Nhà báo, TS. Nhị Lê: Văn hóa ngày càng xứng đáng là tấm căn cước của dân tộc Việt Nam trong hội nhập quốc tế

27/08/2022 20:16

Theo dõi trên

Kỷ niệm Ngày truyền thống của Ngành Văn hóa – Thông tin hàng năm luôn là dịp chúng ta cùng nhìn lại những đóng góp của Ngành cho đất nước, đồng thời bày tỏ niềm tin và khát vọng về sự tiếp nối, trao truyền, phát triển và hội nhập của Văn hóa Việt Nam ra thế giới. Cùng nhìn lại một chặng đường đã qua nhân kỷ niệm 77 năm Ngày truyền thống của Ngành, PV đã có cuộc phỏng vấn với Nhà báo, TS. Nhị Lê – Nguyên Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản.

vn23463463-1661606065.jpg
Nhà báo, TS. Nhị Lê

PV: Thưa TS. Nhị Lê, ngày 28/8/1945 là Ngày truyền thống của Ngành Văn hóa, năm 2022 là chặng đường 77 năm của ngành. Nhìn lại một chặng đường cũng là giai đoạn gắn với nhiều mốc lịch sử quan trọng của đất nước ta, ông có thể cho biết Ngành Văn hóa đã có đóng góp như thế nào cho đất nước trong những năm qua?

TS. Nhị Lê: Ngày truyền thống của Ngành Văn hóa gắn liền với Cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và trước Ngày Quốc khánh – mồng 2 – 9-1945 - của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đây là sự tiếp nối nghìn năm văn hóa của dân tộc, dưới ngọn cờ của Đảng. Văn hóa lập tức trở thành một lĩnh vực rất căn bản kiến tạo nên nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, kiến tạo nên chế độ mới, tiếp tục xứng đáng là ngọn đuốc soi đường cho quốc dân đi như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói.

Từ bấy đến nay, có thể phân kỳ, hình dung những chặng đường lớn của nền văn hóa Việt Nam, dưới ngọn cờ của Đảng, trong lịch sử 77 năm của ngành Văn hóa nước nhà:

Nhìn lại thời kỳ văn hóa mở nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ năm 1945 – 1946.

Văn hóa đi tiền phong với chống giặc đói, giặc ngoại xâm, giặc dốt, đó chính là văn hóa mang sứ mệnh mở đường. Dù chỉ hơn một năm thôi nhưng văn hóa thấm sâu vào tất cả các lĩnh vực đời sống chính trị, kinh tế, xã hội Việt Nam độc lập non trẻ lúc bấy giờ, trong đó văn hóa tham gia vào việc lớn có tính mệnh hệ quốc gia là xóa giặc dốt. Chỉ sau 4 tháng kể từ khi giành độc lập, chúng ta tiến hành cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên trong cả nước vào ngày 6/1/1946 với một thành quả đáng kinh ngạc, với hơn 99 % số cử tri đi bầu cử mà trước đó vài tháng đa phần cử tri là người chưa biết chữ. Văn hóa tham gia vào việc xây dựng chính trị của nước Việt Nam mới - Hiến pháp năm 1946. Văn hóa tham gia vào xây dựng nền văn hóa chính trị của chế độ mới với kỳ vĩ là bản Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước Việt Nam mới. Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu, vì thế, văn hóa tham gia vào việc nâng cao dân trí quốc dân qua phong trào Bình dân học vụ, bổ túc văn hóa, xóa nạn mù chữ cho đồng bào… Đây cũng là thành tựu lớn nhất của văn hóa.

Văn hóa tham gia vào công cuộc xây dựng Đảng rất non trẻ lúc bấy giờ, dù rất ngắn (vì 23/11/1945 Đảng rút vào hoạt động bí mật). Nhưng văn hóa thấm sâu vào trong đời sống của Đảng chống mọi thứ quan liêu, phù hoa xa xỉ, tàn tích phong kiến trong việc xây dựng một đảng kiểu mới.

dnh353-1661606052.jpg

Văn hóa cũng là nền móng để kiến tạo nên tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc lúc bấy giờ vừa để bảo vệ chính quyền non trẻ vừa để xây dựng nước Việt Nam mới.

Đặc biệt ở thời kỳ này là sự tiếp tục phát triển ở tầm mức mới của Đề cương văn hóa năm 1943, càng cho thấy tầm nhìn và tư duy đường lối chính trị của Đảng trên nền tảng văn hóa trong lãnh đạo cách mạng Việt Nam, càng cho thấy văn hóa góp phần kiến tạo chế độ mới, nâng cao dân trí quốc dân to lớn tới thế nào.

Bước sang Thời kỳ từ 1946 – 1954: Văn hóa kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ hai

Thời kỳ này vô cùng rực rỡ. Tất cả các loại hình văn hóa phát triển dù trong sự gập ghềnh của bước "nhận đường", dù văn nghệ sĩ và những người làm công tác văn hóa của chúng ta đảm trách sứ mệnh rất mới mẻ nhưng đã thực sự kiến tạo nên một nền văn hóa kháng chiến vẻ vang. Văn hóa là nền móng tinh thần, là linh hồn và động lực của cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ chống thực dân Pháp.

Văn hóa cũng là một trong 4 bộ phận quan trọng của thời kỳ này tiếp tục nảy nở trên nền móng năm 1945 – 1946 mở nước: Kinh tế, chính trị, văn hóa và ngoại giao được chú ý ngang nhau. Và văn hóa là một trong bốn trụ cột, một trong bốn nhân tố căn bản làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống thực dân Pháp. Đấy là nền văn hóa công, nông, binh, dưới ngọn cờ của Đảng. Văn hóa vừa kháng chiến vừa kiến quốc. Có lẽ hiếm một dân tộc nào, một đất nước nào như dân tộc Việt Nam. Chính vì thế văn hóa không chỉ làm nên nước Việt Nam mới, là một trong bốn nhân tố trong chỉnh thể hữu cơ phát triển quốc gia lúc bấy giờ với nhiệm vụ kép vừa kháng chiến vừa kiến quốc.

Công trình văn hóa lớn nhất là sự phát triển ở tầm vóc mới chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Chính là văn hóa Việt Nam dưới ngọn cờ của Đảng, không ngừng tiếp nối nghìn năm và phát triển rực rỡ thành quả văn hóa của hai năm đầu mở nước 1945 – 1946.

Văn hóa Việt Nam đã góp phần đánh đổ chủ nghĩa thực dân cũ.

Và, dồn tụ, kết tinh rực rỡ thời kỳ 1954 – 1975: Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bảo vệ nền độc lập của dân tộc, thống nhất Tổ quốc

Có thể nói đây là thời kỳ phát triển vô cùng rực rỡ của văn hóa Việt Nam. Nó là sự tiếp nối mạch nguồn của văn hóa Việt Nam dưới ngọn cờ của Đảng kể từ năm 1945, qua 9 năm kháng chiến kiến tạo, phát triển chủ nghĩa yêu nước của Việt Nam. Đây là một nhân tố khiến đế quốc Mỹ không thể hiểu được tại sao người Mỹ thất bại tại Việt Nam, mặc dù sức mạnh về quân sự, sức mạnh về kinh tế Việt Nam kém rất xa Mỹ. Mãi đến sau năm 1975 người Mỹ mới ngộ ra rằng, người Mỹ thua Việt Nam vì sức mạnh văn hóa Việt Nam. Người Mỹ không hiểu được dân tộc Việt Nam. Đó là tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, đó là tinh thần đoàn kết quốc tế… Đây chính là văn hóa. Bản sắc, diện mạo, khí phách, bản lĩnh người Việt Nam là văn hóa Việt Nam mà người Mỹ không hiểu được nên họ đã thua trên chiến trường Việt Nam và chiến trường Đông Dương.

Thời kỳ này cũng là sự phát triển rực rỡ của văn hóa: Chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam – bản sắc và sức mạnh của một nền văn hóa vừa kháng chiến chống Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam vừa xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Nó là sự kết tinh và phát triển tới đỉnh cao của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam – âm hưởng và sức mạnh của nền Văn hóa Việt Nam.

Tất cả các loại hình văn hóa phát triển toàn diện ở thời kỳ này. Đội ngũ những người làm văn hóa không chỉ chuyên nghiệp mà toàn dân làm văn hóa, người người làm văn hóa, từ trường học tới bệnh viện, từ tiền tuyến về hậu phương với Tiếng hát át tiếng bom, Năm xung phong của thanh niên, Ba sẵn sàng của thanh niên, Ba đảm đang của phụ nữ, Hai tốt của học trò, … tất cả cái này đều là văn hóa. Và đến thời kỳ này thực sự văn hóa đã trở thành tấm căn cước vô giá của dân tộc.

Nếu sau cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp chỉ có 2 nước công nhận nhà nước Việt Nam là Trung Quốc và Liên Xô thì giai đoạn này, từ năm 1954- 1975 cả phe XHCN, các quốc gia dân tộc tiến bộ trên toàn cầu đến với Việt Nam, với tinh thần Việt Nam, với tinh thần đoàn kết quốc tế. Việt Nam đã trở thành danh từ chung của toàn thế giới.

Văn hóa đối ngoại Việt Nam tỏa sáng rực rỡ!

Và nghiền ngâm văn hóa thời kỳ từ năm 1975 đến Nay: Thống nhất quốc gia, cả nước chung một nhiệm vụ xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc

Thời kỳ này văn hóa càng xứng đáng trở thành một trong bốn lĩnh vực làm nên nền móng quốc gia, nền móng dân tộc. Đó là sự tiếp nối, phát triển một cách thống nhất nhưng vô cùng đa dạng ở thời kỳ mới – thời kỳ xây dựng CNXH và hội nhập quốc tế. Đặc biệt văn hóa ngày càng xứng đáng là tấm căn cước của dân tộc Việt Nam trong hội nhập quốc tế, khẳng định vị thế sức mạnh, uy tín và danh dự Việt Nam nói chung và con người Việt Nam nói riêng trên trường quốc tế.

Đặc biệt trong 35 năm đổi mới vừa qua, văn hóa thực sự và ngày càng khẳng định là một trong bốn trụ cột kiến tạo quốc gia. Văn hóa xuyên thấm trong tất cả đời sống, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Và ngay trong bốn trụ cột đó thì văn hóa thẩm thấu sâu rộng, sinh động và lấp lánh trong các lĩnh vực đó. Xây dựng kinh tế làm trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội… Văn hóa ngày càng xứng đáng trở thành một nhân tố không thể thiếu trong việc hoạch định đường lối chính trị, khơi dậy sức mạnh toàn dân, cố kết toàn dân tộc, hội nhập đoàn kết quốc tế.

Văn hóa trở thành nét biểu trưng của dân tộc Việt Nam. Nói đến kinh tế thì chúng ta chưa xếp ở vị trí cao, nhưng nhắc đến văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam, nhắc đến danh dự Việt Nam, uy tín Việt Nam thì trong những bước ngoặt càng hiện diện, trong khó khăn càng tỏa sáng. Đội ngũ những người làm văn hóa chuyên nghiệp và không chuyên – tức là toàn dân xây dựng văn hóa, để ngày càng xứng đáng là dân tộc văn hiến, xứng đáng là dân tộc văn hóa. Hiếm có quốc gia, dân tộc nào trên thế giới có đặc điểm như Việt Nam. Nhắc đến Nhật là kinh tế Nhật, nhắc đến Mỹ là kinh tế Mỹ. Trên thế giới chỉ có vài ba quốc gia – dân tộc trong đó có Việt Nam. Bởi, với Việt Nam văn hóa là bản sắc, là gương mặt, là tấm căn cước của dân tộc Việt Nam.

Trên nền móng mấy nghìn văn phát triển dân tộc, văn hóa Việt Nam 77 năm qua dưới ngọn cờ của Đảng thực sự xứng đáng là sự tiếp nối, phát triển tầm cao mới, khẳng định vị thế uy tín sức mạnh của dân tộc Việt Nam, danh dự của người Việt Nam. Văn hóa là một trong những giềng mối căn bản để chúng ta xây dựng một nước Việt Nam hùng cường sánh vai các cường quốc trên thế giới. Trong đó, Ngành Văn hóa là giềng mối, là chủ chốt, ở đó tập hợp những nhà văn hóa lớn, đội ngũ những người làm văn hóa và dân tộc Việt Nam văn hóa để kiến tạo nên đất nước Việt Nam văn hóa và hùng cường.

C. Mác nói: Chủ nghĩa Cộng sản chính là Chủ nghĩa nhân đạo hoàn bị, tức là văn hóa, nấc thang cao nhất của sự phát triển của loài người. Nếu hiểu theo nghĩa Mác thì, Văn hóa chính là Chủ nghĩa xã hội Việt Nam. Văn hóa còn thì dân tộc còn, thì chủ nghĩa xã hội Việt Nam còn. Đó cốt cách văn hóa Việt Nam và văn hóa trường tồn và phát triển cùng dân tộc, cùng thời đại.

ddh2534563-1661606128.jpg
Không thể hình dung được, nếu chúng ta không có một nền văn hóa như chúng ta đã và đang có thì chúng ta không có một quốc gia - dân tộc Việt Nam như hiện nay - Nhà báo - TS. Nhị Lê cho biết

PV: Nhìn lại một chặng đường văn hóa trong 77 năm qua văn hóa đã có những đóng góp to lớn trong công cuộc đấu tranh, giữ gìn, bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Vậy theo ông, những đóng góp của Văn hóa trước đấy có ý nghĩa như thế nào?

TS Nhị Lê: Trên thế giới từ xưa tới nay, không có một dân tộc nào sau 1000 năm lệ thuộc mà dân tộc đó vẫn còn cả. Thậm chí chỉ vài ba trăm năm là họ bị đồng hóa bởi văn hóa ngoại xâm.

Nhưng dân tộc Việt Nam từ đất nước Văn Lang xuyên suốt tận Đại Việt kể hơn 1.000 năm, vẫn không thể bị đồng hóa. Sức sống bất diệt của dân tộc Việt Nam tất cả là ở Viên linh đơn Văn hóa Việt Nam. Chính nhờ văn hóa còn thì dân tộc còn và đất nước Việt Nam còn. Đó là sức sống kỳ diệu của văn hóa Việt Nam.

Từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 22, văn hóa Việt Nam đi qua 13 cuộc chiến tranh lớn chống ngoại xâm, kẻ thù đến từ tất cả các châu lục từ châu Á, châu Âu đến châu Mỹ, văn hóa càng tỏa sáng và chúng ta càng thấy văn hóa đã giữ gìn, bảo tồn và phát triển dân tộc Việt Nam như thế nào. Chúng ta còn, chúng ta phát triển được cho tới hôm nay là bắt đầu từ văn hóa, nhờ văn hóa và tới lượt mình, dân tộc không ngừng sáng tạo văn hóa Việt Nam.

Không thể hình dung được, nếu chúng ta không có một nền văn hóa như chúng ta đã và đang có thì chúng ta không có một quốc gia – dân tộc Việt Nam như hiện nay.

PV: Văn hóa gắn liền với sự ra đời cũng như trường tồn của dân tộc Việt Nam. Nói như vậy để thấy văn hóa đã có từ rất lâu và 77 năm chỉ là một mốc nhỏ trong hành trình ấy. Vậy là một người có nhiều tâm huyết dành cho văn hóa, cho đất nước, TS. Nhị Lê có kỳ vọng gì ở Ngành Văn hóa trong những chặng đường phía trước của Ngành Văn hóa?

TS. Nhị Lê: Điều cấp bách lớn nhất hiện nay, nhìn suốt 77 năm, đặc biệt 35 năm đổi mới, nhiệm vụ trung tâm sắp tới, thực hiện mục tiêu Việt Nam hùng cường, chúng ta rất cần kiến tạo, phát triển triết lý của một nền văn hóa phát triển mạnh mẽ và bền vững, đưa đất nước bước tới hùng cường.

Triết lý đó bắt đầu từ chỉnh đốn lại tư duy, tiếp tục đổi mới tư duy về văn hóa. Cần phải thấu triệt rằng, văn hóa là toàn bộ cuộc sống xã hội của chúng ta, là định hướng phát triển xã hội của chúng ta, là động lực phát triển văn hóa của chúng ta ở một trình độ mới. Xét cho cùng cũng là mục tiêu phát triển dân tộc chúng ta. Bởi như Mác nói chủ nghĩa cộng sản chính là chủ nghĩa nhân đạo hoàn bị, tức là văn hóa.

dh12535353-1661606173.jpg

Chúng ta bắt đầu từ văn hóa đi xuyên qua kinh tế thị trường đến văn hóa ở một tầm mức cao hơn. Tôi cho rằng, dân tộc Việt Nam phải bắt đầu đi từ văn hóa, không phải chỉ đi từ kinh tế. Kinh tế thị trường là công cụ. Nhà nước pháp quyền XHCN là công cụ của Nhân dân để đi đến văn hóa cao hơn là Chủ nghĩa Xã hội. Tư duy về văn hóa có lẽ nên hiểu như thế, chứ không phải ở lĩnh vực này hay lĩnh vực khác, cố nhiên rất quan trọng. Chúng ta lấy văn hóa để phát triển kinh tế, phát triển chính trị.... Vì tư duy, quyết sách chính trị hay kinh tế chính là văn hóa. Đường lối chính trị chính là văn hóa. Kinh tế là văn hóa. Bao trùm hết thảy, Chủ nghĩa Xã hội là văn hóa. Văn hóa ở đây nó bao hàm nghĩa rộng như vậy, bao hàm cả văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể. Văn hóa là cái gì rất khó nắm bắt nhưng là hiện hữu trong đời sống xã hội hàng ngày. Bởi lịch sử mà không có triết học thì là lịch sử mù quáng. Còn triết học mà không có lịch sử thì chỉ là thứ triết học trống rỗng.

Về tổ chức, hành động, văn hóa phải thực sự trở thành rường cột, linh hồn trong toàn bộ sự phát triển của đất nước từ chính trị, kinh tế, xã hội tới ngoại giao, quốc phòng, an ninh, môi trường. Tôi hình dung thấy và cam kết rằng, nếu xây dựng và phát triển đất nước hiện nay mà thiếu văn hóa, chắc chắn chúng ta sẽ thất bại không thể cứu vãn được.

Đối với những người làm văn hóa, đặc biệt trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, văn hóa phải trở thành kinh tế, văn hóa phải trở thành chính trị, văn hóa phải trở thành triết lý giữ nước, triết lý sức mạnh dân tộc phát triển đất nước hùng cường.

Càng hội nhập càng phải độc lập, trong đó độc lập văn hóa hết sức quan trọng, hết sức căn bản. Có độc lập mới thực sự hội nhập đúng và hiệu quả, mới chủ động tiếp thu và đủ sức thâu hóa tinh hoa văn hóa nhân loại để làm giàu cho văn hóa chính mình. Một dân tộc đánh mất văn hóa của mình thì không còn dân tộc nữa. Một con người đánh mất quê hương của mình không còn con người nguyên vẹn nữa. Cho nên dân tộc muốn đi xa cùng các dân tộc tiến bộ khác trên thế giới thì hãy bắt đầu phải đứng vững đôi chân trên nền tảng văn hóa của chính mình trong văn hóa nhân loại.

Những người làm công tác văn hóa tiếp tục gánh vác sứ mệnh dân tộc giao phó và chiêm nghiệm điều đó. Trên nền móng văn hóa dân tộc Việt Nam, toàn dân tộc đứng vững trên đó để phát triển không ngừng nền văn hóa Việt Nam, của Việt Nam, bản sắc Việt Nam, không thể trộn lẫn.

Nếu ở góc độ kinh tế, chỉ vài chục năm thôi đã trở thành một cường quốc về kinh tế. Nhưng để trở thành một cường quốc văn hóa phải cần đến hàng nghìn năm.

Và, chúng ta đã có hàng nghìn năm văn hóa cùng lịch sử nhân loại thì hơn lúc nào hết, văn hóa của thời kỳ mới phải thực sự xứng đáng là sự tiếp nối và phát triển ở tầm cao mới góp phần kiến tạo nên địa vị, sức mạnh và uy tín của dân tộc Việt Nam. Đến lượt mình, mỗi người là một nhân cách văn hóa, nghĩa là sống và hành động có nhiều tính người hơn: Nhân văn, lễ nghĩa, liêm sỉ, hòa mực, thủy chung. Nếu không thì rất khó là một nhân cách văn hóa và rốt cuộc sẽ không có gì cả

Vì, ở trên đời, nếu thất bại về pháp lý thì có thể còn sửa chữa được nhưng một khi nhận cái chết về đạo lý, tức là chết về nhân cách văn hóa, thì con người ta ắt không còn chốn để nương thân.

Xin cảm ơn ông!

Theo bvhttdl.gov.vn
Bạn đang đọc bài viết "Nhà báo, TS. Nhị Lê: Văn hóa ngày càng xứng đáng là tấm căn cước của dân tộc Việt Nam trong hội nhập quốc tế" tại chuyên mục Diễn đàn. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.