NNƯT Hoàng Lưỡng. Ảnh: Duy Khôi
Thưa NNƯT Hoàng Lưỡng, nhắc đến ông, nhiều người lại nói về chuyện ông từng lưu diễn tại Nhật Bản cách đây hơn 20 năm trước. Ông có thể kể về sự kiện này?
- Đó là vào năm 1997, tôi được cử đi công tác cùng đoàn quảng bá văn hóa - du lịch của Việt Nam sang nước Nhật. Nhiệm vụ của tôi là đờn tài tử phục vụ khách tham quan. Tôi chơi được nhiều nhạc cụ như ghi-ta phím lõm, đờn kìm, hạ uy di… nên khách tham quan thích lắm. Mình chọn bài bản nhỏ, bản xôm để tạo không khí vui tươi. Rồi tôi lại nghĩ ra chuyện mượn nhạc cụ truyền thống của các anh nhạc công người Nhật, thử đờn bài bản tài tử của mình. Đờn Nhật mà chơi nhạc tài tử - vậy mà “ăn”, người ta đến xem rất đông.
NNƯT Hoàng Lưỡng có ngón đờn ghi-ta phím lõm độc đáo, lại có phong cách riêng với những nét đột phá. Ông không sợ bị dân trong nghề phản ứng sao?
- Tôi cẩn thận nhưng không e sợ. Đã chơi nhạc tài tử là phải có nét riêng, bản sắc riêng, nếu không thì ai cũng giống ai, có gì là độc đáo. Với tôi, đờn ca là ngẫu hứng, dĩ nhiên trong chuẩn mực của đờn ca tài tử, không lai căng, mất gốc. Nghĩa là, nhịp nhàng, lòng bản có sẵn nhưng phải “thêm hoa thêm lá” khi đờn, phải phóng khoáng và không theo khuôn mẫu có sẵn. Bài mình đờn phải không giống ai và càng không lặp lại chính mình, tôi luôn nhắc mình như vậy.
Cũng có khi người này người khác nói tôi “ngông” hoặc đờn trật, nhưng không sao, mình cứ chọn cách làm nghề của riêng mình.
Bây giờ đã là NNƯT, ông nghĩ sao về nghiệp đờn ca của mình?
- Điều đầu tiên là tôi vui lắm, đó là vinh dự của một người làm nghề!
Nhìn lại nghiệp đờn ca của mình, tôi thấy thật sự là được “Tổ đãi”. Tôi từng có một thời ấu thơ đi buôn gánh bán bưng, dành tiền học đờn; rồi trôi nổi qua nhiều đoàn cải lương lớn nhỏ. Nhưng nhớ nhất, nhớ hoài là thời gian hơn chục năm bỏ đờn qua làm nghề lái heo. Thời đó kinh tế gia đình khó khăn quá, theo nghề đờn chỉ có nước chết đói, nên chọn nghề lái heo. Cái cảm giác bỏ dây đờn cầm dây trói heo nó khủng khiếp lắm, buồn khổ lắm, tới giờ tôi vẫn nhớ! Nhưng nghèo mà, biết phải làm sao.
Cũng nhờ anh em động viên, trong đó có anh Hai Lợi, hơn 10 năm sau tôi trở lại cầm đờn, sinh hoạt với anh em, máu nghề lại trỗi dậy, theo đuổi tới bây giờ. Nhiều khi rảnh, cầm cây ghi-ta phím lõm mà thầm thì: “Không bao giờ tao bỏ mày lần nữa đâu!”.Tôi nói với cây đờn mà cũng là nói với tôi như vậy!
Xin cám ơn NNƯT Hoàng Lưỡng!
Theo Cần Thơ