Ngược ngàn tìm câu hát cổ

07/06/2015 10:57

Theo dõi trên

Theo chỉ dẫn của cậu thanh niên, chúng tôi tìm đến nhà "chủa Then” (chúa Then) Ma Kim Ly. Ông là một đạo diễn sân khấu, được đào tạo bài bản, có sưu tầm, dàn dựng một số loại hình nghệ thuật dân gian Tày và là người giỏi có tiếng về hát Then. Với tài hát Then của mình, ông được nhân dân trong huyện phong là "chúa Then”.



Sách hát Loàn bằng chữ Nôm Tày

Về nôi hát Loàn

Một ngày cuối tháng tư, với ý định tìm hiểu về hát Loàn, chúng tôi nhằm khu Tây huyện Chợ Đồn – Bắc Kạn khởi hành. Sau hơn một giờ đồng hồ vượt núi băng đèo, chúng tôi đã đến được xã Yên Thượng nơi từng có nhà thờ của dòng hát này. Suốt dọc đường đi, chúng tôi ghé đây đó hỏi thăm các cụ cao niên về loại hình nghệ thuật này nhưng hầu hết đều không có kết quả. Phần lớn người dân chỉ loáng thoáng về một điệu hát có tên như thế, có điều chưa bao giờ được nghe nên không biết hình thức cũng như giai điệu của Loàn.
 
Theo chỉ dẫn của cậu thanh niên, chúng tôi tìm đến nhà "chủa Then” (chúa Then) Ma Kim Ly. Ông là một đạo diễn sân khấu, được đào tạo bài bản, có sưu tầm, dàn dựng một số loại hình nghệ thuật dân gian Tày và là người giỏi có tiếng về hát Then. Với tài hát Then của mình, ông được nhân dân trong huyện phong là "chúa Then”.
 
Trong ngôi nhà sàn ấm cúng, ông lặng lẽ pha trà mời khách. Biết ý định tìm hiểu về hát Loàn của chúng tôi, ông buồn bã nói, giờ còn hát Loàn nữa đâu, ngày trước, khi ông chừng đâu mười sáu, mười bảy tuổi gì đó có được đi xem hát một lần rồi từ bấy đến giờ chẳng còn được nghe lại lần nào nữa. Tính ra cũng đã gần 50 năm, người biết hát thì đã mất cả, người được xem thì tuổi đều đã cao nên cũng chỉ nhớ bập bõm. Qua trò chuyện với chúa Then vùng Tày huyện Chợ Đồn, chúng tôi được biết hát Loàn ở khu Tây có ba nơi có đình thờ, một nơi ở chỗ ông bây giờ, hai điểm còn lại ở xã Yên Thịnh. Nhưng giờ đình cũng không còn nữa, thay vào đó là ruộng hoặc bụi cây, bụi cỏ, bãi hoang. Sau này ông có sưu tầm được một số bài trong hát Loàn. Ông bảo, ở hát Loàn tính giáo dục rất cao, nghệ thuật hát Loàn cũng rất độc đáo và dễ đi vào lòng người.

Hát Loàn trong trí nhớ của một chúa Then vùng Tày

Theo chúa Then Ma Kim Ly, hát Loàn có từ xa xưa, không ai biết khoảng thời gian nào, trước đây có người chuyên hát, được gọi chung là Thại, đó là người giữ việc thờ tự dòng hát. Hội hát thường tổ chức vào Rằm tháng Giêng hàng năm, nội dung chủ yếu khuyên con cái làm ăn, giữ đạo hiếu, cầu mùa, cầu lộc, cầu sức khỏe... Làng ông trước kia có đình thờ dòng hát này. Cứ mỗi dịp hội xuân, không khí chuẩn bị lại tất bật. Các làng thường luân phiên nhau làm mâm lễ, làng làm mâm chay, làng làm mâm tạp được quy định rõ theo từng năm. Mâm chay được làm bằng bột nặn hình các loại hoa, con vật nhuộm phẩm ba màu xanh, đỏ và trắng, tất cả đựng trong những cái khay đan như mạng nhện. Ngày trước ông có bà cô họ làm mâm chay khéo nhất làng. Hồi bé ông vẫn thường sang nhà xem bà cô làm đồ chay, ông mê mải ngắm nhìn những đồ lễ bằng bột nặn từ sáng đến tối mịt vẫn không chán mắt.
 
Hội hát Loàn diễn ra từ sáng ngày hôm trước đến khoảng 2h chiều ngày hôm sau. Buổi sáng có hát Loàn, dân làng có thờ dòng hát kiệu các ông Thại cùng mâm chay, mâm tạp làng mình đến nơi hành lễ chính (ở xã Yên Thịnh). Thại mặc áo đỏ kiểu của thầy Then, có cờ, có lọng. Cờ có người cầm, kiệu do trai làng khiêng, riêng lọng do Thại cầm. Tiếng trống, tiếng thanh la, tiếng tính, tiếng hồ rộn rã suốt dọc đường đi. Đến Yên Thịnh, ba ông Thại sáp lại làm một cùng tiến về nơi hành lễ chính. Tại đây, người xem đã đến đông nghịt, không chỉ có dân địa phương mà còn có nhân dân ở các tỉnh lân cận như Tuyên Quang, Lạng Sơn, Thái Nguyên... cùng về. Hội hát Loàn tưng bừng trong tiếng trống, tiếng hồ, tiếng tính. Cứ sau một chẩu hát (thường từ bốn đến sáu câu) lại có ba tiếng trống, một tiếng thanh la và vài đồng xu được thả xuống thau đồng, người ta quan niệm ấy là sự giàu sang, phú quý. Người hát thì say sưa, người nghe thì mê mẩn, cứ vậy hội hát kéo dài đến mãi tận chiều ngày hôm sau. Kết thúc hội, mâm lễ được đem mời du khách thập phương, mâm nào càng đông khách ăn năm ấy làng sẽ có càng nhiều lộc. Ngồi nghe ông kể mà chúng tôi tưởng như mình đang được dự một buổi hát thật vậy.
 
Khi chúng tôi có ý muốn được nghe một vài câu hát, chúa Then đã không ngần ngại hát liền mấy chẩu trong bài Dẹp đảm (dẹp đám). Quả nhiên, ông có chất giọng quá ư mượt mà. Lúc trầm khi bổng, mới nghe qua có vẻ giống như Then cổ nhưng nghe kỹ lại có sự khác nhau khá rõ. Thấy chúng tôi bật máy ghi, ông xua tay, nếu muốn chính xác hơn, nhà báo phải tìm đến ông Tào Vẹ (Ma Văn Vẹ, một thầy Tào cao tay ở Bản Cuồng xã Yên Thịnh) vì ông này còn giữ được sách bằng chữ Nôm Tày về hát Loàn.

Chạy đua cùng thần Nyx

Nhà ông Tào Vẹ ở ngay giữa Bản Cuống, từ dưới đường cái quan nhìn lên có thể thấy được mái nhà. Ông đang ngồi trầm ngâm với những cuốn sách dầy cộp đã úa vàng. Khi chúng tôi lên đến cầu thang, đặt chân vào nhà, chủ nhà vẫn không hay biết. Phải cất tiếng đến lần thứ ba ông mới rời mắt khỏi trang sách ngước lên nhìn ngơ ngác. Khi đã rõ ý định đến gặp của chúng tôi, ông vui lắm. Đặt cuốn sách xuống sàn ông bảo, mấy hôm rồi đã có người đến đây tìm hiểu về hát Loàn, cũng chỉ mong sao điệu hát này còn giữ lại được, nếu mất đi thì tiếc lắm. Hỏi ra mới biết ông đang nghiên cứu để phiên âm ra chữ Latinh. 85 tuổi mà ông vẫn đọc được sách, mỗi khi rảnh ông lại mang sách ra đọc. Sách của ông nhiều, có đủ loại từ Kinh Dịch, Âm dương đối lịch đến sách thầy Tào, sách về hát Loàn, sách chép truyện cổ Tày-Nùng bằng chữ Nôm Tày...
 
Ngoài việc đi bản (đi làm lễ ma chay, cúng lạt), ông chuyên tâm cho việc đọc và phiên âm sách. Phần lớn thời gian ở nhà ông dành cho công việc này. Sách với ông quý như người. Ông bảo, đây là di sản của dân tộc và địa phương cần được lưu trữ, ông đang cố không để mất nó. Ông cũng cho biết thêm, về sách, hiện còn có ông Hoàng Thanh Giao (cũng ở xã Yên Thịnh) vẫn còn giữ được. Ngày trước bố ông Hoàng Thanh Giao từng là Thại, nhưng đến đời ông này thì không biết hát và cũng không còn đọc được chữ Nôm Tày như cha mình nữa. Ông buồn, buồn bởi mình đã già, sức đã yếu không biết còn cố được bao lâu. Ông tự ví mình như ngọn đèn đang leo lét nên càng phải chạy đua với thời gian, hi vọng có thể giúp ích được cho việc nghiên cứu, sưu tầm cũng như phục dựng bảo tồn và phát triển thể hát cổ xưa này; nhưng bóng cây dài, bóng người thì ngắn lắm nên cũng chẳng biết thế nào, thôi thì cố được đến đâu hay đến đó.

Bổng trầm câu hát cổ xưa

Người con trai út của Tào Vẹ, Ma Văn Khâm vừa đi làm về. Thấy có khách, anh mang rượu rót mời. Qua trò chuyện, chúng tôi mới hay anh là nghệ sĩ đàn tính. Được đào tạo bài bản ở trường Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc về đàn tính. Vừa rồi anh có đi dự Liên hoan văn hóa các dân tộc ở Đền Hùng. Người con trai út ông Vẹ cho hay, thời gian trước có cô Hỵ - Giám đốc Sở văn hóa - cùng Đài truyền hình cũng đến sao chép, ghi âm lại những điệu hát này, hôm vừa rồi cha anh cũng mới gửi một bản toàn bộ các bài Loàn đã được phiên âm ra chữ La tinh cho cô ấy. Loàn có nhiều bài lắm mà bài nào cũng độc đáo, đặc biệt trong hát Loàn, tính khuyên răn, giáo dục rất cao. Chúng tôi bảo muốn được nghe mấy chẩu Loàn, anh ngần ngừ nhìn cha chờ đợi. Thấy chúng tôi tha thiết muốn được nghe, ông Vẹ cũng chiều lòng khách. Con cầm tính, cha bắt đầu cất giọng. Đó là một đoạn trích trong bài Dẹp đảm (dẹp đám). Tiếng tính thì thánh thót, tiếng Loàn lúc trầm khi bổng lúc lại thủ thỉ khi uy nghiêm toàn lời chính minh quân tử. Lời rằng:
 
Khằm nẩy mà hí họa tình Loàn
The nam nằng the nam mì thử
The nự nằng the nự hẩư an
Mộ mì chủng thao phàn báo lạ
Nhình chài mà óc nả chắng đây
Pây hâư lèo mì phầy lùng nả
Khửn đăm việc mộ lạ chắc hâư...
 
...Phuối óc mà mất toọng lai cần
Bấư phuối lo te pền nhùng đảm
 
Tạm dịch:
Tối nay về nghe hát Loàn
Con trai phải ngồi đúng chỗ
Để con gái không phải lo gì
Không có chuyện gái trai bừa phứa
Gái trai đứng đắn phải biết điều đó
Đi đâu phải sáng tỏ mặt mày
Vào chỗ tối dễ sinh điều không hay...
 
...Biết nói ra mất ý phật lòng
Nhưng phải nói không thì loạn hội
 
Hát hết chẩu, Tào Vẹ có vẻ hơi mệt, chúng tôi không dám để ông hát thêm. Anh Khâm bảo, thực ra trong hát Loàn, đàn tính chỉ là âm phụ, dẫn chính là cây hồ, phải có trống, có thanh la, thêm vào đó là chậu thau và đồng xu. Anh cũng cho biết thêm, nếu muốn phục dựng cần phải có nhiều kinh phí, địa phương không có khả năng làm điều này. Trước nay đã có nhiều đoàn đến tìm hiểu, thậm chí sao chép, ghi âm, ghi hình nhưng rồi vẫn chưa thấy phục dựng không biết vì lí do gì. Nếu thế hệ của cha anh khuất núi thì hát Loàn sẽ mãi chỉ còn là những câu chuyện kể. Người biết đọc Nôm Tày ở tỉnh giờ chưa đếm nổi bàn tày. Bất giác tôi nhớ đến câu nói của chủ nhà, bóng cây dài, bóng người thì ngắn lắm, biết đâu…
 
Theo Đại Đoàn Kết

Bạn đang đọc bài viết "Ngược ngàn tìm câu hát cổ" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.