Nhói lòng chứng kiến ở nơi mùa hanh khô, thầy và trò tuần chỉ được tắm một lần

22/03/2017 17:02

Theo dõi trên

Tôi hỏi thêm cô Tươi về việc tắm giặt của học sinh, cô Tươi nửa đùa nửa thật: Ở đây thầy cô giáo và học sinh chỉ “tắm gió” thôi. Thì hôm nào không có nước, trời nắng to, có gió thổi, thì tranh thủ rủ nhau chạy thể dục mấy vòng, rồi ngồi sưởi nắng ở mấy tảng đá tai mèo, dùng tay kỳ cho ghét nó bong ra, phủi cái là gió thổi bay hết...

"Trường Sa cạn"

Vùng đất Dìn Chin được ví như “Trường Sa cạn” vì gần như quanh năm thiếu nước. Đặc biệt, thời điểm sau Tết Nguyên đán đến tháng 3 hàng năm là thời kỳ cao điểm khô hanh, khiến các nguồn nước đều trở nên khan hiếm, cạn kiệt.




Học sinh Trường Tiểu học Dìn Chin hàng ngày phải mang can đi lấy nước về dùng

Trưa tháng 3, trên mảnh đất Dìn Chin đã nóng như chảo lửa, nắng từ trên cao hắt xuống khiến cả vùng đất này trở thành một sa mạc khô hanh. Trên những vạt nương dốc, cây ngô mới trồng vừa ngoi lên khỏi mặt đất những mầm lá xanh đã bị mặt trời thiêu đốt héo rũ. Dưới một thung lũng ở thôn Ngải Thầu, từng tốp học sinh trường Tiểu học Dìn Chin đang xếp hàng đợi nhau múc từng can nước từ một nguồn nước nhỏ.

Em Giàng Minh Phúc, học sinh lớp 4A1, trường Tiểu học Dìn Chin phải chui hẳn người vào hố nước sâu, chỉ thò mỗi hai chân và mông ra ngoài, loay hoay mất gần 10 phút mới có thể múc đầy can nước 5 lít. Nhưng vừa lấy được can nước, thì cái nút gỗ nút vào chỗ đáy cái can cũ bị thủng lại tụt ra.

Phúc nhìn nước chảy chan chứa, ánh mắt hoe đỏ, em lại cố gắng chui vào hố nước múc lại lần nữa, lúc chui ra thì mặt mũi đỏ lựng, đứng lên như người say rượu. Sau Phúc, một nhóm học sinh nữ cũng đang đứng đợi để chui vào hố múc nước. Chỉ một lúc sau là hố nước đã cạn sạch, dù có chui hẳn người vào bên trong thì cũng không múc được tí nước nào. 

Cách hố nước sâu ấy xuống phía dưới một chút có một mạch nước nhỏ đùn ra thành khe nước. Đây là nơi có nhiều học sinh đang xếp hàng kiên trì đợi đến lượt mình nhày xuống múc nước.

Tuy nhiên, trong cái khe nước chưa bằng cái mẹt ấy, có tới 6 chiếc máy bơm sục vào. Thật may cho các em học sinh là trưa nay các hộ dân đi làm nương xa, nên không bật máy bơm, nếu không thì khe nước cũng bị mấy cái “ vòi rồng” kia hút cạn trơ đáy, chẳng còn múc được bát nước nào. Vì thế, em nào cũng tranh thủ múc thật đầy can xách về trường để rửa bát, giặt quần áo.

Công việc múc nước đã vất vả, nhưng nhìn cảnh các em học sinh tiểu học phải trầy trật vượt dốc xách từng can nước về trường mới thật xót xa. Từ khe nước lên, đường cứ dốc ngược, men theo taluy. Xách nước lên dốc được một đoạn, nhiều em phải ngồi ở gốc cây lau mồ hôi, nghỉ cho đỡ mệt rồi đi tiếp.

Em Vàng Seo Cú, lớp 5A2 bảo xách nước vất vả lắm, nhưng để có nước rửa bát, giặt quần áo, thì hàng ngày vào buổi trưa và buổi chiều sau giờ học chúng cháu đều phải đi xách nước về trường mới có nước dùng.

Thầy giáo Khúc Thành Luân, giáo viên Trường Tiểu học Dìn Chin chia sẻ có nhiều hôm khe nước gần trường cạn hết, các thầy cô lại phải đi gần 2 km mới lấy được mấy can nước về cho học sinh bán trú dùng. Lo học sinh còn nhỏ tuổi phải đi lấy nước xa, đường đi khó khăn, nguy hiểm nên hôm nào thầy, cô giáo cũng thay nhau đi bộ xách nước cùng với các em, đảm bảo an toàn cho học sinh.

Tắm gió” thôi!

Trò chuyện với cô giáo Đỗ Thị Tươi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Dìn Chin về những khó khăn trong mùa khô, thiếu nước trầm trọng, cô Tươi bảo hàng năm cứ từ tháng 11 - 12 đến hết tháng 4 là mùa đất này “khát nước”. Một năm học có 9 tháng, thì có tới 6 tháng nhà trường thiếu nước sinh hoạt.

Trường Tiểu học Dìn Chin có 14 lớp học với 279 học sinh. Tại điểm trường chính nằm ở thôn Ngải Thầu có 119 học sinh, trong đó có 76 học sinh bán trú. Mọi sinh hoạt, ăn uống của học sinh bán trú đều diễn ra ở trường, nên rất cần tới nước.

Giữa những ngày thiếu nước trầm trọng, dù các thầy cô giáo và học sinh đã nỗ lực hết sức nhưng cũng không có đủ nước để dùng. Nước nấu ăn và uống đều tận dụng nguồn nước mưa tích trữ được. Còn nước lấy từ khe, mạch nước về không đảm bảo vệ sinh, nên chỉ để rửa tay chân, tắm, giặt.

Mùa này đồng bào vùng cao Mường Khương đang trồng ngô, các hộ dân bây giờ không tốn công cày bừa như ngày trước nữa, mà hầu hết đều phun thuốc diệt cỏ rồi trồng ngô luôn, nên ai cũng lo chất độc trong thuốc trừ cỏ sẽ ngấm vào nguồn nước ở các khe, mạch nước ngầm, ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng. Lo lắng là vậy, nhưng giữa mảnh đất khô cạn này có nước dùng đã là một niềm mơ ước rồi.

Tôi hỏi thêm cô Tươi về việc tắm giặt của học sinh, cô Tươi nửa đùa nửa thật: Ở đây thầy cô giáo và học sinh chỉ “tắm gió” thôi. Thì hôm nào không có nước, trời nắng to, có gió thổi, thì tranh thủ rủ nhau chạy thể dục mấy vòng, rồi ngồi sưởi nắng ở mấy tảng đá tai mèo, dùng tay kỳ cho ghét nó bong ra, phủi cái là gió thổi bay hết. Nụ cười tếu táo chợt tắt, nét mặt cô tươi đã buồn rười rượi.

Cô bảo ở đây vào lúc cao điểm khô hanh, chỉ đủ nước để rửa ráy tối thiểu, chuyện một tuần mới được tắm một lần nói ra cũng chẳng có gì đáng xấu hổ cả. Thương các em học sinh bán trú ở trường không có nước tắm, nhưng nhà trường cũng không dám cho các em tự vào trong thôn tắm nhờ, vi lo cho sự an toàn của các em. Vì thế, buổi trưa nắng, với những học sinh bố mẹ ra đón được, nhà trường thường cho học sinh được về nhà tắm giặt, sau đó lại ra lớp học.




Các thầy, cô giáo cũng phải thường xuyên đi chở nước về nấu cơm cho học sinh bán trú

Trong hoàn cảnh thường xuyên thiếu nước, các thầy cô giáo Trường Tiểu học Dìn Chin đã tìm nhiều giải pháp để có nước dùng trong sinh hoạt. Mỗi buổi sáng sớm, một số thầy cô giáo ở thị trấn Mường Khương vượt 30 km lên trường đều chở theo mấy can nước để đổ vào téc cho học sinh bán trú có nước nấu cơm và uống. Các thầy cô giáo cũng nghĩ ra “sáng kiến” là tích nước mưa trên mái nhà bằng cách nút các ống thoát nước lại. Vậy là ngày trời mưa to, một lượng nước được tích trữ trên đó sẽ được lấy xuống để dùng dần.

“Biết là làm như thế lâu sẽ ảnh hưởng đến mái nhà, nhưng ở đây nước mưa quý hơn vàng, nên vẫn phải làm thế thôi, không có cách nào hay hơn cả”, cô Tươi tâm sự.

Ngoài ra, cả thầy cô giáo và học sinh đều tiết kiệm nước hết mức có thể. Nước sau khi dùng để rau, rửa chân tay sẽ được dùng để tưới rau, tưới hoa. Điều đáng ngạc nhiên là dưới bàn tay chăm sóc của các thầy, cô giáo nơi đây, những luống rau bắp cải, cải mèo vẫn lên xanh tốt, để bữa ăn của học sinh bán trú có thêm ít rau xanh, đỡ háo nước những ngày hanh gió.

Đến Dìn Chin nơi mảnh đất được ví như “Trường Sa cạn” muôn vàn khó khăn, vất vả, nhưng tôi được nghe nhiều câu chuyện xúc động về sự hi sinh thầm lặng của các thầy, cô giáo nơi đây, tất cả vì học sinh nghèo. Có lẽ chính tình cảm thiêng liêng ấy đã là những mạch nước ngầm chảy mãi tưới tắm cho những tâm hồn học sinh nơi đây, để các em vượt qua khó khăn, vất vả, khao khát vươn lên, nuôi dưỡng ước mơ về một tương lai tươi sáng.




 Các em học sinh chung nhau rửa tay trong một chậu nước nhỏ...


Tuấn Ngọc

Nguồn: nongnghiep.vn
Bạn đang đọc bài viết "Nhói lòng chứng kiến ở nơi mùa hanh khô, thầy và trò tuần chỉ được tắm một lần" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.