Người Hrê đưa “khóc trâu” chạy tour du lịch

06/09/2017 14:54

Theo dõi trên

Dưới chân đèo Viôlắc ở độ cao 1.000m so với mực nước biển, không khí trong lành, những bản làng dần hiện ra cả vùng đồi núi bao bọc quanh rừng thông cổ thụ, nơi ấy là huyện Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi)...

Du khách ở phương xa đến với vùng cao Ba Tơ tỉnh Quảng Ngãi để thăm Bảo tàng Khởi nghĩa Ba Tơ và nghe kể chuyện về Khởi nghĩa Ba Tơ tháng 3/1945 (trước cả cách mạng tháng 8) cùng hòa mình với làn điệu dân ca, cồng chiêng. Nhưng người H’re ở đây còn níu giữ chân khách bằng cách… khóc. 
 


Nghệ nhân dệt thổ cẩm dưới nhà sàn

Làm du lịch bằng cách… khóc

Buổi sáng tinh sương, cụ Thâm Thị Hết (xã Ba Vì, huyện Ba Tơ) nhấp ngụm nước suối trong lành và chuẩn bị ngâm nga để luyện giọng khóc. Ở những căn nhà bên cạnh, đám thanh niên trai trẻ mở nhạc trẻ xập xình rồi vào núi làm nương phát rẫy. Còn cụ Hết, tóc đã điểm bạc, cụ cẩn thận mặc bộ trang phục màu đen có những viền dệt màu đỏ xanh nổi bật, đeo trang sức ở cổ, trên đầu quấn chiếc khăn màu xanh truyền thống, thì mang giọng khóc của mình đi ngược xuống thị trấn Ba Tơ, vào Bảo tàng chờ khách du lịch đến để biểu diễn tiết mục truyền thống của đồng bào. Tiết mục này mới nghe qua là khách phương xa tò mò, vì mang tên là “Khóc trâu”.

Ở một số vùng miền vẫn tồn tại nghề khóc mướn và được liệt vào một trong những nghề buồn tủi nhất trên nhân gian. Đó là đến đám tang khóc để cho thêm phần xót thương với người ra đi. Nhưng ở Ba Tơ thì khóc đây lại là khóc con trâu mới là chuyện lạ.

Tại bảo tàng Ba Tơ, khi khách du lịch ít ỏi đặt chân lên vùng cao và ráo mồ hôi thì bắt đầu nghe làn điệu khóc của cụ Hết: “Ơi… ơi hỡi trâu ơi! Thương mày quá trâu ơi… Hôm nay mày đi nhé trâu, hôm nay mày ngã xuống nhé trâu. Cả đời mày đã cơ cực cho con người… mày đừng khóc… mày đi thanh thảnh nhé!”. 

Khách thăm quan hỏi, “ơ hay, can cớ chi mà phải than khóc con trâu đã lăn ra chết?”, thì được cụ Hết giải thích rằng: Theo quan niệm của đồng bào Hrê, con trâu đã cống hiến cày bừa cho con người. Khi chết thì con trâu cũng hiến tế cho con người. Người chết dưới suối vàng có trâu cày bừa và bầu bạn. Trâu chết, người Hrê thấy trâu chảy nước mắt nên khóc thương và hát bài “Khóc trâu” thay cho lời tiễn biệt. 

“Khóc trâu” trong tiếng Hrê là “H’moi Kpồ”. Những người già hiện nay vẫn còn lưu giữ được bài khóc, nhưng thanh niên trai trẻ thì mai một dần đi. Ở các bản làng, nhà nào khá thì cúng hiến 2 - 3 con trâu, còn ít nhất thì cũng được 1 con để tế người chết. Và việc đâm trâu được thực hiện khi nắng chiều đã ngả xuống. Xây dựng đời sống văn hóa, người dân đã làm theo chủ trương là giết ít trâu để không ảnh hưởng đến đời sống kinh tế của các gia đình.

Khóc trâu là một điểm nhấn trong việc tổ chức các hoạt động du lịch tại Bảo tàng khởi nghĩa Ba Tơ. Sau khi xong tiết mục “Khóc trâu”, cụ Hết ngồi lại ở sân vườn cùng khách uống rượu cần. Trong khi đó tại điểm biểu diễn, 5 chàng trai cầm chiêng, trống xếp đều dưới sân vườn trình diễn điệu cồng chiêng, những cô gái hòa lẫn điệu nhạc từ các nhạc cụ cồng chiêng, đàn Broóc, đàn Môi, đàn Vinh Vút, sáo… Rồi những cô gái trông tuổi đôi mươi xúng xính trong bộ áo mới diễn những điệu múa túc chinh cùng các nghệ nhân cồng chiêng. Cái vùng đất Ba Tơ khí hậu trong lành ấy sinh ra những cô gái bản xứ khi nào cũng da trắng, tóc dài, đôi mắt lúng liếng diễm tình. 

Bắt đầu từ năm 2016, khi Bảo tàng “khởi động” chương trình, các đội nghệ nhân đã đăng ký tham gia với mong muốn bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa. Đã có 30 “nghệ nhân” tham gia chia làm 3 đội, đội dệt thổ cẩm, đội cồng chiêng, đội hát tập trung dưới nhà sàn làm du lịch, người Hrê đã tham gia “chạy tour” du lịch. 
 


Điệu múa hát cồng chiêng trình diễn cho du khách



Đội hình du lịch để lại nhiều ấn tượng với du khách.

Người Hrê “chạy tour”

Cụ Hết đến từ xã Ba Vì (huyện Ba Tơ), cách huyện đến hơn 20km, cụ bảo rằng, con cháu cần lo chuyện nương rẫy, nhà cụ năm nay vừa làm mì, trồng keo, lúa rẫy, nên cụ tự đi xe buýt xuống. Sau khi hát xong điệu “Khóc trâu”, cụ lại nhờ các cô hướng dẫn viên đưa ra đón xe buýt đưa về, nhưng cứ có tour kêu là cụ lại lúi cúi tay xách nách mang đến Bảo tàng trình diễn. Ở không gian Bảo tàng Khởi nghĩa Ba Tơ, một sắc màu văn hóa thu nhỏ ngay dưới chân Bảo tàng nhiều năm nay là công việc của những người say mê văn hóa Hrê, để rồi, mỗi lần có đoàn khách nào đến, các anh, các chị, các cụ lại tất bật chuẩn bị “chạy tour”.  

Ông Bùi Đình Ngôn - Trưởng Phòng phụ trách Bảo tàng Khởi nghĩa Ba Tơ, chia sẻ: “Làng Teng (xã Ba Thành, huyện Ba Tơ) là ngôi làng còn giữ được nghề dệt thổ cẩm, nhưng ngôi làng một thời đã không còn nhà sàn, người ta xây dựng những ngôi nhà gạch ngói đỏ kiên cố, dân bản địa làm lúa nước nhiều hơn, nghề dệt thổ cẩm cũng dần mai một”. Chính vì vậy, mong muốn của người Hrê là bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc. Họ rất muốn lập các lớp học để truyền lại cho con cháu rồi đưa các làn điệu dân ca, talêu, kachoi đến với nhiều người hơn. Thế nhưng các nghệ nhân tâm huyết với văn hóa rất lo lắng khi lứa trẻ dần mất bỏ quên tiếng hát, điệu chiêng, rồi mai một dần… Thì ở Bảo tàng, người Hrê lại có cơ hội trình diễn các điệu hát, cồng chiêng,… đến nhiều du khách trong và ngoài nước dưới nhà sàn truyền thống được phục dụng”. 

Chị Phạm Thị Chuyền (33 tuổi) và chị Phạm Thị Găm (37 tuổi) thành viên đội dệt thổ cẩm ở làng Teng. Trước khi đến Bảo tàng, chị Chuyền dậy từ sớm lo cơm nước cho 2 đứa nhỏ, đứa lên lớp 8, đứa lớp 1, lại hoay loay nhắc chồng đi dẫn nước vào 2 sào lúa đang vụ, nắng nóng oi bức khiến công việc đồng áng cũng lắm nỗi lo. Tay chị vơ lấy những sợi chỉ đã se sẵn từ mấy ngày trước, chị kể, để có chỉ se phải đi vào rừng lấy cây bông đem phơi nắng cho cánh nở bung, sau đó đánh cho tơi xốp rồi kéo thành sợi. Việc này được chuẩn bị từ trước cả tháng và thường xuyên. Xong việc, chị cùng với chị Găm, dắt vội chiếc xe máy rồi như “thác đổ” cả hai lao qua con đường đất đá lởm chởm thẳng đến Bảo tàng Khởi nghĩa Ba Tơ phía trung tâm huyện lỵ, nơi đón các đoàn khách tham quan. Kể ra đàn ông cũng thua các chị, các chị vừa lo gia đình, vừa đồng áng lại làm công việc xã hội kiếm tiền, trở thành “trụ cột” nhà.  

Còn anh Phạm Văn Sây (34 tuổi, làng Teng, xã Ba Thành, huyện Ba Tơ) tham gia đội chiêng, anh bắt đầu học đánh chiêng khi còn 15 tuổi, tại nhà anh còn giữ 3 bộ chiêng từ thời ông bà để lại. Anh Sây cho biết, múa chiêng chia làm 3 điệu, điệu Hrê dùng múa trong nhà sàn, điệu Cơ lây thể hiện màu sắc đoàn kết dân tộc và điệu Ca oa thể hiện công việc đồng áng. Anh cũng mang đến những bộ chiêng và các nhạc cụ khác nhau để biểu diễn cho du khách.

Chị Phạm Thị Chuyền, Phạm Thị Găm, anh Phạm Văn Sây, cụ Thâm Thị Hết mỗi ngày tham gia tour du lịch có thể thu nhập 120 - 150.000/ngày, ngoài ra, những tấm thổ cẩm vừa được bán cho du khách, mỗi tấm giá 350.000 đồng, tạo thêm nguồn thu nhập ổn định.

Sở VH, TT & DL tỉnh Quảng Ngãi hiện nay đang triển khai Dự án Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa làng Teng với quy mô dự án trên 10,5 tỷ đồng với các hạng mục sân vườn, nhà văn hóa, nhà sàn truyền thống,…
 
Phú Nhiêu

Bạn đang đọc bài viết "Người Hrê đưa “khóc trâu” chạy tour du lịch" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.