Báo cáo với đoàn công tác, Phó Giám đốc Sở VH-TT TP Võ Trọng Nam cho biết kết quả một số đề án được phê duyệt và đang triển khai thực hiện. Về chiến lược phát triển ngành văn hóa TPHCM giai đoạn 2020 - 2035 nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng, phát triển TPHCM trở thành trung tâm văn hóa, nghệ thuật, nghiên cứu khoa học và đào tạo nguồn nhân lực phát triển mạnh đứng đầu cả nước. Tăng cường và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước; đổi mới cơ chế quản lý văn hóa phù hợp với quản lý đa ngành, đa lĩnh vực. Sở VH-TT tập trung 7 nhiệm vụ gồm: không gian văn hóa Hồ Chí Minh, công tác lễ hội, văn hóa và gia đình; công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa; hoạt động nghệ thuật và phát triển công nghiệp văn hóa, công tác thông tin tuyên truyền; phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, công tác đào tạo nguồn nhân lực.
Về đề án phát triển ngành thể dục thể thao TPHCM đến năm 2035, Sở VH-TT TP đã hoàn thành 2/8 nhiệm vụ là đề án tổ chức lễ hội và sự kiện TP giai đoạn 2020 - 2030, phấn đấu hoàn thành trong năm 2021 đối với 2 đề án là Hợp tác quốc tế về phát triển ngành TDTT; nâng cao chất lượng, phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu, nhân tài lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao của TP. Đối với 4 đề án còn lại sẽ tiếp tục thực hiện năm 2021 và những năm tiếp theo.
Về đề án tổ chức lễ hội, sự kiện văn hóa và thể thao tiêu biểu TPHCM giai đoạn từ năm 2020-2030, trong năm 2021, Sở VH-TT TP đề ra 27 nhiệm vụ, trong đó có 6 nhiệm vụ hoàn thành 100%, 13 nhiệm vụ thực hiện không đạt tỷ lệ 100%, 8 nhiệm vụ không thực hiện do ảnh hưởng dịch bệnh. Sở VH-TT TP đã phối hợp với các đơn vị củng cố hồ sơ, thủ tục quy trình đề án theo quy định, chuẩn bị tổ chức hội nghị triển khai thực hiện đề án “Tổ chức lễ hội, sự kiện văn hóa và thể thao tiêu biểu TPHCM giai đoạn từ năm 2020-2030”. Riêng đề án nghiên cứu xây dựng tiêu chí đánh giá gia đình hạnh phúc ở TPHCM giai đoạn 2021-2030, đang được Sở VH-TT TP đang hoàn thiện trình phê duyệt.
Chia sẻ với đoàn giám sát, Giám đốc Sở VH-TT TP Trần Thế Thuận cho biết trong năm 2021 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lĩnh vực văn hóa và thể thao gặp nhiều khó khăn, các cuộc họp, hội thảo lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia, các nhà khoa học và các đơn vị liên quan cũng như việc đi khảo sát thực tế của các công trình địa điểm không thể diễn ra theo đúng kế hoạch, một số nội dung của đề án thực hiện chưa đạt yêu cầu theo tiến độ, quy mô, mục tiêu đề ra. Việc triển khai quy trình thu hút, tuyển chọn người có tài năng đặc biệt lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật thể dục thể thao cũng bị gián đoạn do dịch bệnh.
Về đề án thành lập Trung tâm phát triển công nghiệp văn hóa, UBND TP đã chỉ đạo thành lập theo mô hình hoạt động mở, xã hội hóa. Tuy nhiên qua nghiên cứu, mô hình mở, xã hội hóa không phù hợp với tính chất đặc thù để phát triển công nghiệp văn hóa. Để bộ máy hoạt động ổn định trong thời gian mới thành lập, đơn vị cần có nguồn tài chính để đảm bảo chế độ cho viên chức, hoạt động thường xuyên về quản lý và chuyên môn. Về nhân lực văn hóa, anh em trong ngành chủ yếu là yêu và gắn bó với nghề. Riêng ngành cải lương, hát bội chủ yếu là truyền nghề, nên nghệ sĩ không có bằng cấp và rất khó để tiêu chuẩn hóa cán bộ để quy hoạch phát triển nguồn nhân lực trong ngành văn hóa, nhất là trong lĩnh vực nghệ thuật sân khấu.
Qua buổi giám sát, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan ghi nhận nỗ lực của Sở VH-TT TP đã tích cực, chủ động xác định công việc để triển khai thực hiện đề án trong tình hình dịch bệnh. Tuy nhiên, những quan điểm phát triển lớn của ngành văn hóa, những nhiệm vụ giải pháp chưa được phổ biến đến người dân cũng như nhiều mô hình và giải pháp mang tính đột phá chưa được hiện thực hóa, cụ thể hóa, thể chế hóa.
Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan đề nghị, để bảo đảm tính lãnh đạo trong tổ chức thực hiện Nghị quyết của Thành ủy, chỉ đạo của UBND TP, Sở VH-TT nên có nghị quyết về tập trung lãnh đạo, thực hiện các đề án chiến lược, phát triển văn hóa thể thao của TP. Nâng cao ý thức trách nhiệm và hình thành tình cảm cách mạng cho những người làm công tác văn hóa của Thành phố. Đồng thời, tiếp tục xây dựng một kế hoạch phân công tổ chức thực hiện nhiệm vụ năm 2022, lập danh mục các đề án, chương trình, dự án công trình mà các cơ quan của Thành phố phải tham mưu thực hiện đề án này trong năm 2022. Thực hiện đề án qui hoạch phát triển thiết chế văn hóa cơ sở, cần tập trung lại ở một số khu vực thay vì tính theo ranh giới địa giới hành chính như hiện nay. Có thể 2, 3 quận có một trung tâm lớn quản lí 2,3 trung tâm nhỏ.
Kết luận tại buổi giám sát, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê đánh giá cao sự nỗ lực trong xây dựng những đề án của Sở VH-TT trong thời gian qua. Với đề án phát triển văn hóa Thành phố đến năm 2025, TPHCM là đô thị lớn, thiết chế văn hóa lớn. Trong vấn đề bảo tồn và phát triển văn hóa, đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê yêu cầu ngành văn hóa cần có sự đầu tư và chăm chút nhiều hơn, quan tâm đến vấn đề bảo tồn di sản văn hóa. TPHCM là địa phương duy nhất cả nước có bảo tàng phong phú, đáp ứng nhu cầu sản phẩm du lịch, cần tiếp tục quan tâm ứng dụng công nghệ để làm mới hoạt động bảo tàng. Trong chiến lược văn hóa tư tưởng có văn hóa đối ngoại cần được chú trọng. Riêng về quy hoạch thiết chế văn hóa, nên mạnh dạn nhìn nhận và đánh giá đúng mức, có đề xuất sắp xếp các trung tâm văn hóa.
“Về xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh, Sở VH-TT cần tiến hành các bước để hoàn thiện đề án, Ban Tuyên giáo Thành ủy sẽ tiếp tục lấy ý kiến đóng góp của nhân dân, tổ chức tọa đàm, hội thảo, lấy ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia, để làm sao có đặc trưng niềm tự hào của TP mang tên Bác và có tính lan tỏa của vùng. Do vậy, cần xem xét sâu và chuẩn bị để trình đề án cho thật tốt.” - Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê nhấn mạnh./.