Nhận thức và định hướng về xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực của người Việt Nam

02/10/2021 10:38

Theo dõi trên

Cùng với quá trình đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam đã sớm tiếp nhận lý luận về giá trị, nhận thức ngày càng sâu sắc việc chỉ đạo hình thành, đúc kết, xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng. Điều này đã được thể hiện trong các văn kiện của Đảng từ Đại hội VIII đến nay và một số nghị quyết liên quan trực tiếp đến văn hóa.

van-hoa-dong-son-1630250170-1633145849.jpg

1. Nhận thức về xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị con người Việt Nam

Nhận thức về giá trị và hệ giá trị văn hóa, con người là một quá trình gắn với đổi mới tư duy và tổng kết thực tiễn công cuộc đổi mới đất nước do Đảng lãnh đạo. Sau đổi mới 10 năm (1986 - 1996), kinh tế nước ta có sự bứt phá đạt được kết quả ngoạn mục, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện, mọi người thi đua lao động sản xuất, làm giàu chính đáng, xóa đói giảm nghèo. Đồng hành cùng sự nghiệp đổi mới, văn hóa đã không bắt kịp sự tăng trưởng kinh tế. Và, một nghịch lý là càng đi sâu vào kinh tế thị trường, các hộ dân giàu lên thì trên lĩnh vực văn hóa càng bộc lộ những biểu hiện tiêu cực, lệch chuẩn, cản trở công cuộc đổi mới ở mức độ khác nhau. Đó là biểu hiện của lối tư duy cũ nặng bao cấp, chạy theo cơ chế, tác phong quan liêu, tiểu nông không phù hợp với đời sống công nghiệp, hiện đại đang diễn ra mạnh mẽ trong xã hội. Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, mổ xẻ, phân tích thấu đáo hiện trạng xã hội, Đại hội VIII của Đảng (1996) đã nhận ra vai trò, vị trí quan trọng của văn hóa và đặt ra vấn đề: “Hình thành hệ giá trị và chuẩn mực xã hội mới phù hợp với truyền thống, bản sắc dân tộc và yêu cầu của thời đại” (1). Với quan điểm chỉ đạo này, lần đầu tiên, Đảng ta đề ra nhiệm vụ xây dựng hệ giá trị, đòi hỏi các cấp ủy Đảng, chính quyền và đoàn thể xã hội tăng cường đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực, biến chất, tha hóa, nhũng nhiễu xã hội, cản trở đổi mới; cổ vũ nhân tố tích cực để xây dựng những giá trị và chuẩn mực xã hội mới nhằm phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đáp ứng yêu cầu công cuộc đổi mới.

Hai năm sau, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (1998) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trong đó có quan điểm: “Văn hóa là một mặt trận, xây dựng và phát triển văn hóa là một sự nghiệp cách mạng lâu dài, đòi hỏi phải có ý chí cách mạng và sự kiên trì thận trọng”. Nghị quyết được coi là cương lĩnh văn hóa của Đảng thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; là cơ sở pháp lý để cả hệ thống chính trị triển khai, tổ chức thực hiện, tạo sự chuyển biến tích cực xây dựng đời sống văn hóa, hình thành những giá trị văn hóa mới. Đó là cuộc đấu tranh không khoan nhượng, lấy cái tích cực, đúng đắn, tốt đẹp đẩy lùi cái tiêu cực, sai trái, lạc hậu, giáo điều, máy móc, tạo nên nếp nghĩ, thói quen mới và tình cảm, nhiệt huyết cách mạng để mỗi người đóng góp trí tuệ, công sức vì sự phát triển toàn diện con người và của xã hội. Đây là một mặt trận không tiếng súng, chúng ta phải nhận thức sâu sắc tính phức tạp của nó để không chủ quan, nóng vội, kiên định với mục tiêu đặt ra. Nghị quyết chỉ ra rằng: “Bảo tồn và phát huy những di sản văn hóa tốt đẹp của dân tộc, sáng tạo nên những giá trị văn hóa mới, xã hội chủ nghĩa, làm cho những giá trị ấy thấm sâu vào cuộc sống toàn xã hội và mỗi con người, trở thành tâm lý và tập quán tiến bộ, văn minh là một quá trình cách mạng đầy khó khăn, phức tạp, đòi hỏi nhiều thời gian”.

Tại Đại hội IX (2001), trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2001 – 2010, Đảng ta tiếp tục xác định nhiệm vụ: “Làm cho văn hóa thấm sâu vào từng khu dân cư, từng gia đình, từng người, hoàn thiện hệ giá trị mới của con người Việt Nam, kế thừa các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa của loài người, tăng cường sức đề kháng, chống văn hóa đồi truỵ, độc hại” (2). Như vậy, trong văn kiện Đại hội IX, Đảng ta đã cụ thể hóa “hệ giá trị và chuẩn mực xã hội mới” nêu ở Đại hội VIII trở thành “hệ giá trị mới của con người Việt Nam”; đồng thời nâng mức độ “hình thành hệ giá trị mới” trở thành “hoàn thiện hệ giá trị mới”.

Năm 2004, Đảng ta tiến hành sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về văn hóa, ban hành kết luận Trung ương 10 khóa IX về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII. Kết luận khẳng định: “Các giá trị văn hóa ngày càng thể hiện rõ hơn vai trò tích cực và khả năng tác động mạnh vào các lĩnh vực của đời sống. Những nét mới trong chuẩn mực văn hóa và trong nhân cách con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa từng bước được hình thành”. Điều đó chứng tỏ công tác chỉ đạo, định hướng xây dựng hệ giá trị văn hóa, con người Việt Nam đã đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, trước đòi hỏi của sự nghiệp đổi mới, nhất là việc giữ gìn bản sắc dân tộc trong hội nhập quốc tế và trước sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhân dân, việc xây dựng hệ giá trị văn hóa, con người Việt Nam chưa tạo được chuyển biến rõ rệt và tương xứng với tăng trưởng kinh tế, chưa đủ để tác động có hiệu quả đối với các lĩnh vực của đời sống xã hội. Từ thực tiễn trên, kết luận đề ra mục tiêu: “Trong quá trình mở rộng hội nhập kinh tế quốc tế và giao lưu văn hóa, cùng với việc tập trung xây dựng những giá trị mới của văn hóa Việt Nam đương đại, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo tồn, kế thừa, phát huy các giá trị tốt đẹp của truyền thống văn hóa dân tộc và tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, bắt kịp sự phát triển của thời đại”. Mục tiêu này có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và đưa ra phương pháp tiếp cận xây dựng những giá trị mới của văn hóa Việt Nam, xử lý mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại. Những giá trị mới của văn hóa Việt Nam không phải là đoạn tuyệt với quá khứ của văn hóa dân tộc, càng không phải là chối bỏ không hòa nhập vào dòng chảy của văn minh nhân loại. Xây dựng những giá trị mới của văn hóa Việt Nam phải trên cơ sở của văn hóa dân tộc, làm cho các giá trị tốt đẹp của truyền thống văn hóa dân tộc được bảo tồn và phát huy, đồng thời phải tranh thủ đón nhận tinh hoa văn hóa thế giới phù hợp với bối cảnh, điều kiện cụ thể của đất nước trong mỗi chặng đường phát triển.

Tại Đại hội X (2006), Đảng xác định nhiệm vụ cho cả hệ thống chính trị ở nước ta: “Xây dựng và hoàn thiện giá trị, nhân cách con người Việt Nam, bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế. Bồi dưỡng các giá trị văn hóa trong thanh niên, học sinh, sinh viên, đặc biệt là lý tưởng sống, lối sống, năng lực trí tuệ, đạo đức và bản lĩnh văn hóa con người Việt Nam” (3). Văn kiện đã thể hiện rất rõ tư tưởng chỉ đạo của Đảng về ba vấn đề cốt lõi trong xây dựng hệ giá trị văn hóa, con người Việt Nam. Đó là nhân cách con người, bản sắc văn hóa dân tộc và bồi dưỡng các giá trị văn hóa trong thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước đảm bảo sự thắng lợi của sự nghiệp cách mạng ở nước ta.

Đến năm 2011, Đại hội XI nhấn mạnh nhiệm vụ: “Đúc kết và xây dựng hệ giá trị chung của người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” (4). Như vậy, nhận thức của Đảng về xây dựng hệ giá trị đã có bước tiến mới, từ chỗ hình thành hệ giá trị mới tới hoàn thiện hệ giá trị mới, nay là đúc kết và xây dựng hệ giá trị chung đối với con người Việt Nam. Đúc kết nghĩa là trong thực tiễn xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam đã hiện diện những giá trị của con người Việt Nam, chúng ta phải tổng kết, rút ra những giá trị chung nhất, cần thiết cho mỗi con người Việt Nam để các giá trị ấy thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Năm 2014, sau khi tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về văn hóa, Đảng ta ban hành Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, trong đó có mục tiêu: “Hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam, tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật”. Điểm mới ở mục tiêu này là xác định các chuẩn mực giá trị khi đề cập đến xây dựng các giá trị văn hóa, con người Việt Nam. Bản thân văn hóa cũng như con người vừa là chủ thể sáng tạo vừa là sản phẩm của văn hóa trong đời sống hiện thực có rất nhiều biểu hiện giá trị. Từ luận điểm quan trọng nêu trên, Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI đã định hướng nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện: “Đúc kết và xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” (5).

2. Định hướng về xây dựng các giá trị cốt lõi trong hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam

Hiện nay, các nhà khoa học xã hội và nhân văn đưa ra nhiều khái niệm về thuật ngữ giá trị. Dưới góc nhìn xã hội học, M. Robin – Jr Williams cho rằng: “Một trong những định nghĩa được chấp nhận rộng rãi hơn trong các tài liệu khoa học xã hội là coi những giá trị như những quan niệm về “cái đáng mong muốn” ảnh hưởng tới hành vi lựa chọn… Các giá trị được sử dụng như là những tiêu chuẩn cho sự lựa chọn khi hành động” (6). Trần Ngọc Thêm trong chuyên luận “Hệ giá trị Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại và con đường tới tương lai” định nghĩa: “Giá trị là tính chất của khách thể, được chủ thể đánh giá là tích cực xét trong so sánh với các khách thể khác cùng loại trong một bối cảnh không gian, thời gian cụ thể” (7). Tác giả xem xét các giá trị trong mối quan hệ giữa chúng và định nghĩa: “Hệ giá trị là toàn bộ các giá trị của một khách thể trong một bối cảnh không gian, thời gian xác định cùng với mạng lưới các mối quan hệ của chúng” (8).

Định hướng xây dựng các giá trị cốt lõi trong hệ giá trị văn hóa

Trong các văn kiện của Đảng liên quan đến văn hóa, chưa thấy ở văn kiện nào của Đảng ta chỉ đích danh cái này hay cái kia là giá trị của văn hóa Việt Nam. Nhưng nếu chúng ta thừa nhận giá trị là tiêu chuẩn hướng dẫn hành động, là “tính chất của khách thể” như đã phân tích ở trên thì việc định hướng xây dựng giá trị văn hóa, con người Việt Nam đã được Đảng ta đề cập trong nhiều văn kiện.

Ngay trong thời kỳ Đảng ta chưa giành được chính quyền về tay nhân dân, Tổng Bí thư Trường Chinh đã soạn thảo “Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943”, đề ra 3 nguyên tắc vận động của văn hóa Việt Nam: dân tộc hóa, khoa học hóa, đại chúng hóa. Năm 1951, tại Đại hội II, Đảng ta thông qua “Luận cương cách mạng Việt Nam”, trong đó có nhiệm vụ: “Xây dựng nền văn hóa dân chủ nhân dân Việt Nam có ba tính chất: Dân tộc, Khoa học và Đại chúng”. Có thể khẳng định, ngay tại Đại hội II, Đảng ta đã định hướng xây dựng hệ giá trị văn hóa Việt Nam với ba giá trị cốt lõi: dân tộc, khoa học và đại chúng.

Từ thời kỳ đổi mới (1986) đến nay, chúng ta có thể tìm trong các cương lĩnh, nghị quyết chuyên văn hóa của Đảng để nhận ra sự định hướng về xây dựng hệ giá trị văn hóa. V.I. Lênin đã viết: “Cương lĩnh là một bản tuyên ngôn vắn tắt, rõ ràng, và chính xác nói lên tất cả những điều mà Đảng muốn đạt được và vì mục đích gì mà Đảng đấu tranh” (9). Do đó, trong “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” năm 1991, Đảng ta chủ trương: “Xây dựng nền văn hóa mới, tạo ra một đời sống tinh thần cao đẹp, phong phú và đa dạng, có nội dung nhân đạo, dân chủ, tiến bộ” (10). Như vậy, cương lĩnh năm 1991, Đảng ta đã lựa chọn ba giá trị cốt lõi định hướng xây dựng nội dung của nền văn hóa nước ta là: nhân đạo, dân chủ, tiến bộ.

Tại Đại hội XI (2011), Đảng ta đã ban hành “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011)”, thể hiện chủ trương, quan điểm: “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ” (11). Đoạn văn trên trong cương lĩnh 2011 là một tuyên ngôn rõ ràng về điều mà Đảng ta muốn và quyết tâm chỉ đạo thực hiện là xây dựng nền văn hóa Việt Nam kết tinh những tính chất: tiên tiến, dân tộc, nhân văn, dân chủ, tiến bộ. Đây chính là 5 giá trị cốt lõi của nền văn hóa ở nước ta. Trong đó, giá trị tiên tiến và tiến bộ thực chất có cùng nội dung hàm chứa tính khoa học và bản thân tính khoa học - một giá trị văn hóa được nêu trong Đại hội II, đã hàm nghĩa tiên tiến và tiến bộ.

Năm 2014, Đảng ta tiến hành tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, rà soát lại các quan điểm chỉ đạo về văn hóa và hoàn thiện, bổ sung thành 5 quan điểm nêu trong Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về văn hóa, con người, trong đó có quan điểm: “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với các đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học”.

Chúng tôi cho rằng 4 đặc trưng: dân tộc, nhân văn, dân chủ, khoa học chính là bốn giá trị cốt lõi Đảng ta chỉ đạo, định hướng xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Định hướng xây dựng các giá trị cốt lõi trong hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam

Thế nào là giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế? Đây là câu hỏi đặt ra cho các nhà nghiên cứu mà đến nay chưa có lời giải thỏa đáng. Hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam hôm nay là kế thừa các giá trị truyền thống tốt đẹp của con người và văn hóa Việt Nam trong lịch sử. Đề cập đến vấn đề này, Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về văn hóa (1998) đã luận giải rằng: bản sắc dân tộc bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được vun đắp nên qua lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Nghị quyết cho rằng những giá trị bền vững, những tinh hoa ấy: “Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân – gia đình – làng xã – Tổ quốc; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý; đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống…”. Đó chính là những biểu hiện của giá trị con người Việt Nam trong lịch sử.

Năm 2013, Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về văn hóa đã tổ chức nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo lấy ý kiến của các nhà quản lý, khoa học đóng góp vào dự thảo Nghị quyết về xây dựng và phát triển văn hóa, con người. Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về văn hóa, con người đã có riêng một quan điểm về xây dựng con người: “Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo”. Xây dựng 7 đặc tính của con người Việt Nam: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo, là định hướng của Đảng về xây dựng các giá trị cốt lõi trong hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam.

Định hướng của Đảng về xây dựng những giá trị cốt lõi văn hóa, con người Việt Nam nêu trên là những giá trị đã hình thành và sẽ hình thành mà Đảng ta muốn nó trở thành hiện thực, vững chắc trong đời sống văn hóa, xã hội ở nước ta. Còn hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế có nội hàm rộng hơn. Ngoài những giá trị định hướng nêu trong các văn kiện của Đảng, chúng ta còn phải nghiên cứu, đúc rút, đưa thêm những giá trị văn hóa, con người Việt Nam được hình thành trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc và cả những giá trị đang được hình thành trong cuộc sống đương đại ngày nay. Có như vậy, hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam mới đầy đủ, toàn diện.

1, 2, 3, 10. Phan Ngọc Liên (chủ biên), Biên niên sử các Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2006, tr.680, 899, 973, 562.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.223.

5. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.126, 127.

6. M. Robin, Jr. Williams, Khái niệm giá trị, Tạp chí Xã hội học, số 1 - 1991.

7. Trần Ngọc Thêm, Hệ giá trị Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại và con đường tới tương lai, Nxb Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM, 2016, tr.39.

8. Trần Ngọc Thêm. Ở công trình nghiên cứu này tác giả đưa ra mô hình hệ giá trị định hướng cốt lõi toàn diện của Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế với tổng số là 35 giá trị, 2016, tr.539.

9. V.I. Lênin, Toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.203, 204.

11. Đảng Cộng sản Việt Nam, 2011, tr.75.

Nguồn: Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, tháng 2/2020, tr.10-14

Nguyễn Hữu Thức
Bạn đang đọc bài viết "Nhận thức và định hướng về xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực của người Việt Nam" tại chuyên mục Diễn đàn. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.