Nghệ nhân cẩn xà cừ

10/08/2015 17:30

Theo dõi trên

Từ Quảng Ngãi vào An Giang lập nghiệp, ông Lê Thanh Hải đem theo nghề cẩn xà cừ của ông cha truyền lại làm kế mưu sinh. Âm thầm theo nghề hơn 30 năm, ông được khách hàng và dân trong nghề tặng cho danh hiệu “nghệ nhân”. Ông cũng vui lòng dựng tấm bảng giới thiệu nghề cẩn xà cừ có từ năm 1984 trang trọng trước cơ sở trên đường Hà Hoàng Hổ, phường Mỹ Hòa (TP. Long Xuyên).

 
 Cặp liễn “Phước như đông hải, thọ tựa nam sơn” do ông Hải và con trai thực hiện

Ông Hải kể, nghề cẩn xà cừ xuất hiện trong dòng họ khi nào thì không biết, chỉ nghe ông bà nhắc hồi xưa có người đi vào cung đình học được nghề này, rồi truyền lần lượt qua nhiều thế hệ, dần dà trở thành nghề của cả dòng họ. Cha ông Hải trước đây nổi tiếng là thợ lành nghề, được khách hàng khắp nơi đến đặt làm sản phẩm.

Tự nhận mình không giỏi bằng cha nhưng hiện tại ông Khải cũng được nhiều người biết đến, đặc biệt thợ trong nghề rất nể ông ở khâu làm kỹ thuật bằng thủ công. Nhiều năm qua, học trò đến học nghề của ông không ít nhưng ông cũng thú thật trong mười phần chỉ dạy họ đến tám phần, còn những “bí kíp” kỹ thuật để thể hiện sự tinh xảo thì ông truyền lại cho con trai. Ngoài ra, cô con dâu tương lai cũng được ông hướng dẫn 2 năm nay để có thể giúp gia đình ông nối nghiệp về sau.

Thời hiện đại, cái nghề cẩn xà cừ nghe có vẻ xa xưa nhưng với ông Hải thì gần gũi lắm, ông làm đủ loại sản phẩm, nhiều nhất là sửa đồ xưa như tủ thờ, bàn, ghế, cặp liễn… Để phục hồi lại những sản phẩm, khó nhất là tìm được nguyên liệu tương tự và gia công giống với những chi tiết trên đồ vật, bởi hầu hết nguyên liệu ngày nay rất hiếm và đắt đỏ, có khi phải đặt hàng qua nhiều mối mang mới có được cái mình cần. Nhờ uy tín, chất lượng và nhất là làm cho sản phẩm đẹp như ý khách hàng mà mấy chục năm qua, ông Hải sống bền nhờ vào nghề duy nhất trên quê hương thứ hai.

Ông cho biết, ngày xưa muốn làm một chiếc tủ thờ, 3 người thợ lành nghề cũng mất đến một năm rưỡi mới làm xong, còn bây giờ nhờ sự chuyên nghiệp trong sản xuất các chi tiết riêng lẻ, thợ chỉ cần 3 tháng để hoàn thành tất cả công đoạn. Tuy nhiên, khi bắt tay vào làm, ông luôn giữ nguyên tắc mọi thao tác làm bằng thủ công, chứ không thích hỗ trợ của máy móc.

“Cẩn xà cừ có tất cả 6 khâu nhưng theo tôi biết, phần lớn thợ ngày nay không ai làm đủ hết 6 khâu này. Vẽ mẫu, cưa ốc, đục, tách, gắn, sơn, tất cả phải làm bằng tay một cách tỉ mỉ. Trong đó, khâu tách chỉ dạy cho con cháu chứ không dạy cho người ngoài. Vì vậy, muốn định giá một sản phẩm cẩn xà cừ rất khó” – ông Hải nói.

Chỉ dân trong nghề mới nhận biết nguyên liệu, độ tuổi của xà cừ, độ tinh xảo trong chi tiết, hài hòa màu sắc của xà cừ và tính thẩm mỹ thật sự của một đồ vật xưa.

Niềm vui nhất của ông Hải bây giờ là vẫn giữ được nghề truyền thống của gia đình, tuy không khá giả nhưng được nhiều người yêu mến, trân trọng đặt cho cái danh “nghệ nhân”. Con trai ông nối nghiệp vẫn giữ nguyên cách làm thủ công như ông cha thuở trước, còn cô dâu tương lai cũng sớm rành mạch nhiều công đoạn quan trọng.

Chị tên Trúc, đã học xong đại học nhưng lại chọn nghề cẩn xà cừ để gắn bó. Ngoài tham gia làm các khâu trong thành phẩm, chị Trúc còn phân biệt các loại vỏ rất chính xác như đâu là vỏ ngọc trai đen, ngọc trai trắng, xà cừ, các loại vỏ rẻ tiền…

Chị cho biết, phải nắm rõ và biết đúng mới đảm bảo làm sản phẩm chất lượng cho khách hàng và đó cũng là cách tự giúp thương hiệu của người thợ sống mãi với nghề.
Ông Hải cho biết, xà cừ là tên loại ốc biển được lấy vỏ trong chế tác thành những hình thù và phân loại màu.  Sau đó, bằng kỹ thuật trong nghề, người thợ sẽ chọn lọc cẩn lên tủ, bàn và các vật dụng bằng gỗ quý để trang trí. Phần lớn các khâu cẩn xà cừ đến nay vẫn làm bằng thủ công, đây là điểm độc đáo không phải ai cũng học và làm được.

Theo  MỸ HẠNH/Tin Tức Miền Tây

Bạn đang đọc bài viết "Nghệ nhân cẩn xà cừ" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.