốc. Sống nghèo nhưng giàu tình thương. Khu du lịch Đầm Vạc hình thành. Gia đình ông được đền bù 7 suất đất mặt đường, các con nghèo khổ đều trở thành chủ cửa hàng cửa hiệu.
Trong xóm những người độc ác với dân, chiếm nhiều đất của dân đều bị quả báo. Điển hình có ông trưởng khu, kìm hãm dân lành, luôn tìm mọi cách gây khó khăn cho người đi đại học, đi công tác. Ông ta như một lý trưởng thời xưa. Cuối cùng gia đình ông tan nát, có người con vào tù, có người tai nạn.
Một ông Chủ tịch xã khác tham nhũng, luôn nhận xét xấu lý lịch người đi học, đi thoát ly. Cả một khu trồng mướp mênh mông của ông bị người dân cắt dây chết hết. Ông già ốm liệt giường mãi không nhắm được mắt. Ông kiếm mấy ô đất thì con cái kinh doanh, đánh bạc mất sạch. Có ông làm Chủ tịch xã một nhiệm kỳ, kiếm được 7 ô đất đẹp nhưng chỉ trong vòng hơn chục năm của thiên trả địa, ông lại trắng tay.
Có cụ cao niên ở xóm Gạch luôn răn dạy con cái: đất ở làng này độc lắm, ai ăn đất của dân đều hỏng cả.
Những câu chuyện có thật ở làng cho thấy đúng là ở hiền gặp lành, ở ác gặp tai họa, cho đi là được, cướp của người thì lại trắng tay. Luật nhân quả đang chi phối đời thường.