Nơi không có mùa Xuân

18/01/2017 10:47

Theo dõi trên

Càng gần đến ngày Tết, người ta càng khắc khoải mong chờ phút giây được sum họp bên gia đình, người thân. Song ước mơ bình dị ấy rất khó trở thành hiện thực với những bệnh nhân nặng, thậm chí họ còn sợ… Tết. Bởi mỗi khi đến tết, những nỗi niềm trong lòng họ ở cái thời điểm trời đất giao mùa ấy lại càng có dịp bùng phát lên…



Nhiều bệnh nhân đón Tết trong bệnh viện với nỗi buồn và cả những cơn đau bệnh tật

Cả năm mới có ngày Tết sum họp gia đình, nhưng vẫn có rất nhiều bệnh nhân vẫn phải “ăn chực nằm chờ” tại các bệnh viện. Tết với họ thực sự là nỗi lo, nỗi buồn nhiều hơn vui. Những ngày này, ở các Bệnh viện tại Đà Nẵng, thân nhân và người bệnh nằm la liệt từ hành lang, ghế chờ… cho đến cả các lối ra vào. Ngay ở góc cầu thang bệnh viện Đà Nẵng, chị Phan Thị Minh (54 tuổi, ở Quảng Ngãi), đã đến đây chăm chồng khi anh nằm ở đây khá lâu. Ban ngày, chị ngồi nép vào trong, chừa lối đi cho mọi người, còn ban đêm phải nằm xích ra ngoài vì sợ điện giật. Người đàn bà có dáng đi sấp ngửa đều cực. Cụ ông ở hành lang bệnh viện nói với tôi như thế khi chỉ tay vào chị đang tất tả mang hộp cơm vào cho chồng nằm trên giường bệnh. Hơn 10 năm qua, vợ chồng chị Minh sống ở Bệnh viện nhiều hơn ở nhà. Cũng từng ấy thời gian, chị nếm trải bao cay đắng, cơ cực những mong chồng sống thêm được ngày nào hay ngày đó. 

Người phụ nữ quê Đức Phổ, Quảng Ngãi đã hơn 10 năm qua chẳng đêm nào tròn giấc vì mải lo cho người chồng bị căn bệnh ung thư hành hạ. Từng đó năm, chị Minh vẫn thường đứng trong góc khuất, lặng lẽ khóc khi nghe tiếng rên trong cơn mê sảng của chồng. Thương người bao năm đầu ấp tay gối bị bệnh tật hành hạ, bà nghỉ việc buôn bán ở chợ, bán hết gia sản trong nhà đưa ông đi chữa trị khắp nơi. Từ bệnh viện Đức Phổ (Quảng Ngãi), Chợ Rẫy, Phạm Ngọc Thạch (TP. Hồ Chí Minh) đến bệnh viện Trung ương Huế. Rồi cuối cùng, chị quyết định đưa chồng ra điều trị lâu dài tại Khoa Ung bướu Bệnh viện Đà Nẵng, những mong việc di chuyển dễ dàng hơn. Sau khi kể về căn bệnh ung thư thận giai đoạn 4 của chồng, chị Minh rơm rớm nước mắt: “Một ngày là vợ chồng thì suốt đời sống sao cho phải đạo. Cực khổ mấy tôi cũng chịu, chỉ mong ông ấy sống thêm với mẹ con tôi được ngày nào hay ngày đó! Giờ tết nhất đến rồi nhưng chẳng có tiền mà sắm sửa nữa! Mà hơn 10 năm nay có còn biết đến tết nhất là gì nữa đâu!”.

Tương tự chị Minh, chị Nguyễn Thị Hồng (Duy Xuyên, Quảng Nam) đang chăm chồng tại khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Đà Nẵng đã phải đi bán vé số, kiếm tiền trang trải chi phí ăn ở, chữa bệnh cho chồng. Anh Truyện, chồng chị vốn là người đàn ông khỏe mạnh, xốc vác, nay bị bệnh tiểu đường, huyết áp cao lẫn suy thận nặng khiến lòng chị đau như cắt nhưng không biết phải làm sao. Từ ngày chồng mang trọng bệnh, lúc nào người ta cũng thấy chị Hồng vội vàng như sợ thời gian không đủ cho chị vừa chăm chồng, vừa kiếm sống. Số tiền kiếm được, chị thuê cho hai vợ chồng căn phòng trọ nằm ở tầng 4, chung tòa nhà với khoa Ung bướu Bệnh viện Đà Nẵng với giá 600.000 đồng/tháng để chồng nghỉ ngơi, tịnh dưỡng sau mỗi lần chạy thận. Gia đình hoàn cảnh khó khăn, lại đang nuôi hai con ăn học nên để chữa bệnh cho chồng chị phải chạy vạy, vay mượn khắp nơi. Con cái ở nhà đón Tết trong nghèo khó. Chị Hồng cho biết thêm: “Đây là năm thứ 2 vợ chồng đón Tết trong bệnh viện. Rút kinh nghiệm năm ngoái các quán cơm, cháo ở Bệnh viện đóng cửa, mấy ngày Tết phải nhịn đói. Năm nay ngay từ bầy giờ tôi đã phải mua mấy thùng mì tôm để dự trữ!”.
 


Bệnh nhân đón nhận sự quan tâm của các y bác sỹ trong ngày tết 

Chị Nguyễn Thị Lan (Quế Sơn, Quảng Nam) có một đứa con cũng nằm trong bệnh viện này. Tiền nong ít ỏi nên chị phải chạy vạy từng đồng để chạy thận. Thân mỏng như lá lúa, chị chỉ biết trông chờ vào những tấm lòng từ thiện: “Đã mắc bệnh này, chạy miếng ăn còn khó, lấy đâu ra tiền về Tết, mua thuốc men. Đã hai năm rồi chưa về nhà ăn Tết. Thèm cái cảm giác đón giao thừa ở nhà, nhưng tiền xe ra vô cho hai mẹ con cũng hết hai triệu đồng, bằng cả một tháng đóng viện phí. Thôi, để tiền trị bệnh cho con!”. Những năm trước khu trọ còn có vài bệnh nhân ở lại ăn Tết cùng, năm nay thì hàng xóm cũng về quê hết nên Tết đã buồn giờ lại cô đơn hơn. Nhắc đến tết, chị Lan rơi nước mắt. “Thấy hành lang bệnh viện đã trưng hoa đào, biết là Tết về rồi. Nhưng với gia đình tôi, chẳng còn Tết nữa. Tết còn ý nghĩa gì khi con cháu bị bệnh. Ở nhà bố nó chắc cũng chỉ mua cái bánh chưng, mua cân thịt thắp hương cho qua, cầu mong ông bà tổ tiên phù hộ cho con qua khỏi! Buồn lắm anh ạ, không phải vì không được về đón Tết, mà buồn vì con mình bệnh trọng, gia đình phải vất vả chăm nom, cả gia đình chắc chắn cũng không có cái Tết trọn vẹn!”. 

Cứ ngoài 20 âm lịch trở ra, các bệnh nhân lại “ngóng” thông tin ra viện. Nhiều bệnh nhân có tiến triển tốt có thể được bác sỹ cho xuất viện trước ngày 23 tháng Chạp để về nhà ăn lễ cúng ông Công, ông Táo. Càng gần đến ngày Tết, người ta càng khắc khoải mong chờ phút giây được sum họp bên gia đình, người thân. Song ước mơ bình dị ấy rất khó trở thành hiện thực với những bệnh nhân nặng, thậm chí họ còn sợ… Tết.

Một người nhà bệnh nhân nói: “Ai cũng mong được về, cháu ạ. Ăn Tết ở nhà chỉ là một phần thôi. Phần khác là vì được ra viện chứng tỏ rằng sức khỏe mình đã khá lên, có thể ổn định. Cực chẳng đã các bác sỹ mới phải giữ bệnh nhân ở lại qua Tết. Ai phải ở lại thì buồn và lo lắm, dù đều được động viên rằng chỉ giữ lại để theo dõi thôi!” Đáng thương nhất là các em nhỏ luôn miệng bi bô: “Con muốn có quần áo mới đi chơi Tết, chúc Tết ông bà…” trong khi cha mẹ chúng thì rơm rớm nước mắt ngoảnh mặt đi. Với họ, đó là những cái tết buồn, có nhiều người thì mùa xuân đã không về…


“Quả thực có bị bệnh mới biết bao nỗi đau, lo lắng trăm bề của người bệnh. Bao đêm giao thừa trong bệnh viện, đi chúc Tết các bệnh nhân, nhìn những khuôn mặt xanh xao, mệt mỏi nhưng vẫn cố hé một nụ cười, thấy vô cùng thương người bệnh. Giá như các bệnh nhân ai cũng đỡ mệt mỏi và đau đớn hơn vì bệnh tật để có thể về nhà đón tết với gia đình, thì đó sẽ là món quà sức khỏe quý báu nhất trong năm mới. Nhưng bao năm rồi, điều đó vẫn chỉ dừng lại ở điều mơ ước… không chỉ với bệnh nhân và người nhà, mà còn của các y bác sỹ nữa!”, một bác sĩ cho biết. 

Chỉ những bệnh nhân nào buộc phải theo dõi hay có sự can thiệp can thiệp của máy móc mới buộc phải ở lại viện. Những bệnh nhân có thể xuất viện, thì đều cho về kèm theo đơn thuốc để uống trong Tết. Và hầu như điện thoại của các bác sỹ vẫn mở 24/24 dịp Tết để có thể tư vấn cho bệnh nhân kịp thời.

Những y bác sỹ luôn phải lựa lời động viên những bệnh nhân ở lại viện dịp Tết nhưng hình như cũng chả thấm vào đâu. Ai cũng vẫn buồn, vẫn lo. Một nữ y tá chia sẻ, khi mọi người đang sum vầy cùng gia đình trong bữa cơm tất niên, rất nhiều bác sỹ, y tá… vẫn miệt mài túc trực trong viện, sẵn sàng cứu chữa bệnh nhân. “Việc nhà bề bộn cũng phải chịu thôi, đành để chồng con lo. Mười mấy năm đi trực bệnh viện, tôi có được đón giao thừa với gia đình đâu!”. Cứ thế, vắng nhà mãi thành quen, các y bác sỹ tất bật với những ca cấp cứu, bệnh nhân, nỗi nhớ nhà, nhớ người thân ngày tết đến của các bác sỹ cũng bị khỏa lấp đi phần nào. Bệnh viện năm nào cũng tổ chức tất niên cho các bác sỹ trực Tết nhưng bữa tiệc chỉ kéo dài mấy phút, người có mặt, người không bởi còn bận với những ca cấp cứu. Đầu năm người ta kiêng đụng dao đụng kéo, đặc biệt có những giây phút giao thừa trôi qua khi đang đỡ đẻ là chuyện bình thường. 

Nhưng những ngày Tết lại là khoảng thời gian cho các y bác sĩ, bệnh nhân có cơ hội gần nhau hơn. Ngày thường, bác sỹ đều bận túi bụi, ngoài thăm khám, chẳng mấy khi ngồi lại trò chuyện, hỏi thăm gia đình bệnh nhân. Một bác sỹ khoa Bệnh viện Sản – Nhi Đà Nẵng chia sẻ: “Thương lắm, nhất là mấy đứa nhỏ, có em được cả gia đình vào thăm tươi cười hớn hở, nhưng ngay giường bên cạnh lại chỉ có hai mẹ con thui thủi đón giao thừa cùng nhau. Nhà xa, bố mải làm ăn kiếm tiền viện phí nên thế đấy. Bình thường tôi làm gì có thời gian để ý, không ngờ bệnh nhân của mình nhiều người hoàn cảnh đến vậy!”…

Mùa xuân đang đến thật gần, nhưng vẫn có những nơi không có mùa xuân, ở đó có những con người mang nỗi đau bệnh tật, và có cả những y bác sỹ hết lòng vì người bệnh của mình không mảy may suy nghĩ. Mong rằng một năm mới đến sẽ mang bớt đi những nỗi đau ấy, để họ có thể tận hưởng trọn vẹn hơi ấm của mùa xuân.
 
Tiêu Dao

Bạn đang đọc bài viết "Nơi không có mùa Xuân" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.