Những dòng kênh thời mở đất

10/11/2014 23:07

Theo dõi trên

Theo hành trình mở đất, cha ông xưa đã đổ bao xương máu tạo nên những công trình vĩ đại còn mãi đến ngày nay. Hai dòng kênh Vĩnh Tế và Thoại Hà như chứng tích ngàn đời ghi nhớ công lao của tiền nhân, gắn với tên tuổi vị công thần Nguyễn Văn Thoại.

news-1415635626-1650982450.jpg
Kênh Vĩnh Tế - đoạn chảy qua TP. Châu Đốc

Theo Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, tỉnh An Giang ngày nay là một phần của trấn Vĩnh Thanh xưa đặt dưới quyền cai quản của quan trấn thủ Thoại Ngọc Hầu. Vốn xuất thân là con nhà võ, có công lao phò tá vua Gia Long trong những ngày lưu lạc nên ông được phong tước “Hầu” khi nhà Nguyễn giành lại vương quyền.

Đến trấn thủ vùng đất Vĩnh Thanh, với tầm nhìn sáng suốt, Thoại Ngọc Hầu nhận thấy cần có con đường thủy nối liền vùng Long Xuyên - Rạch Giá. Thời đó, muốn đi bằng đường thủy, thương nhân phải men theo bờ biển, các cửa sông Hậu rồi mới đến được Long Xuyên. Vì vậy, năm 1817, ông dâng sớ xin vua cho đào kênh Thoại Hà trên cơ sở con rạch đã có sẵn. Quá trình thi công kéo dài hơn 1 tháng, với sự tham gia của trên 1.500 người. Vì đây là công trình dựa trên rạch sẵn có, chỉ cần theo nước lũ để đào nên đã nhanh chóng hoàn thành. Kênh đào xong, Thoại Ngọc Hầu cho vẽ họa đồ và làm sớ tâu vua. Vua Gia Long khen ngợi, lấy tên ông đặt cho dòng kênh.

Kênh Thoại Hà đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, giao thương hàng hóa trong vùng. Người dân có thể theo con kênh này ngược xuôi vùng Long Xuyên - Rạch Giá, rút ngắn khoảng cách giao thông nên việc mua bán và đi lại… dễ dàng hơn. Đặc biệt, đây là con đường xả nước lũ ra biển Tây, cho thấy khả năng “trị thủy” tuyệt vời của cha ông thời trước.

Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Sa (Trường Chính trị Tôn Đức Thắng) phân tích: “Đến nay, kênh Thoại Hà vẫn có giá trị to lớn về giao thông, thương mại, nông nghiệp. Việc giao thương hàng hóa giữa hai vùng Long Xuyên - Rạch Giá thu ngắn đáng kể. Ngoài ra, kênh Thoại Hà còn đóng vai trò tối ưu cho việc phát triển nông nghiệp tại huyện Thoại Sơn - vùng sản xuất lúa lớn nhất tỉnh An Giang”. 

Bên cạnh kênh Thoại Hà, một công trình vĩ đại khác cũng được hình thành dưới sự chỉ huy của Nguyễn Văn Thoại là kênh Vĩnh Tế. Xét về quy mô, tầm vóc, công trình này hơn hẳn kênh Thoại Hà, triều đình phải huy động hơn 80.000 dân binh đào kênh từ năm 1819 đến năm 1824 mới hoàn thành.

Quá trình đào kênh gặp khá nhiều khó khăn vì thực hiện trên mặt đất bằng tự nhiên, chứ không theo con rạch có sẵn như kênh Thoại Hà. Có giai đoạn, triều đình nhà Nguyễn phải cho dừng việc đào kênh vì số người thương vong do dịch bệnh, rừng thiêng nước độc ngày càng nhiều. Cuối cùng, bằng quyết tâm cao, kênh Vĩnh Tế hoàn thành và hiện hữu như ngày hôm nay. Thả chiếc xuồng nhỏ men theo bờ kênh, ông Ngô Văn Tới (ngụ xã Vĩnh Tế, TP. Châu Đốc) thật tình: “Ngày nay, người dân ngược xuôi dòng kênh này luôn biết ơn những người đi trước đã đổ máu xương cho con cháu đời sau được hưởng”.

Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Sa nhận định: “Kênh Vĩnh Tế là con kênh đào lớn nhất của chế độ phong kiến Việt Nam. Nó đóng vai trò quan trọng trong việc tháo phèn rửa mặn, giao thương hàng hóa vùng Châu Đốc - Hà Tiên. Hơn hết, đây là công trình chiến lược bảo vệ biên giới nước ta trong thời đại đó. Ngày nay, kênh Vĩnh Tế vẫn là niềm tự hào của người dân An Giang bởi giá trị lịch sử to lớn, ghi dấu thời kỳ khai sơn phá thạch của cha ông”. 

Kênh Vĩnh Tế dài trên 90km, nối liền Châu Đốc - Hà Tiên và trải dài theo biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Sau khi con kênh hoàn thành, vua Minh Mạng đã cho đặt tên là kênh Vĩnh Tế (tên vợ chánh thất của Thoại Ngọc Hầu - bà Châu Thị Tế). Với giá trị to lớn về kinh tế và vai trò chiến lược quan trọng về mặt quốc phòng, kênh Vĩnh Tế đã được vua Minh Mạng cho đúc hình vào Cao đỉnh, một trong Cửu đỉnh còn đặt ở Đại nội Huế ngày nay.

Theo Báo An Giang
Bạn đang đọc bài viết "Những dòng kênh thời mở đất" tại chuyên mục Đất & Người. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.