Những ám ảnh kinh hoàng về trùm phỉ Bảy Đởm vùng thất sơn - Phó ông trời vùng núi Cấm (Kỳ 9)

24/12/2021 08:34

Theo dõi trên

Nỗi ám ảnh về những cuộc hành quyết dã man của Bảy Đởm khiến người ta tìn rằng, nơi đó nhiều linh hồn không siêu thoát biến thành ma khóc than hàng đêm. Người dân địa phương đã phải lập miếu hương khói cho những oan hồn tội nghiệp.

Về món tra tấn, Bảy Đởm vượt mặt chủ tướng Ba Cụt nhiều bậc.

Những cụ già hơn 80 tuổi cư ngụ ở Rạch Bà Chiêu đều nhớ vị trí cây gáo – Nơi Bảy Đởm lập trạm thu thuế. Ở đó, rất nhiều người bị chết oan ức bỏi chiếc chày vồ của ông ta. Nỗi ám ảnh về những cuộc hành quyết dã man của Bảy Đởm khiến người ta tìn rằng, nơi đó nhiều linh hồn không siêu thoát biến thành ma khóc than hàng đêm. Người dân địa phương đã phải lập miếu hương khói cho những oan hồn tội nghiệp.

Như một sự trùng hợp lạ thường, đúng ngày Bảy Đởm đền mạng, cây gáo và ngôi miếu đổ ụp xuống sông. Từ đó, ngôi miếu và cây gáo không còn nữa.

Ông T Đ H - một võ sư thuộc môn phái Trương Gia, hiện đang định cư ở California (Mỹ) - nguyên là sĩ quan phụ tá của Bảy Đởm kể rằng, Bảy Đởm mắc chứng sợ ám sát. Có lẽ ông ta tạo quá nhiều nghiệp chướng nên rất sợ bị ám sát. Vì vậy, ông đi đâu cũng mang theo một đội cận vệ giỏi võ nghệ để bảo vệ xung quanh. Khi được Nguyễn Văn Thiệu trưng dụng, Bảy Đởm mang hàm "Thiếu tá Quân lực Việt Nam Cộng Hòa", mặc dù không còn số kiếp thổ phỉ, ông ta cũng không bao giờ dám ăn uống ở các nhà hàng. Khi tiếp khách, ông ta thường tổ chức ăn uống tại doanh trại của mình.

01-1639636117.jpg
Ba Cụt trước tòa án của Diệm

Dù sợ bị ám sát nhưng Bảy Đởm có máu mê đá gà. Hễ nghe nơi nào có độ gà là ông ta mò tới xem.

Ông T Đ H là sĩ quan phụ tá nhưng chỉ làm mỗi việc duy nhất là nuôi và luyện gà đá cho Bảy Đởm. Nghe ở vùng Bến Tre có giống gà hay, một hôm Bảy Đởm vận một bộ thường phục tả tơi giả dạng dân thường rồi cùng ông T Đ H chạy xe gắn máy đi mua. Dạo đó, Bảy Đởm đi như vậy là liều mạng. Bởi không chỉ thân nhân những kẻ bị Bảy Đởm gieo nợ máu muốn giết ông ta mà các lực lượng quân sự khác cũng tuyên bố ra án tử.

Vì vừa đi vừa cảnh giác, hai thầy trò đi 1 ngày mới đến Bến Tre. Đến nơi trời đã tối. Hai thầy trò thuê 1 khách sạn ở qua đêm. Không ngờ ông chủ khách sạn là một người từng cư ngụ ở Châu Đốc đã nhận ra kẻ cựu thù Bảy Đởm. Dù vậy, Bảy Đởm vẫn điềm nhiên lấy phòng. Suốt đêm đó, ông H thao thức không dám ngủ vì sợ có chuyện chẳng lành. Tuy nhiên, không có chuyện gì xảy ra.

Tờ mờ sớm hôm sau, Bảy Đởm kéo ông H ra khỏi khách sạn. Đi được một đoạn, ông H mới dám hỏi Bảy Đởm: "Ông Thiếu tá không sợ ông chủ khách sạn là kẻ mang nợ ân oán sao?". Bảy Đởm trả lời tỉnh rụi: "Nó không có cơ hội trả thù tao đâu. Nửa đêm, tao cắt cổ nó rồi".

Chuyến đi đó, Bảy Đởm tuyển được 5 con gà chiến và giao cho ông H chăm sóc.

Khi có gà ngon, nghe ở đâu có trường gà là Bảy Đởm sai ông H đánh xe jeep mò đến. Chủ trường gà gặp Bảy Đởm kể như xui tận mạng. Bởi Bảy Đởm luôn tuyên bố "gà của phó ông trời không bao giờ thua". Nếu gà nhà có vẻ yếu thế, Bảy Đởm rút súng ngắn bắn chết tươi con gà đối thủ.

Sau một năm phục vụ dưới trướng Bảy Đởm, viên sĩ quan phụ tá T Đ H nhận ra mình là một trong số những kẻ cướp mang danh quân đội nên đào ngũ trốn về quê ẩn tích cho đến khi nghe tin Bảy Đởm chết.

Ngay sau khi được Mỹ đưa vào ghế Thủ tướng chính phủ cho Bảo Đại, Ngô Đình Diệm chủ trương thôn tín tất các các lực lượng quân sự tại miền Nam, đặc biệt là Bình Xuyên, Hòa Hảo và Cao Đài.

Trước khi thôn tín, Mỹ và Diệm đã đi nước cờ mua chuộc. Một viên sỹ quan tình báo của Mỹ đã ôm cặp tiền dầy cộp đi gặp gỡ từng thủ lĩnh các lực lượng quân sự giáo phái và đã mua chuộc được một số nhân vật như Trình Minh Thế, Nguyễn Thành Phương (Cao Đài); Nguyễn Giác Ngộ, Nguyễn Văn Huê (Hòa Hảo).

Riêng Trần Văn Soái, Lâm Thành Nguyên và Ba Cụt không chỉ đòi số tiền cao mà còn đòi Diệm phải thăng hàm tướng. Riêng Ba Cụt, sau nhiều lần thương thuyết, ông ta yêu cầu Diệm phải thăng hàm Trung tướng cho ông ta. Diệm nhận thấy những đòi hỏi đó quá đáng.

Thế là ngày 23-05-1955, Diệm giao cho 1 Đại tá có biệt danh là Đức "khùng" thành lập Bộ Tư lệnh Tiền phương Khu chiến Miền Tây để thực hiện chiến dịch "Đinh Tiên Hoàng" truy quét các lực lượng quân sự của Ba Cụt và Lâm Thành Nguyên. Khu vực truy quét của chiến dịch bao gồm Vĩnh Long, Cần Thơ và Sóc Trăng.

02-1639636175.jpg
Ba Cụt đang bị dẫn giải ra máy chém

Dù rất hổ báo nhưng nghe tin Ngô Đình Diệm triển khai quân, Ba Cụt hoảng hồn kéo quân chạy trốn về hướng Châu Đốc. Bảy Đởm vẫn trụ tại núi Cấm để án ngữ "mặt tiền" cho Ba Cụt.

Rất nhiều đợt tiến công của Đại tá Dương Văn Đức qua ngã núi Cấm đều bị quân của Bảy Đởm đánh tơi tả. Chiến dịch thôn tín lực lượng quân sự Hòa hảo bị dậm chân nhiều tháng tại khu vực núi Cấm.

Diệm đang đứng ngồi không yên vì sự chậm chạp của chiến dịch thì Nguyễn Ngọc Thơ chạy về Sài Gòn gặp Diệm xin hiến kế tiêu diệt lực lượng Ba Cụt.

Trước kia, Nguyễn Ngọc Thơ là tỉnh trưởng Long Xuyên có phần hùn trong vũ trường Thanh Đạm. Có người đoán rằng, chủ vũ trường Thanh Đạm là vợ nhỏ của ông Nguyễn Ngọc Thơ. Khi biết Bảy Đởm thực hiện vụ tàn sát vũ trường Thanh Đạm, ông Thơ đã ngấm ngầm khắc ghi mối thù với Bảy Đởm và Ba Cụt. Vì vậy, khi biết được Diệm kiên quyết tiêu diệt lực lượng quân sự Hòa Hảo, ông Thơ gặp Diệm xin hiến kế.

Kế của Nguyễn Ngọc Thơ là dụ dỗ Ba Cụt đầu hàng rồi giết. Nếu Diệm đồng ý kế "điệu hổ ly sơn" thì phải thỏa mãn yêu cầu là sử dụng Thiếu tướng Dương Văn Minh thay thế Đại tá Dương Văn Đức. Thiếu tướng Dương Văn Minh vừa thành công trong chiến dịch tiêu diệt lực lượng Bình Xuyên. Diệm chấp thuận.

Ngày 29-12-1955, Diệm tuyên bố chấm dứt chiến dịch Đinh Tiên Hoàng, đồng thời đẩy Dương Văn Đức đi làm đại sứ ở nước ngoài.

Ngày 1-1-1956, Diệm quyết định thành lập bộ chỉ huy chiến dịch mới mang tên Nguyễn Huệ, giao cho Dương Văn Minh làm chỉ huy trưởng. Chỉ sau 1 tháng bị đánh dồn, Trần Văn Soái chấp nhận đầu hàng và đưa quân ra quy thuận với Diệm.

Thôn tín xong Trần Văn Soái, bộ tư lệnh chiến dịch bắt đầu kế hoạch "điệu hổ ly sơn". Nguyễn Ngọc Thơ tìm gặp người bạn chí thân là võ sư Huỳnh Kim Hoành (cậu ruột của Ba Cụt) nhờ bắn tin cho Ba Cụt biết là quân của Diệm muốn thương thuyết. Qua lời chuyển của Huỳnh Kim Hoành, Ba Cụt chấp nhận thương thuyết với Nguyễn Ngọc Thơ vào tháng 03-1946 tại Hồng Ngự. Ba Cụt đồng ý đưa quân về dưới trướng Diệm với "bản điều kiện" gồm 16 điểm rất "cha người ta". Trong đó, Ba Cụt yêu cầu Diệm công nhận ông ta là Trung tướng nhưng … không trực thuộc Bộ Quốc phòng của Diệm. Ngoài ra, Diệm còn phải trả lương cho binh sĩ, bao gồm cả vợ con.

Thật ra, thương thuyết chỉ là mưu kế của Nguyễn Ngọc Thơ khiến Ba Cụt lộ diện. Mật thám của Diệm bám theo dấu chân của Ba Cụt.

Sau khi nắm được vị trí ẩn náu của Ba Cụt, ngày 8-04-1956 Dương Văn Minh xua quân đánh nhử theo kế "rung chà cá nhảy". Quả nhiên, chỉ vừa mới giao tranh, Ba Cụt đã bỏ lính ở lại tử thủ để ông ta cùng 1 số cận vệ thân tín đào thoát về Chắc Cà Đao ẩn trú tại nhà võ sư Huỳnh Kim Hoành. Tại đó, 1 toán mật thám do Đại úy Hiển chỉ huy nằm chờ sẵn. 6 giờ sáng ngày 13-04-1956, Ba Cụt bị trói gô ngay khi vừa từ chiếc xuồng bước lên bến Chắc Cà Đao.

Ngày 13-07-1956, Ba Cụt bị Diệm chém đầu tại Cần Thơ. Sau đó, một thuộc hạ của Diệm đã phân tử thi Ba Cụt thành nhiều mảng ném phi tang xuống sông Hậu Giang.

03-1639636246.JPG
Ngôi mộ gió của Ba Cụt tại rạch Bằng Tăng, Cần Thơ

Nghe tin chủ soái bị giết, Bảy Đởm tuyên bố tử chiến với Diệm. Tại núi Cấm Bảy Đởm lập đàn cầu siêu cho Ba Cụt. Trong lễ cầu siêu, Bảy Đởm thề moi tim Nguyễn Ngọc Thơ ăn sống để trả thù cho Ba Cụt. Từ đó đến ngày cuối đời, Nguyễn Ngọc Thơ không dám mò về nơi chôn nhau cắt rốn ở Long Xuyên.

Một lần nữa, Bảy Đởm và thuộc hạ trở lại làm thổ phỉ vùng Thất Sơn. Trước kia, khi làm cướp cạn ở núi Bà Đội Om, ông ta và thuộc hạ chỉ sử dụng vũ khí thô sơ. Lần trở lại kiếp cướp cạn này, ông ta và thuộc hạ có nhiều vũ khí tối tân nhất của Nhật, Pháp lúc bấy giờ. Suốt 1 thời gian dài, vùng núi Cấm trở thành tử địa đối với những người lạ mặt./.

Nông Huyền Sơn
Bạn đang đọc bài viết "Những ám ảnh kinh hoàng về trùm phỉ Bảy Đởm vùng thất sơn - Phó ông trời vùng núi Cấm (Kỳ 9)" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.