Ngôi miếu phối thờ Hai Bà Trưng ở Ba Tri

19/10/2018 15:38

Theo dõi trên

Cách đây 1978 năm, những người con gái của lạc tướng tại đất Mê Linh là Trưng Trắc và Trưng Nhị đã dựng cờ khởi nghĩa, đánh dấu sự kiện lịch sử, in đậm trong tâm tư, tình cảm của mỗi người dân Việt Nam như một huyền thoại.

Hiện nay, trên cả nước có nhiều di tích, đền thờ Hai Bà Trưng và ở tỉnh có ngôi miếu Bà tại xã Mỹ Hòa đã phối thờ Hai Bà Trưng suốt hàng chục năm qua.
 
 
Miếu Bà xã Mỹ Hòa

Nguồn gốc và cách phối thờ

Miếu Bà tọa lạc tại ấp Mỹ Thuận, xã Mỹ Hòa, huyện Ba Tri, nằm ngay mặt tiền đường giao thông. Theo những ghi chép được khắc trên hàng cột thì miếu được thành lập năm 1886, trùng tu vào năm 2008. Kết cấu của miếu, trước tiên là cổng, kế đến là võ ca, cuối cùng là khu vực thờ tự, phía bên trái là nhà bếp. Mặc dù là miếu thờ nữ thần nhưng bên trong phối thờ nhiều đối tượng khác nhau. Phía trước chính điện, hướng từ trong nhìn ra là bàn thờ Thành hoàng bổn cảnh (Đây là tín ngưỡng phổ biến của người Việt cả nước nói chung và Nam Bộ nói riêng, thờ vị thần bảo hộ cho cộng đồng cư dân); phía bên phải là bàn thờ Tiên sư tiên nông, thờ các vị tổ nghề, trong đó có nghề nông.

Khu vực chính điện, ở bàn thờ giữa viết 4 chữ lớn: “Cửu vị thánh nương”, phía dưới là di ảnh Hai Bà Trưng. Bên cạnh đó, hai bên là đôi câu đối tán dương công đức của các vị nữ thần: “Vạn cổ đào hoa chiêu thánh nữ, Thiên thu xuân sắc hội tiên nương”.

Theo ông Nguyễn Văn Lòng, thành viên Ban Khánh tiết Đình Mỹ Hòa, người trực tiếp trông coi miếu cho biết, khoảng năm 1985, bà Võ Thị Phượng ở huyện Bình Đại hiến tặng miếu hai bức hình của Trưng Trắc và Trưng Nhị. Tất cả thành viên trong Ban Khánh tiết nhận thấy đây là hai vị nữ tướng có công chống giặc nên thỉnh vào miếu để thờ cho đến ngày nay. Miếu Bà xã Mỹ Hòa có lịch sử hình thành hơn một trăm năm nên việc truy nguyên từng vị nữ thần vô cùng khó khăn. Vì vậy, chỉ gọi một danh xưng chung là “Cửu vị thánh nương”, tức là chín vị nữ thần. Cũng tại khu vực chính điện, phía bên trái là bàn thờ Quan thánh đế quân, tức là Quan công. Còn phía bên trái là bàn thờ Thượng động thánh nương, có lẽ là vị nữ thần bảo hộ cho nghề làm rừng.

Phía sau chính điện, ở giữa là bàn thờ với 3 bài vị, Cung điền chủ nhân, Tiền khai hậu khẩn, Thiết lập chi vị. Đây là bàn thờ các vị tiền hiền tức là những người có công quy tụ dân chúng để lập làng và hậu hiền có công xây dựng các công trình có tính nền móng, căn cơ. Vì vậy, trong dân gian thường nói “Tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai cơ”. Bên trái là bàn thờ Cựu quan bố chính, đó là vị quan giữ chức bố chính ở trong trấn. Bên phải là bàn thờ Đông trù tư mệnh, tức là ông Táo, người chuyên quản mọi chuyện ở bếp. Đối diện với bàn thờ giữa là ban thờ Thập nhị cô hồn, những linh hồn cô độc không có người phụng thờ.

Giá trị văn hóa

Ngược dòng lịch sử cách ngày nay hơn 300 năm, những lưu dân người Việt trên bước đường Nam tiến đã chọn cho mình những mảnh đất lành để dừng chân. Trên vùng đất mới buổi ban đầu còn nhiều khó khăn, vất vả, hiểm nguy rình rập, những lưu dân cần chỗ dựa tinh thần vững chắc để có thể kiên gan, bám trụ, từ đó, những ngôi miếu thờ lần lượt ra đời. Miếu Bà xã Mỹ Hòa  cũng ra đời xuất phát từ quy luật chung đó. Thuở ban đầu, miếu chỉ thờ các vị nữ thần bảo hộ cho đời sống của người dân, với danh xưng chung là “Cửu vị thánh nương”. Chính tâm thức về một người “mẹ”, che chở và bảo vệ đã thể hiện khát vọng của người dân Nam Bộ về một cuộc sống bình an, hạnh phúc. Qua đó, thể hiện sự đa dạng của nền văn hóa Việt Nam, bao hàm những giá trị truyền thống tốt đẹp.

Bên cạnh việc thờ nữ thần, Miếu Bà xã Mỹ Hòa còn dung hợp nhiều loại hình tín ngưỡng khác nhau. Đó là tín ngưỡng thờ Thành hoàng, vị thần cai quản và quyết định họa phúc, che chở cho xóm làng. Thờ Thành hoàng để bày tỏ lòng biết ơn, sự tôn kính đối với các bậc tiền nhân. Bên cạnh đó, miếu còn thờ Quan công vị thần không chỉ được cộng đồng người Hoa tôn thờ mà còn có người Việt. Đó là sự tôn vinh đến mức thần thánh hóa một nhân vật biểu trưng cho nhân, lễ, nghĩa, trí, tín; đề cao giá trị nhân văn và chuẩn mực đạo đức của thời đại. Ngoài ra, Miếu Bà Mỹ Hòa còn thờ tổ nghề, tiền hiền, hậu hiền, cô hồn, Táo quân. Như vậy, chỉ là một ngôi miếu nhỏ nhưng đã tích hợp nhiều loại hình tín ngưỡng nhằm thỏa mãn đời sống tâm linh của người dân.

Người Việt rất coi trọng việc lập đình, miếu để thờ các anh hùng dân tộc, những người có công với làng, nước. Miếu Bà xã Mỹ Hòa là một minh chứng rõ nét, thể hiện sự ngưỡng vọng các nhân vật chính trực, hiệp nghĩa. Hiện nay, trong khuôn viên miếu có mộ và bàn thờ của Quan Bố chính, bà con thường gọi là mộ ông Bố. Theo ông Nguyễn Duy Xương - Chánh bái đình Mỹ Hòa kể lại, ông Bố đánh Pháp ở An Hiệp bị hy sinh. Trên đường đưa thi hài về nhà, ngang qua miếu, bỗng nhiên võng đứt, bà con thấy thế bèn đem an táng trong miếu.

Miễu Bà xã Mỹ Hòa đã trải qua nhiều biến cố lịch sử cùng với quê hương, đất nước. Khi hòa bình lập lại, cũng trong ngôi miếu nhỏ này, bà con nhân dân đã phối thờ Hai Bà Trưng, những nữ anh hùng hào kiệt đã viết nên trang sử vàng trong buổi đầu dựng nước và giữ nước. Hai Bà Trưng là những người phụ nữ đầu tiên mở đầu cho truyền thống bất khuất, kiên cường của phụ nữ Việt Nam. Chiến công của hai bà còn lưu trong sử sách, được nhân dân đời đời khắc ghi và mãi mãi tự hào.


Bùi Hữu Nghĩa
Theo baodongkhoi.vn

Bạn đang đọc bài viết "Ngôi miếu phối thờ Hai Bà Trưng ở Ba Tri" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.