Nhị Phủ Miếu gắn liền với lịch sử vùng đất Sài Gòn - Gia Định

16/10/2015 16:16

Theo dõi trên

Nhị Phủ Miếu hay còn gọi là chùa Ông Bổn (264 Hải Thượng Lãn Ông, Q.5, TP.HCM) được xây dựng cách nay 287 năm, do nhóm người Hoa thuộc hai phủ Tuyền Châu và Chương Châu thuộc tỉnh Phúc Kiến, di cư sang vùng Sài Gòn - Chợ Lớn lập nghiệp, mưu sinh. Sau khi xây dựng xong, phủ nào cũng muốn lấy tên của mình để đặt tên cho miếu, chẳng ai nhường ai, cuối cùng để cho công bằng họ thống nhất lấy tên là “Nhị Phủ” đặt tên cho miếu, ông Bành Huy Cường, trưởng ban quản trị giải thích.



 Nhị Phủ Miếu, một cơ sở tôn giáo gắn liền với lịch sử vùng đất Sài Gòn - Gia Định

Nhị Phủ Miếu thờ chính thần là Ông Bổn, tượng được tạc bằng gỗ cao 1,5m, với chòm râu bạc buông dài, dáng ngôi khoan thai mang dáng dấp như một tiên ông, nên dân gian gọi là chùa Ông Bổn. Ông Bổn là một nhân vật có thật, tên Châu Đạt Quan, gốc người Phúc Kiến. Lúc sinh thời ông là một vị quan thanh liêm đời nhà Nguyên. Sau khi Nhị Phủ Miếu thành lập, nơi đây không những trở thành nơi tín ngưỡng dân gian của cộng đồng người Hoa có ngôn ngữ Phúc Kiến làm ăn sinh sống trong vùng Chợ Lớn, nơi đây còn trở thành nơi quy tụ, sum hợp và tương trợ lẫn nhau của bà con người Hoa có gốc gác Phúc Kiến sinh sống ngoài vùng Chợ Lớn.

Khuôn viên Nhị Phủ Miếu rộng khoảng 2.500 m2, trong đó phần sân chiếm một nửa diện tích. Không gian còn lại bao gồm các điện thờ, trụ sở hội quán. Nhị Phủ Miếu có dạng nhà bằng khung gỗ, mái lợp ngói ống, tường gạch, tất cả đều sơn màu đỏ.

Đến nay, Nhị Phủ Miếu đã trải qua tất cả 4 lần trùng tu vào các năm 1875, 1901, 1990 và 1996. Nhưng miếu vẫn giữ được nguyên thủy nét cổ kính, qua phong cách kiến trúc và trang trí truyền thống của người Hoa: hoành phi, liễng, tượng... Ngoài ra nơi đây còn lưu giữ một số hiện vật quý như chuông đồng được đúc vào năm 1825; tượng kỳ lân bằng đá, các bao lam… có niên đại vào khoảng giữa thế kỷ 19.

Nhìn tổng quan Nhị Phủ Miếu là công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo, kết hợp giữa điêu khắc gỗ với điêu khắc đá rất tinh xảo, có giá trị văn hóa nghệ thuật cao. Nhị Phủ Miếu cũng được coi là một trong những công trình kiến trúc tâm linh cổ có lịch sử lâu đời nhất của người Hoa ở TP.HCM, gắn liền với sự phát triển của lịch sử Sài Gòn - Gia Định.

Và cho đến nay, cư dân người Hoa vùng Chợ Lớn và lân cận coi Nhị Phủ Miếu giống như Thần Tài, nên họ thường tới đây để cầu mua may bán đắt, Trưởng Ban quản trị Hội quán Nhị Phủ Miếu Bành Huy Cường cho biết: hằng năm khách du lịch đến TP.HCM từ các quốc gia trong khu vực châu Á, hầu hết đều đến chiêm bái Nhị Phủ Miếu và cầu xin phúc lộc.

Trong năm Nhị Phủ Miếu có nhiều ngày cúng tế với đông đảo bà con người Hoa, Việt đến chiêm bái. Nhưng rằm tháng Giêng và rằm tháng Tám là ngày sinh và ngày mất của Ông Bổn nên được xem là hai ngày lễ hội được tổ chức lớn nhất trong năm.

Ngoài ra, công tác xã hội từ thiện ở đây cũng được xem là thế mạnh, hằng năm Nhị Phủ Miếu chi trung bình 1,5 tỷ đồng cho quỹ Trường Sa, phòng chống lụt bão, học bổng cho học sinh nghèo, phụng dưỡng 2 bà mẹ VNA, chăm lo cho người cô đơn trên 60 tuổi…

Năm 1998, Nhị Phủ Miếu được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) công nhận di tích văn hóa lịch sử quốc gia.

Theo Cao Phương (toancanhvietnam.vn)

Bạn đang đọc bài viết " Nhị Phủ Miếu gắn liền với lịch sử vùng đất Sài Gòn - Gia Định " tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.