Nguyễn Phan Chánh: Tranh lụa và hồn quê...

04/05/2019 15:05

Theo dõi trên

Con sông Tân Giang (sông Cụt) phía Nam thành phố Hà Tĩnh mềm mại như một dải lụa uốn lượn có những chiếc cầu vồng bắc qua như những chiếc nơ thắt thật duyên dáng. Con đường chạy dọc sông được mang tên danh họa vẽ lụa là đường Nguyễn Phan Chánh.

Và trên con đường này có một địa chỉ văn hóa từ lâu đã quen thuộc với giới văn nghệ sỹ, đặc biệt là giới mỹ thuật cả nước, đó là nhà lưu niệm Nguyễn Phan Chánh được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa của tỉnh Hà Tĩnh. Ngôi nhà và khu vườn này ngày trước được gọi là “Ðào Mai Trang” hồi họa sĩ và gia đình ở đây. Ðó là ngôi nhà ngói ba gian, gian giữa là bàn thờ có bức tượng bán thân của Nguyễn Phan Chánh. Hai phòng bên là trưng bày những hiện vật của ông như một bảo tàng thu nhỏ...
 


Bức tranh Chơi ô ăn quan của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh.
 
Trong ký ức của nhà văn Nguyệt Tú (con gái đầu của họa sỹ), dựng ngôi nhà này Nguyễn Phan Chánh đã tiêu hết số tiền bán tranh ở Pháp. Nhiều lần bà Nguyệt Tú nghe mẹ nói cha để dành tiền tậu ít ruộng nuôi con nhưng ông dùng cả mấy nghìn đồng Đông Dương vào việc lập vườn “Đào Mai Trang” thỏa mơ ước của mình. Trong vườn ông trồng rất nhiều hoa đào và mai. Ông mua về toàn những cây to phải bốn người khiêng mới xuể. Tết đến, hoa đào đỏ, hoa mai trắng nở rộ khắp vườn. Chính ở khu vườn nhà này đã tạo cảm hứng và chất liệu cho ông để vẽ những bức tranh: “Cô gái bên cành đào”, “Cô gái dưới giàn hoa thiên lý ” được trưng bày trong cuộc triển lãm năm 1938.
 
Tôi có dịp gặp nhà văn Nguyệt Tú cách đây hơn 20 năm cùng dự một trại viết văn ở Nhà sáng tác Đại Lải. Hồi đó bà đã 70 tuổi nhưng vẫn còn nhanh nhẹn, hoạt bát và giàu nội lực khi viết những cuốn sách hồi ký. Trong đó có cuốn về “Chuyện tình của các chính khách” bởi bà vốn là vợ của Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Đạo. Đặc biệt là những trang hồi ức của bà về họa sĩ Nguyễn Phan Chánh. Tôi có lần hỏi bà: Món tiền để tậu “Đào Mai Trang” là tiền bán bức tranh nào? Bà bảo: Đó là bốn bức tranh, trong đó nổi tiếng là bức “Chơi ô ăn quan”. Mẫu tranh là các em khoảng 13, 14 tuổi. Các em chít khăn mỏ quạ, quần áo nâu sồng, vốn là trang phục đặc sắc của nông thôn Việt Nam ngày ấy.

Trong hồi ký của mình danh họa Nguyễn Phan Chánh nhớ lại: “Một lần tôi thấy các em ngồi đánh ô ăn quan, tôi tò mò đứng xem và lấy phác thảo. Tôi vào nhờ bà mẹ nói với cô con gái nho nhỏ, xinh xinh ngồi cho tôi làm mẫu. Bố trí các em gái này ngồi chơi là vấn đề bố cục, ít nhất phải có 4 người. Nhưng bốn người này hai phe. Tôi đặt một cô bé khoảng chừng hơn mười tuổi ngồi một phía, còn ba cô ngồi ở phía bên kia. Bố trí lệch như thế mới phải, không để mỗi bên hai cô trải ra bố cục rời rạc. Làm thế nào để cho bốn cô tập trung vào ô quan khi chơi. Tôi cho cô nhỏ nhất đánh đầu tiên”. Cho đến nay bức tranh lụa “Chơi ô ăn quan” vẫn nổi tiếng nhất và trở thành một mẫu mực trong sáng tạo nghệ thuật. Trên bức tranh này có ghi bốn câu thơ chữ Hán vì ông vốn xuất thân từ Nho học. Các tranh thường có những câu thơ chữ Hán đề ở góc vì thế khó ai có thể sao chép. Chính những câu thơ xuất thần này để nói về tâm trạng mà tranh chưa tải hết được. Đó cũng là nét độc đáo của thi - tranh thật thi vị của Nguyễn Phan Chánh. Tìm hiểu kỹ hơn, thời niên thiếu ông được gia đình cho theo học chữ Nho và nghệ thuật thư pháp. Hơn mười tuổi, cậu bé Chánh đã nổi tiếng khắp vùng là người hay chữ và viết chữ Thảo đẹp. Năm mười bốn tuổi, đã kiếm được đồng tiền đầu tiên phụ giúp gia đình nhờ việc viết chữ, vẽ tranh thờ và tranh cuộn bán tại các phiên chợ quê. Hình ảnh về miền quê nghèo và cuộc sống nông thôn Việt Nam in dấu trong tâm trí của họa sĩ để rồi sau này trở thành một ‘‘nỗi ám ảnh nghệ thuật” in dấu trong tất cả sáng tác của ông.
 
Hồn quê không chỉ thấm đẫm trong tranh lụa mà “chất quê” còn ngấm vào trong phong cách sống đời thường giản dị của Nguyễn Phan Chánh. Khi trúng tuyển vào Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ông đã ngoài 30 tuổi, “cứng tuổi” hơn bạn bè cùng lớp và cũng đã vợ con đuề huề. Từ Hà Tĩnh lặn lội ra Hà Nội học, ông mang theo trọn vẹn chất quê mùa cùng những thói quen đặc biệt của mình, khiến cho bạn bè, hầu hết là “con nhà quan” vừa buồn cười vừa tức mắt.

Đặc biệt, đi đâu Nguyễn Phan Chánh cũng “kè kè” cái ô nhỏ. Đến thầy Hiệu trưởng Victor Tardieu còn thấy khó chịu về chàng sinh viên ngồi trong lớp mà vẫn giữ khư khư cái ô bên cạnh. Không biết bao nhiêu lần thầy rời bục giảng xuống “tịch thu” cái ô đem treo ở chân giá bày mẫu vật. Trò Chánh lập tức lon ton chạy lên lấy lại ô mang về để cạnh mình như cũ. Và thầy trò cứ tái diễn hành động ấy cho đến khi hiệu trưởng tức điên giơ hai tay đầu hàng: “Thôi, tôi thua anh rồi”. Nhưng trong cuộc đời Nguyễn Phan Chánh biết ơn vị thầy giáo đó đã phát hiện và bồi dưỡng ông thành danh họa vẽ tranh lụa nổi tiếng. Vốn là một nhà Hán học rất giỏi chữ Nho và thư pháp, đôi tay chỉ quen cầm bút lông, ông gặp nhiều khó khăn khi tiếp thu tinh hoa mỹ thuật châu Âu. Ông vẽ sơn dầu rất xấu, không ra mảng khối. Thầy Victor Tardieu vẫn kiên trì nhìn ra tài năng hội họa ẩn giấu đâu đó bên trong dáng vẻ quê mùa cùng đôi bàn tay không thể cầm bút vẽ sơn dầu. Trong một dịp sang đất Vân Nam (Trung Quốc), hiệu trưởng bắt gặp những bức tranh thời Đường, Tống phác họa phong cảnh. Ông bất chợt lóe lên ý nghĩ biết đâu Nguyễn Phan Chánh hợp chất liệu lụa! Ông liền mua một bức tranh “gốc” cùng một xấp lụa Vân Nam mang về đưa cho và bảo: “Chánh, con có thể vẽ lụa xem”. Kết quả thật đáng kinh ngạc. Gặp được lụa ông như “cá gặp nước”, say sưa vẽ bằng mực nho và nước. Với lụa ông được thỏa sức bay bổng sáng tạo. Và một trong những sáng tạo “đắt” nhất của ông là phương pháp “rửa’’ lụa, giúp mặt tranh trở nên thanh sạch, mịn màng.

Vui chuyện tôi hỏi nhà văn Nguyệt Tú: Trong đời, danh họa có cái ô nào không? Không đâu! Ông cụ gàn lắm, gàn theo kiểu đồ Nghệ, cương trực và khảng khái không ai bắt ép được và cũng không bao giờ chịu luồn cúi ai. Bà còn nhớ một buổi trưa đang ngồi chơi ngoài sân thì thấy ông về từ xe tay bước xuống. Hôm đó, ông đi dạy về trễ hơn thường lệ. Nhìn sắc mặt có vẻ bực bội, ông nói to: “bể niêu rồi (vỡ nồi rồi) mẹ con đưa nhau về Hà Tĩnh thôi”. Thì ra bức tranh lụa “Hai chị em” của ông bày ở triển lãm đã có người mua. Ông Tổng giám thị người Pháp rất thích bức tranh đó. Ông đòi vẽ lại bán cho ông ta. Nguyễn Phan Chánh trả lời là: Tôi họa sĩ chứ không phải là thợ chụp ảnh. Ngài có thể chọn bất cứ bức tranh nào trong số tranh tôi bán. Tôi không vẽ lại tranh ấy.

Thế nhưng, ông lại rất vị tha qua câu chuyện nhà văn Nguyệt Tú kể: Buổi sáng sau sự kiện “bể niêu” gia đình dọn hành lý chuẩn bị về Hà Tĩnh thì có một đôi vợ chồng người Pháp đến mua tranh. Chồng chọn bức tranh ưng ý trong số tranh cũ, người vợ tỏ ra cũng thích. Khi bức tranh “Cô gái nhảy dây” mở ra, người vợ nhìn mãi cô thiếu nữ tươi tắn đang nhảy trong những vòng dây quay sinh động. Tà áo dài trắng của cô bay lên. Sợi dây không rõ nét nhưng dường như đang điều khiển cả thân hình duyên dáng và vẻ đẹp tinh nghịch của cô gái. Người chồng trả tiền cho bức tranh của mình, không nói gì về bức “Cô gái nhảy dây”. Nhìn mắt thiếu phụ Pháp tha thiết lặng ngắm bức tranh họa sĩ không giấu được vẻ xúc động. Ông biết quyền mua tranh là của người chồng. Bất ngờ Nguyễn Phan Chánh sẽ sàng cuốn bức tranh lại và hỏi: - Bà thích bức tranh này không? Đôi má bà khách hơi ửng đỏ lúng túng: - Vâng tôi thích lắm! Họa sĩ liền trao cho bà bức tranh và nói bằng tiếng Pháp: - Tôi xin tặng bà bức tranh này. Thiếu phụ sững sờ, nét mặt xúc động thốt: - Rất cám ơn ngài!...
 
Mới đây, tôi có gặp họa sĩ Trần Khánh Chương - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cùng quê Hà Tĩnh. Ông Chương cũng có vẽ lụa và rất tâm đắc với mảng vẽ lụa của Nguyễn Phan Chánh. Ông bảo: Cụ Chánh lấy bút hiệu Hồng Nam (có nghĩa là phía nam núi Hồng Lĩnh). Có thể nói giai đoạn 1925-1945 là thời kỳ cụ Chánh sáng tác say mê tranh lụa, thể hiện cuộc sống bình dị của người nông dân ở nông thôn Việt Nam. Đặc biệt là những phụ nữ, trẻ em - những con người chân chất, lam lũ nhưng luôn yêu cuộc sống. Các tranh lụa với lối thể hiện nhẹ nhàng, những mảng lớn và màu sắc hết sức đơn giản, trầm ấm như đen, nâu... và rất truyền cảm. Sáng tác cuối đời của họa sĩ là những bức tranh lụa lấy từ đề tài văn học dân gian như: “Tiên Dung tắm”, “Tiên Dung và Chử Đồng Tử”, sau cùng là “Kiều tắm”. Bức tranh ông vẽ ở gần tuổi 90 là “Thạch Sanh cứu công chúa”.
 
Màu quê, hồn quê và hồn lụa đậm dáng hình quê hương trong tranh Nguyễn Phan Chánh bắt đầu từ khu vườn nhà “Đào Mai Trang” thuở ấy...
 
Nguyễn Ngọc Phú
Theo Lâm Đồng

Bạn đang đọc bài viết "Nguyễn Phan Chánh: Tranh lụa và hồn quê..." tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.