Nghề dệt của người Thái ở Quỳ Hợp, Nghệ An

27/09/2016 08:22

Theo dõi trên

Nghề dệt thổ cẩm truyện thống là nét đặc trưng của dân tộc Thái ở khắp nơi trên cả nước. Để tạo ra một tấm vải đẹp với bàn tay khéo léo của mình người phụ nữ Thái ở Quỳ Hợp, Nghệ An phải trải qua rất nhiều công cụ, đi hỏi sự khéo léo và kiên nhẫn.

Khung dệt của người Thái

Khung cửi của người Thái là kiểu khung đứng, liên kết cố định nhiều chi tiết (4 cột, 2 thang trên, 2 thang dưới, thanh ngang, ván ngồi…) làm bằng gỗ hoặc bằng tre, sử dụng lâu năm…

Trong khung cửi theo kiểu hình khối chữ nhật, sợi được căng từ ở phía trên rồi kéo chéo xuống phía trước bụng người ngồi dệt. Người Thái buộc từng đầu sợi và lơi cuốn vải (xơ pặn). Khung dệt có một số chi tiết quan trọng như: Một go chính, hai go phụ, hai que chia sợi, hai cần đạp chân…



Khung dệt của đồng bào Thái

Hai go phụ (khau) dùng để bắt lóng và chia các sợi dọc. Số lượng sợi dọc được chia đôi, đều nhau và đi qua hai “khau” theo nguyên tắc: Cứ một sợi đi qua “khau” thứ nhất thì sợi tiếp theo đi qua “khau” thứ hai cho đến hết. Hai cần đạp chân (tin nhăm) dùng để điều khiển hai go lên xuống khi dệt vải. Mỗi cần đạp nối với một go. Go chính (phưm) hay còn gọi là bàn dập sợi dùng để đẩy các sợi ngang do thoi đan qua vào nhau, vuông góc với các sợi dọc được giăng trên khung dệt để tạo thành vải. Mặt khác, “phưm” còn có tác dụng cố định khoảng cách của các sợi trên vải. Hai que chia sợi (láp phải) có tác dụng giữ cho sợi dọc được căng và luôn ở vị trí cách đều nhau. “Xơ pặn” là bộ phận cuộn vải được dệt xong và nó có thể di động được.

Kỹ thuật dệt thổ cẩm

Khi dệt, người phụ nữ Thái ngồi vào phía sau khung cửi, hai tay, hai mắt, hai chân… liên tục phối hợp nhịp nhàng. Cứ mỗi lần lao thoi ngang qua hai lớp sợi dọc thì một lần dùng “phưm” dập sợi về phía mình. Tiếp đó lại dụng chân điều khiển đưa các go phụ lên xuống theo chiều ngược lại và lao thoi. Người Thái ở đây có 2 kiểu dệt là dệt trơn và khít

Dệt trơn (xan/mạn): Đây là kiểu dệt đơn giản nhất, có thể gọi là dệt trơn, chỉ là hình thức đan các sợi dọc và ngang theo kỹ thuật lóng mốt. Người ta thường dùng kỹ thuật này để dệt vải bông thụ trắng, vải sọc.

Các công đoạn chuẩn bị đã hoàn thành, người phụ nữ có thể bắt tay vào công việc dệt vải. Họ đạp bàn đạp cho hai luồng sợi so le nhau lên, xuống. Nếu muốn hạ sợi xuống, người ta đạp xuống, go phụ sẽ kéo một luồng sợi xuống thấp hơn so với vị trí của sợi được căng trên khung cửi. Khi đã đưa thoi qua, người dệt nhấc chân lên, kéo go chính về phía mình ngồi để đập sợi ngang vào khít nhau. Mức độ kéo go chính đập mạnh hay nhẹ là tuỳ thuộc vào ý định dệt vải dày hay thưa của người dệt. Khi làn sợi bị kéo xuống đã trở lại vị trí bình thường, người dệt đạp vào bàn còn lại để hạ luồng sợi thứ hai xuống, lao thoi qua, kéo go chính đập sợi. Khi dệt được dài thì người dệt lại cuốn vải vào lơi “xơ pặn” và cứ tiếp tục dệt như vậy.



 
Kỹ thuật dệt thổ cẩm của đồng bào Thái.

Kỹ thuật khít: Là kiểu dệt phức tạp hơn, nếu muốn dệt hoa thì khung cửi phải có thêm các bộ phận phụ. Các go phụ đóng vì trí rất quan trọng trong việc dệt hoa văn (khau khít).

Để dệt những mẫu hoa văn, người ta cần phải có go hoa (khỏu khít) lắp vào khung cửi. Người Thái thường phải luồn từng sợi của go hoa qua dàn sợi trên khung cửi. Mỗi giá của go hoa được luồn qua hai sợi dọc rồi buộc vào giá treo phía trên. Sợi go này tiếp sợi go kia cho đến hết chiều rộng của khổ vải.

Cách dệt hoa như sau: Người ta lấy lóng đan líu từ trên dây đựng que đưa qua go hoa xuống dưới, cầm lóng đan gạt lên, gạt xuống dọc theo dàn sợi, dệt cho những sợi của go hoa tách đụi làm hai làn sợi ở trên và ở dưới. Những sợi go hoa phía trên giữ số sợi dệt còn lại ở vị trí bình thường. Người ta lấy tay đè nhẹ lên làn sợi để tạo ra khoảng cách giữa hai làn sợi, luồn lóng đan qua rồi gạt xuống phía dưới. Khi dệt, người ta đưa “pẻn ngáng” luồn theo lóng đan trên dàn sợi, dựng nó lờn, ngỏng rộng hai làn sợi dệt và đưa thoi qua. Cứ như vậy cho đến khi nào trên dàn sợi hết lóng đan thì người dệt dệt xong được một mảng hoa văn.

Nếu muốn dệt vải kẻ ô vuông thì khi giăng sợi dọc vào khung cửi đồng bào giăng xen kẽ các sợi màu cần dệt. Tiếp đó khi dệt đồng bào điều chỉnh sọc ngang theo màu sợi mắc vào con thoi.

Nghề dệt thổ cẩm của người Thái trước những thách thức bảo tồn

Các cô gái Thái trước khi về nhà chồng phải biết dệt thổ cẩm và thêu thùa, vì họ phải tự tay làm tặng bố mẹ chồng một bộ chăn đệm, trong đó có một chiếc khăn tặng mẹ chồng. Những đường nét, hoa văn trên chiếc váy mà cô gái Thái mặc cũng thể hiện đôi bàn tay có khéo léo, cô gái đó có đảm đang hay không. Người Thái coi những sản phẩm dệt thổ cẩm là một phần trong đời sống vật chất và tinh thần của mình. Cùng với thời gian, nghề dệt thổ cẩm của bà con dân tộc Thái ở Quỳ Hợp bị mai một dần, không có nhiều cô gái Thái trẻ biết dệt thổ cẩm và váy áo trước khi về nhà chồng. Về Quỳ Hợp sẽ được chiêm ngưỡng những chồng chăn đệm sặc sỡ, trang trí bằng thổ cẩm được dệt hoàn toàn bằng tay nên độ chặt, lỏng, mềm, cứng của sản phẩm đều có thể theo ý muốn của người làm ra nó. Họ có thể dệt nên những miếng thổ cẩm để trang trí cho từng loại sản phẩm mà họ cần. Cầm trên tay mảnh vải thổ cẩm bạn sẽ cảm nhận được màu xanh của cây cối, màu vàng, trắng, hồng, đỏ của hoa rừng, màu vàng rực rỡ của ánh nắng mặt trời. Những đường nét hoa văn trên mảnh vải thổ cẩm thể hiện nét đẹp tâm hồn của người phụ nữ Thái Quỳ Hợp. Tính cách và tuổi tác được thể hiện rất rõ trên những sản phẩm thổ cẩm của người Thái. Với những cô gái Thái đang yêu thì không thể giấu nổi tình cảm của mình bằng những gam màu sáng chủ đạo. Còn những người phụ nữ lớn tuổi thì thiên về những gam màu trầm, với những đường nét rắn rỏi.



Nghề dệt của người Thái trước những thách thức bảo tồn.

Nghề dệt truyền thống của người Thái ở Quỳ Hợp được hình thành và phát triển hàng trăm năm như một phần không thể tách rời lịch sử. Sản phẩm dệt được sản xuất theo phương pháp thủ công truyền thống với nhưng chiếc váy, những tấm vải đủ màu sắc, hoa văn mang đậm giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Các mẫu mã được lấy từ thực tế của cuộc sống và cách điệu tạo nên những hoa văn sặc sỡ, mềm mại, uyển chuyển công phu và có tính sáng tạo. Thông qua các đường nét thể hiện trên các sản phẩm điều làm ra từ những loại cây cỏ gần gũi với bà con như sợi bông, cây chàm, lá dâu, tơ tằm. Ngày nay trong quá trình đổi mới của đất nước, bản sắc văn hóa các dân tộc trong toàn tỉnh đang tiếp tục tỏa sáng, góp phần cùng quê hương trong sự nghiệp Nghệ An ngày càng phát triển toàn diện đề tiếp kịp với các tỉnh khác.

Giữ được nghề dệt truyện thống là giữ được những nét văn hoá cổ truyền của người Thái. Nếu biết kết hợp giữa tính dân tộc và tính hiện đại thì nghề dệt thổ cẩm ở Quỳ Hợp sẽ tạo được những mặt hàng kinh tế cao, có giá trị trên thị trường. Người Thái Quỳ Hợp tự hào vì có sản phẩm thổ cẩm. Qua bao đời nay đã chứng tỏ một điều thổ cẩm là thứ không thể thiếu trong đời sống vật chất và tinh thần của người Thái. Nó là biểu tượng của văn hoá Thái.

(Theo Làng Việt Online)

Tố Oanh
Bạn đang đọc bài viết "Nghề dệt của người Thái ở Quỳ Hợp, Nghệ An" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.