Người “lái đò” trọn đạo

21/12/2016 09:52

Theo dõi trên

Lớp học tình thương vang xa tiếng đánh vần ê a của bọn trẻ hoà cùng tiếng gõ nhịp thước của một cô giáo già. Ngoài hành lang nhìn vào, hình ảnh đầu tiên bắt gặp là dáng vẻ của cô giáo đứng lớp với đôi vai nhỏ, mái tóc đã hoa râm. Giọng cô ấm áp, đôi tay có lúc hơi run nhưng khi cô viết chữ lên bảng thì lại rất đẹp và rõ nét.

Cô đón tiếp tôi với nụ cười hiền hậu: “Em đợi cô chút, 30 phút nữa lớp học mới kết thúc”. Quan sát lớp học, tôi bị cuốn hút, hấp dẫn bởi cách cô dạy, thỉnh thoảng, cô cho lớp đọc 1 bài thơ hay kể cho bọn trẻ nghe 1 câu chuyện ngắn. Cứ thế lớp học của cô lúc im lặng, đôi khi nhộn nhịp cho đến hết giờ.



Cô Thêu nguyện lòng gắn bó với học trò nghèo.

Ít có ai biết tên thật của cô giáo ấy là Lê Thị Thêu, người ta chỉ nghe bọn trẻ thường gọi là “Bà cô”. Cô là một cô giáo dạy ở lớp học tình thương Phường 6, TP Cà Mau. Cô Thêu kể, sinh ra và lớn lên tại Cà Mau, cô đã từng đi khắp nơi từ Sài Gòn, Cần Thơ, Bến Tre để dạy học; nhưng sau năm 1975, cô quyết định về lại mảnh đất chôn nhau cắt rốn và tiếp tục nghề gõ đầu trẻ.

Sắp xếp lại mấy quyển tập, cô Thêu kể tiếp: “Năm 14 tuổi, tôi đi tu và được học tập trong nhà dòng. Khi ra trường, năm 27 tuổi, là lúc bắt đầu gắn bó với nhiều lớp học, từ mẫu giáo đến cấp 2”.

Ðược sự giúp sức của vị cha xứ trong Nhà thờ Bảo Lộc, Phường 6, mà cô đã có được lớp học tình thương. Cô Thêu nhớ lại: “Lớp học đầu tiên được mở ở Cống Ðôi, Phường 6, chừng 20 đứa theo học, hồi đó mượn nhà dân để dạy nên lụp xụp lắm, dạy được 2 năm thì chuyển 2 chỗ nữa, cũng trong Phường 6, rồi cha xứ cất nhà tại chỗ này và tôi dạy cho đến bây giờ”.

Không gia đình, con cháu, cô Thêu sống trong một ngôi nhà nhỏ ở Phường 6 và nhờ vào tiền hỗ trợ từ nhà thờ. Gắn bó vì tình yêu trẻ, thương cái cảnh không biết chữ của các em mà hơn 80 tuổi rồi cô vẫn miệt mài với lớp học tình thương. Hằng ngày, cứ tầm hơn 7 giờ sáng là cô có mặt tại lớp học để bắt đầu rèn chữ cho học trò nghèo khó, đáng thương.

Lớp học khoảng 30 người, dạy kiến thức lớp 1 nhưng đủ mọi lứa tuổi theo học, có người đã hơn 40 tuổi, mỗi người là một hoàn cảnh khác nhau nhưng chung quy lại là gia đình nghèo khó, không điều kiện học hành. Có em cha mẹ mất hết, phải sống với ông bà ngoại. Có em cha đi tù, mẹ thì bệnh tâm thần. Có em cả cha mẹ đều bị bệnh thận… Thấu hiểu hoàn cảnh của các em, cô Thêu mong muốn tìm cho bọn trẻ một niềm vui ngay trên những nghiệt ngã của cuộc đời.

Ánh mắt nhìn xa, cô tư lự: “Tôi thương bọn trẻ, tụi nó nghèo nhưng rất chịu khó học. Nhưng tôi giờ lớn tuổi rồi không biết chết lúc nào, chỉ lo cho bọn trẻ không biết chữ, khổ lắm”. Cuộc đời của cô không có gì vướng bận, chỉ thui thủi một mình, sống với niềm vui lớn nhất trong cái tuổi xế chiều là được dạy cho bọn trẻ biết cái chữ, biết đạo đức, biết sống như thế nào là có ích.

Cô bộc bạch: “Mỗi ngày học tôi luôn tạo niềm vui cho các em, lúc thì học bài, khi thì tập hát, tập múa để giờ học không nhàm chán mà các em cũng vui vẻ hơn. Tặng 1 cục kẹo khi trả bài thuộc cũng là cách khuyến khích tinh thần của các em”. Chính tình yêu thương trẻ mà “Bà cô” đã thu hút được nhiều học trò nghèo đến với lớp học tình thương.

Ngót gần 13 năm gắn bó với nhiều lớp học tình thương tại Cà Mau, trải qua nhiều khó khăn, vất vả, nhưng đối với cô, được dạy chữ cho trẻ em nghèo, không điều kiện học tập là niềm hạnh phúc trong cuộc đời mình. Cô Thêu trải lòng: “Mỗi sáng tôi mang theo 2 ổ bánh mì để cho bọn trẻ ăn. Ðói thì làm sao học được, dù ít ỏi nhưng thấy tụi nó được no bụng là vui rồi. Tuổi tôi đã cao nhưng ít đau bệnh, vì vậy mới có thể dạy chữ cho bọn trẻ tới bây giờ”.

Không cần ai biết đến, không cần người ca ngợi, cô giáo Lê Thị Thêu cứ âm thầm lặng lẽ làm đẹp cho đời, bởi những thầm lặng của cô đã đem đến nhiều niềm hy vọng, tia sáng cho trẻ em nghèo.

Nắng đã lên cao, tia nắng ấy sẽ làm ấm lòng người lái đò, như lời cô nói: “Hễ được đi dạy là trong người khoẻ re hà”./.

(Theo baocamau.com.vn)

My Lê
Bạn đang đọc bài viết "Người “lái đò” trọn đạo" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.