Niềm vui của một họa sĩ về đờn ca tài tử

15/04/2017 09:50

Theo dõi trên

Vốn sinh ra và lớn lên ở làng nghề sơn mài của Bình Dương nên trong tôi luôn dạt dào những cảm xúc về nghệ thuật. Tôi đặc biệt yêu thích sự độc đáo của tranh sơn mài và các sản phẩm mỹ thuật quê mình. Nhưng khi tìm hiểu, sáng tác về đờn ca tài tử (ĐCTT), tôi lại có thêm một niềm đam mê mới.



Họa sĩ Nguyễn Văn Quý đang ấp ủ nhiều ý tưởng sáng tác tranh về ĐCTT

Mỗi khi tham gia các lễ hội kỳ yên, các chương trình văn nghệ trong tỉnh hay nghe radio phát chương trình âm nhạc dân tộc, hay tại các buổi tiệc, tôi đều ngất ngây tâm hồn trước những vẻ đẹp của những nhạc cụ dân tộc cũng như thần thái của các tài tử chơi ĐCTT. Nhạc tài tử phục vụ trong các lễ hội kỳ yên ở các Đình thần được thể hiện một cách trang trọng. Còn khi réo rắc trên radio vào các buổi trưa thì nghe rất say đắm lòng người. Đâu đâu trong các thôn xóm hay phố phường đô thị cũng dễ dàng bắt gặp nhiều sân chơi tài tử.

Năm 2013, ĐCTT Nam bộ đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Bạc Liêu, một trong những cái nôi lớn của nghệ thuật ĐCTT Nam bộ là tỉnh đầu tiên đăng cai tổ chức Festival ĐCTT Quốc gia vào năm 2014. Và thật vui mừng biết bao khi Bình Dương quê tôi là tỉnh thứ hai đăng cai tổ chức festival di sản này. Trước những niềm tự hào và dạt dào cảm xúc hân hoan, tôi đã tìm hiểu qua sách, báo để có thể hiểu sâu hơn về ĐCTT Nam bộ và miệt mài sáng tác bộ tranh gồm 4 bức sơn dầu mang tên “Tứ tuyệt”. Đó là sự ngưỡng mộ của bản thân tôi về 4 loại nhạc cụ đặc thù của bộ môn ĐCTT Nam bộ như: kìm, tranh, bầu và sến. Bằng những nét vẽ chi tiết về các hoa văn cổ xưa và cách phối màu tươi sáng, bộ tranh “Tứ tuyệt” đã được đông đảo bạn bè trong giới mỹ thuật đón nhận và khen ngợi. Theo đó, bộ tranh cũng được tuyển chọn trưng bày trong Triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh về ĐCTT Nam bộ tại Trung tâm Hội nghị - Triển lãm tỉnh trong suốt thời gian diễn ra festival.

Với tôi, ĐCTT Nam bộ là một bộ môn nghệ thuật rất thú vị, không phô trương, ồn ào nhưng rất gần gũi và len lõi rộng khắp trong đời sống xã hội. Nếu tìm hiểu sâu về ĐCTT Nam bộ thì nhất định sẽ giúp tôi có thêm nhiều ý tưởng để sáng tác nên nhiều tác phẩm tranh vẽ tôn vinh nghệ thuật di sản này. Thiết nghĩ, nếu ĐCTT Nam bộ được tạo điều kiện để hội nhập với các nước trong khu vực thì sẽ góp phần quảng bá những nét đẹp văn hóa đậm đà bản sắc của con người Việt Nam chúng ta.


Nguyễn Văn Quý

Nguồn: Báo Bình Dương
Bạn đang đọc bài viết "Niềm vui của một họa sĩ về đờn ca tài tử" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.