Đây là công trình mang đậm kiến trúc Pháp đã được Nhà nước xếp hạng Di tích cấp quốc gia, cũng là mẫu nhà cổ hiếm hoi còn được bảo tồn khá nguyên vẹn giúp phục vụ việc tìm hiểu đời sống, văn hóa của cư dân miền Tây Nam Bộ trong buổi giao thời giữa hai thế kỷ.
Nhà cổ Bình Thủy được gia đình họ Dương xây dựng từ năm 1870 và hiện do ông Dương Minh Hiển - hậu duệ đời thứ sáu cùng gia đình quản lý. Bước qua cổng rào kiên cố bằng bê-tông và sắt theo kiểu dinh thự Pháp, du khách có cảm giác như được lạc vào một không gian đặc biệt: bình dị mà gần gũi, tân kỳ mà vẫn không hề lạc lõng giữa khung cảnh vườn quê yên ả.
Cổng chào kết nối nhà chính bằng một khoảnh sân rộng lát gạch Tàu đỏ và trồng nhiều lan, cây cảnh. Được biết, hậu duệ đời thứ năm của dòng họ Dương là người rất yêu lan, cho nên đã bỏ công sưu tầm nhiều giống lan quý. Ông còn tổ chức các hội chơi lan, tập hợp những người cùng sở thích để trao đổi kinh nghiệm và cùng thưởng thức thú chơi hoa. Cũng nhờ đó mà nơi đây còn nổi tiếng với khu vườn lan tuyệt đẹp. Đó cũng là lý do nhà cổ Bình Thủy còn có tên Vườn lan Bình Thủy. Khoảng sân dẫn lên nhà chính thông qua bốn cầu thang, hai cầu thang hình vòng cung dẫn lên gian giữa và hai cầu thang thẳng dẫn tới hai gian cạnh. Ngay khi đứng trên bậc thang, du khách đã được chiêm ngưỡng rõ nhất những tạo hình tinh xảo, công phu với cửa nhà hình mái vòm, cánh cửa làm bằng gỗ và sắt, phía trên trang trí nhiều hoa văn đắp nổi cách điệu đẹp mắt.
Bước vào nhà cổ Bình Thủy, cảm giác đầu tiên là thấy chân mát rượi. Dù nhà chẳng có quạt hay điều hòa, nhưng những nóng nực của cái nắng miền Tây như được bỏ lại ngoài sân. Ấy là bởi nhà được thiết kế với hệ thống nhiều cửa ra vào và cửa sổ, nền cao hơn nền sân chừng một mét nên càng thoáng đãng. Bà Ngô Ngọc Liên, con dâu đời thứ sáu dòng họ Dương cho biết, nền nhà ngay từ khi xây dựng đã được chủ nhân xử lý chống mối ẩm bằng cách rải dưới nền hơn 10 cm muối hột, do đó còn có khả năng giữ hơi mát cho ngôi nhà. Nền nhà lát toàn bộ bằng gạch hoa hồng mầu đỏ, đen nhập từ Pháp sang thời đó. Điều đặc biệt là dù ngôi nhà mang nhiều đặc trưng kiến trúc Pháp nhưng lối bài trí vẫn mang đậm phong cách Việt Nam. Nơi trang trọng nhất ở gian giữa ngôi nhà là bàn thờ tổ tiên được sơn son, thếp vàng, giường thờ, sập gụ cũng được làm từ gỗ xà cừ với nhiều họa tiết chạm khắc tinh xảo theo chủ đề sinh hoạt của người dân miền Tây sông nước. Nhà cổ Bình Thủy cũng là nơi đang sở hữu cả kho đồ cổ quý giá với nhiều đồ vật được lưu truyền nhiều đời như: sáu hàng cột gỗ lim đen bóng, hai bộ bàn ghế có xuất xứ từ Vân Nam (Trung Quốc) với mặt bằng đá cẩm thạch, vân xanh; bộ sa-lông kiểu Pháp từ thời Lu-i 15, đèn chùm thế kỷ 18...
Bên cạnh đó, nhà cổ Bình Thủy còn được biết đến là nơi rất có duyên với nghệ thuật thứ bảy. Không gian vừa hiện đại, vừa sang trọng, cổ kính này đã trở thành bối cảnh mang đến thành công cho nhiều bộ phim có tiếng vang trong nước, như Người đẹp Tây Đô, Những nẻo đường phù sa, Nợ đời..., đặc biệt là bộ phim Người tình - một tác phẩm điện ảnh nổi tiếng của Pháp. Nhiều du khách, đặc biệt là khách nước ngoài tìm đến nhà thờ họ Dương tham quan cũng nhờ xem những bộ phim này, qua đó muốn tận mắt tìm hiểu, khám phá bối cảnh mà những người làm phim lựa chọn.
Xứ “gạo trắng nước trong” có tới vài chục ngôi nhà cổ, nhưng Nhà cổ Bình Thủy vẫn nổi lên như một biểu tượng của phong cách kiến trúc pha trộn văn hóa phương Đông và phương Tây. Với vẻ đẹp và giá trị độc đáo, nơi đây đã trở thành điểm đến không thể bỏ qua của hàng nghìn lượt du khách trong năm khi đến với mảnh đất Cần Thơ. Dù luôn được bảo tồn, quản lý tốt bởi gia chủ, nhưng nhà cổ Bình Thủy vẫn cần tới sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền địa phương, để giá trị và sức sống của di tích được phát huy bền vững.