Núi Đá Bia và du lịch sinh thái - tâm linh

10/08/2015 20:40

Theo dõi trên

Núi Đá Bia - ngọn núi tên tuổi vào bậc nhất của tỉnh Phú Yên là danh thắng cấp quốc gia. Trải qua thời gian năm tháng, núi Đá Bia đã in sâu trong tâm thức bao thế hệ người dân đất Phú. Đá Bia sừng sững giữa gió núi, mây ngàn là chứng tích biết bao sự kiện bi hùng của vùng đất một thời mở đất, dựng nước và giữ nước.

 
Núi Đá Bia - ảnh tư liệu

Thơ trên ngọn đá núi thiêng

Núi Đá Bia (Thạch Bi Sơn) gắn với một sự kiện lịch sử quan trọng trong lịch sử dân tộc Việt vào thế kỷ XV, dưới triều đại nhà Lê. Đó là sự kiện vua Lê Thánh Tông thống lĩnh cuộc nam chinh, mở rộng bờ cõi về phía Nam vào năm 1471. Sau chiến thắng tại Đồ Bàn, vua Lê Thánh Tông đã tổ chức cuộc hành quân vượt đèo Cù Mông tiến về phía Nam đến dãy núi Đại Lãnh, chọn lấy một ngọn núi cao và cho khắc chữ vào khối đá lớn trên đỉnh núi…
 
Núi Đá Bia cao 706m, sừng sững uy nghi ở phía Bắc dãy Đèo Cả. Trên đỉnh núi là một khối đá khổng lồ cao 76m, có hình thù kỳ lạ, sáng sớm hay về chiều thường có mây trắng bao phủ chung quanh, khi ẩn khi hiện.
 
Hệ sinh thái được bảo tồn khá phong phú với những loài thực vật và động vật đặc trưng của rừng nhiệt đới. Đứng trên đỉnh núi Đá Bia có thể hướng tầm nhìn về những địa danh nổi tiếng như: Vũng Rô, Đèo Cả, Bãi Bàng, Bãi Môn – Mũi Điện, Hải Đăng, Núi Hiềm, Biển Hồ, Đập Hàn, vịnh Vân Phong (Khánh Hòa)…
 
Từ xa xưa, núi Đá Bia được xem là ngọn núi thiêng với tên gọi là Lingaparvata (có nghĩa là Linga – đấng đại sơn thần, hiện thân của thần Siva trong tín ngưỡng của người Chăm). Năm 1836, vua Minh Mạng cho thể hiện hình tượng dãy núi Đại Lãnh (có cả núi Đá Bia) vào Tuyên Đỉnh, một trong 9 chiếc đỉnh đồng đặt tại Thế Miếu trong Đại Nội kinh thành Huế.
 
Với những cứ liệu lịch sử cùng địa thế, cảnh quan, hệ sinh thái đặc biệt của mình núi Đá Bia được công nhận di tích thắng cảnh cấp quốc gia năm 2008.
 
 
Vịnh Vũng Rô - ảnh tư liệu
 
Ước vọng ngôi đền thờ vua Lê và du lịch tâm linh
 
Truyền thuyết về bài thơ của vua Lê Thánh Tông gắn với sự tích núi Đá Bia được lưu truyền trong dân gian có ý nghĩa tôn vinh và thể hiện lòng tri ân của hậu thế đối với công trạng của bậc tiền nhân mà đặc biệt là vua Lê Thánh Tông, trong thời kỳ đầu mở đất về phương Nam. Ở Phú Yên đã có một số trường học, tên đường được mang tên vị vua tài trí văn võ song toàn Lê Thánh Tông. Phú Yên còn có đền thờ vua Lê Thánh Tông, xây dựng tại thôn Long Uyên, xã An Dân, huyện Tuy An, nguyên là trung tâm thủ phủ của Phú Yên ở thế kỷ XIX. Tuy nhiên ngôi đền này hiện tại đã bị đổ nát, chỉ còn lại những mảng tường bằng gạch, đá và bức bình phong ở phía trước.
 
Để tỏ lòng tri ân tưởng nhớ đối với vua Lê Thánh Tông, vị vua anh minh có công lao to lớn đối với lịch sử dân tộc và ghi dấu ấn đậm nét trên vùng đất Phú Yên. Thiết nghĩ rất cần xây dựng một ngôi đền thờ vua Lê Thánh Tông uy nghi, xứng tầm tại núi Đá Bia để nhân dân ngưỡng vọng, tri ân. Đây cũng chính là nếp sống văn hóa truyền thống có từ ngàn đời của dân tộc Việt Nam.
 
Ở góc độ của ngành Du lịch, nếu có một ngôi đền vua Lê Thánh Tông gắn liền với danh thắng núi Đá Bia sẽ là điều kiện để phát triển du lịch văn hóa tâm linh gắn với du lịch sinh thái trong cụm quần thể các danh thắng quốc gia: núi Đá Bia, Bãi Môn – Mũi Điện, di tích Tàu không số - Vũng Rô…n
 
Th.S NGUYỄN HOÀI SƠN (Báo Du Lịch)

Bạn đang đọc bài viết "Núi Đá Bia và du lịch sinh thái - tâm linh" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.