Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo tại hiệu đàn mang tên ông ở Cao Lãnh, Đồng Tháp
Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo và GSTS Trần Văn Khê
Ngoài bán, cửa hiệu còn cho khách thuê đàn để tập dợt. Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo cho biết ông muốn tạo mọi điều kiện để các bạn trẻ yêu thích nhạc cụ dân tộc có thể khám phá, học tập, trao đổi kinh nghiệm. Ngoài ra, ông sẵn sàng chia sẻ những bài học từ cơ bản đến nâng cao cho thế hệ trẻ để cùng giữ gìn nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ - bộ môn đã được thế giới vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Các học trò của nhạc sư tại hiệu đàn dân tộc chuẩn bị đi vào hoạt động
Nhìn ngắm hiệu đàn đầy tâm huyết của mình sắp đi vào hoạt động, vị nhạc sư 101 tuổi mang nhiều cảm xúc
Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo là một trong những người tiên phong trong việc dạy đàn cho người nước ngoài qua phương pháp hàm thụ. Từ những năm 1960 đến 2004, ông đã ghi âm tiếng đàn vào băng cassette gửi ra nước ngoài qua đường bưu điện. Sau này, những học trò của ông đã trang bị cho thầy dàn máy vi tính để ông chuyển sang dạy trực tuyến (online) cho học trò nước ngoài. Tới nay dù ở tuổi 101, nhạc sư Vĩnh Bảo vẫn tiếp tục dạy đàn trên mạng.
Ở tuổi 101 nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo vẫn còn dạy đàn qua internet và viết giáo trình giảng dạy đàn tranh
Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo là một trong 5 cá nhân được vinh danh trong lễ trao giải Phan Chu Trinh năm 2015. Sự đóng góp của nhạc sư rất to lớn và chưa có một nghệ nhân nào ở Việt Nam có đủ khả năng để phát huy đờn ca tài tử như ông.
Nói về hiệu đàn sắp khai trương, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo tâm sự: "Làm sao có thể truyền bá đến thế hệ trẻ những kinh nghiệm trong việc học và chơi nhạc cụ dân tộc để nhân rộng hơn những tấm lòng mộ điệu, cùng gìn giữ nâng niu giá trị truyền thống âm nhạc của thế hệ đi trước là mục đích của tôi".
Cách giảng dạy của nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo rất khoa học. Mỗi học trò ông đều có hồ sơ riêng, ông soạn từng giáo trình cho từng người. Tự tay ông đóng đàn cho học trò rồi gửi đi khắp thế giới. "Ông là một trong số những nhạc sư hiếm hoi đã cải tiến thành công nhạc cụ dân tộc và được ứng dụng rộng rãi trong nhân dân. Ông cải tiến đàn tranh từ 16 dây thành đàn tranh 17, 19 và 21 dây với kích thước và âm vực rộng hơn" – Tiến sĩ Lê Hồng Phước nói.
Nhạc sư và con gái - cô Thu Anh tại hiệu đàn mang tên ông
Theo nld.com.vn