Núi Nhạn, nơi đất thiêng chim về

06/01/2016 14:05

Theo dõi trên

Từ bên kia sông Đà Rằng, nhìn về phía thành phố Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) đã thấy đỉnh tháp Nhạn đứng sừng sững trên đỉnh núi, nổi bật trên nền xanh của cây lá, như một nốt son trên nền xanh thắm của trời.



Tháp Nhạn trên núi Nhạn

Núi Nhạn là một trong những địa danh nổi tiếng của xứ nẫu đã quen từ câu ca xưa: “Phú Yên có đỉnh Cù Mông/ Có hòn Nhạn Tháp, có dòng sông Ba”. Ngay bên núi là sông Đà Rằng, cặp đôi núi - sông này đã hòa điệu trong một bức tranh sơn thủy hữu tình cho mảnh đất đầy nắng và gió này. Theo người dân địa phương, có nhiều cách để lý giải về cái tên núi Nhạn. Có người nói đó là dáng ngọn núi nhìn từ xa giống hình con chim nhạn đang thu mình chuẩn bị cất cánh. Cũng có người nói, đây là nơi đất lành chim đậu, chim thường bay về rất nhiều, nhất là mỗi độ xuân về. Có cả những loài chim từ rừng xuống, cũng có loài từ biển tụ về, bay quanh ngọn núi.Nhiều nhất là chim Nhạn, bởi thế mới thành tên. Những dấu tích ở núi Nhạn cho biết xưa kia từng có một quần thể kiến trúc Champa rất lớn tại đây. Tuy nhiên, hiện nay chỉ còn lại công trình kiến trúc tháp Nhạn chứa đựng nhiều giá trị về lịch sử và nghệ thuật, góp phần làm phong phú kho tàng di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam”.

Tháp có mặt bằng hình vuông, cao 23,5m, được xây theo tỉ lệ cân đối với ba phần: Đế, thân và mái. Các tầng tháp đều có phong cách giống nhau, tuy nhiên, càng lên cao càng thu nhỏ lại. Chân tháp hình vuông, mỗi cạnh dài hơn 10m, được ốp đá sa thạch. Giống như nhiều tháp Chăm khác, tháp được xây bằng gạch nung xếp khít với nhau, độ kết dính rất chắc nhưng hoàn toàn không thấy vết của mạch hồ.Nóc của tháp gồm nhiều lớp xếp.Trên đỉnh tháp là hình tượng Linga bằng đá được điêu khắc công phu, cửa và mặt chính của tháp quay về hướng Đông.Ba mặt tường còn lại đều có trang trí hoa văn và tạo hình cửa giả.Tháp Nhạn hướng về phía Đông, đó là hướng của mặt trời, của thần linh, mang ý nghĩa của sự sống, sự sinh sôi nảy nở. Với kiến trúc càng lên tầng cao càng thu hẹp, nên tường phía trong tháp cũng thu nhỏ dần, vòm lại theo hình chóp nón, làm cho không gian trong tháp vừa cao, vừa sâu thẳm. Sự kết hợp hài hòa giữa vật liệu xây dựng, đường nét kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc đã tạo cho tháp Nhạn một dáng vẻ vừa vững chãi vừa thanh thoát, tinh tế, mang tính thẩm mỹ cao.

Vào mỗi dịp lễ, Tết, mồng 1 và 15 âm lịch hằng tháng, nhân dân trong vùng đều đến đây cầu nguyện cho cuộc sống được bình an. Tháng 3 âm lịch hàng năm, tại đây diễn ra Lễ hội vía Bà - Tạ ơn Mẹ Xứ sở, vị thần đã có công dạy người dân nghề nông, nghề dệt, che chở và bảo vệ mọi người khỏi thiên tai, địch họa. Với ý nghĩa ấy, lễ hội vía Bà (hay còn gọi là lễ hội Tháp Nhạn) là lễ hội chung của nhân dân trong vùng, của cả người Chăm và người Việt dọc khu vực miền Trung cùng hành hương, dâng hương. Ngày nay, lễ hội còn thu hút hàng ngàn du khách thập phương đến tham dự.

Năm 1988, Tháp Nhạn đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch) công nhận là Di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp quốc gia. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, tháp Nhạn không chỉ là công trình kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu, có giá trị lịch sử và thẩm mỹ cao mà cha ông đã để lại mà đã trở thành biểu tượng của thành phố Tuy Hòa.

Theo Nguyễn Hương (Báo Du Lịch)

Bạn đang đọc bài viết "Núi Nhạn, nơi đất thiêng chim về" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.