Ngăn chặn bỏ cọc tại các phiên đấu giá đất

15/02/2022 10:24

Theo dõi trên

Việc nâng mức tiền đặt cọc và rút ngắn thời gian hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền đối với cá nhân trúng đấu giá sẽ là một giải pháp góp phần ngăn chặn tình trạng bỏ cọc chạy lấy người của giới đầu cơ tại các phiên đấu giá đất.

Đấu trúng rồi bỏ cọc

Tháng 7/2021, UBND huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum ra quyết định hủy kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất 57 thửa đất diện tích từ 140m2 đến 250m2/lô, mức giá khởi điểm từ 150 - 250 triệu đồng/lô thuộc dự án Đấu giá đất dọc 2 bên đường Lê Hồng Phong nối dài thôn Đăk Xanh - Đăk Ra, thị trấn Đăk Glei, huyện Đăk Glei.

Tổng 57 thửa đất đều do 6 cá nhân đấu trúng trước đó, có tổng giá khởi điểm 11,5 tỷ đồng và được đấu giá lên đến 13 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến hết thời hạn đóng tiền sử dụng đất theo quy định, cả 6 cá nhân nói trên đều không nộp tiền vào đúng quy định. Do vậy, UBND huyện Đăk Glei buộc phải ra quyết định hủy kết quả trúng đấu giá đồng thời yêu cầu Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện chủ trì tổ chức đấu giá lại 57 thửa đất nói trên.

Cũng trong tháng 7/2021, UBND tỉnh Quảng Trị đã ra quyết định hủy kết quả công nhận trúng đấu giá quyền sử dụng đất với 2 lô đất số 1171 và lô đất số 1172, thuộc Khu K14, dự án Khu đô thị Nam Đông Hà, TP.Đông Hà giai đoạn 3. Theo đó, các lô đất số 1171 (diện tích 164,8m2) có số tiền trúng đấu giá trúng là 1,225 tỷ đồng và lô đất số 1172 (diện tích 165,9m2) có số tiền trúng đấu giá 1,236 tỷ đồng. Cả 2 lô đất đều do một cá nhân có địa chỉ thường trú tại thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình đấu trúng, nhưng đến hết thời hạn nộp tiền, cá nhân này không hoàn thành việc đóng đủ theo quy định.

mot-du-an-dau-gia-quy-dat-tai-huyen-quang-ninh-tinh-quang-binh-1644840349.jpg
Một dự án đấu giá quỹ đất tại huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.

Trước đó, trong tháng 6/2021, UBND huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình cũng có quyết định tương tự khi hủy kết quả công nhận trúng đấu giá quyền sử dụng đất 6 thửa đất ở tại khu vực Dự án hạ tầng kỹ thuật khu dân cư Nương Trần, xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch. Lý do hủy kết quả là do các cá nhân trúng đấu giá không nộp tiền sử dụng đất đúng thời hạn quy định. Cả 6 thửa đất nói trên đều có diện tích 160m2, được niêm yết giá khởi điểm từ 720 triệu đồng đến 800 triệu đồng nhưng được đấu trúng với số tiền lên đến 1,3 đến 1,6 tỷ đồng - gấp đôi giá khởi điểm. Đáng chú ý, khu vực Nương Trần cũng chính là nơi xảy ra đợt sốt đất cục bộ hơn một năm về trước tại Quảng Bình.

Bên cạnh việc hủy kết quả đấu giá, tiền đặt cọc của các cá nhân đã trúng đấu giá đều được các địa phương tịch thu và chuyển vào ngân sách Nhà nước.

Xem xét nâng số tiền đặt cọc

Có thể nhận thấy, việc bỏ cọc tại các cuộc đấu giá đất đều có bóng dáng của giới đầu cơ. Theo đó, sau khi đưa giá rất cao so với giá khởi điểm và trúng đấu giá, các cá nhân này tìm cách “lướt sóng” bán lại cho người mua thứ cấp với giá cao hơn để kiếm lời. Khi không tìm ra được người mua thứ cấp, họ chấp nhận bỏ lô đất đã đấu trúng và chấp nhận mất tiền cọc.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình cho biết, về mặt nguyên tắc, địa phương áp dụng theo quy chế đấu giá đã ban hành trước đó để xử lý, cụ thể là tịch thu tiền đặt cọc vào ngân sách Nhà nước nếu cá nhân trúng đấu giá không nộp đủ đúng thời hạn. “Việc xử lý áp dụng theo quy chế đấu giá do địa phương ban hành trước đó. Và quy chế này dựa trên các quy định liên quan của pháp luật”, ông Tuấn cho biết.

Tuy vậy, một số chuyên gia cho rằng vấn đề không chỉ là tịch thu tiền cọc của người trúng đấu giá bỏ cọc mà đó còn là sự lãng phí nguồn lực chung của xã hội, ảnh hưởng tới kế hoạch ngân sách, phát triển của địa phương.

Thạc sĩ Luật Lê Ngọc Đoàn, Công ty Luật TNHH Lê Thị Hồng Thanh (Đoàn Luật sư Đà Nẵng) nhìn nhận, việc giao đất thông qua đấu giá sẽ giúp chính quyền địa phương tăng nguồn thu, cũng như đảm bảo tính công khai minh bạch đối với các nguồn thu từ đất đai. Tuy nhiên, về lâu dài, Nhà nước cần nâng mức đặt cọc khi tham gia đấu giá và rút ngắn thời gian nộp tiền trúng giá đất. Ngoài ra, các địa phương cũng cần tính đến phương án chuyển từ đấu giá quyền sử dụng đất sang đấu thầu dự án đối với các quỹ đất được quy hoạch xây dựng các dự án đấu giá. Trong đó, các nhà thầu khi muốn tham gia phải chứng minh được năng lực tài chính và khả năng thực hiện dự án.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cũng đồng tình ý kiến tăng số tiền đặt cọc và rút ngắn thời gian đóng đủ tiền đấu giá đất nhằm hạn chế tình trạng nhà đầu tư lướt sóng và bỏ cọc. Tuy vậy, điều này sẽ tạo ra khó khăn hơn cho những người có nhu cầu thực bởi không phải ai cũng có sẵn số tiền đủ để đóng vào.

“Nói chung được mặt này thì mất mặt kia, nhưng nhìn chung phương án này sẽ có hiệu quả nhất định để ngăn chặn hiện tượng đầu cơ, lướt sóng”, ông Đính nói.

Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, sự tham gia của giới “đầu cơ”, cò đất trong thời gian qua đã làm biến động thị trường bất động sản, khiến giá đất bị đẩy lên cao quá so với giá trị thực.

“Sắp tới tỉnh cũng sẽ xem xét ràng buộc thêm điều kiện tại các cuộc đấu giá đó nâng mức tiền đặt cọc của những người tham gia cao hơn chứ tiền đặt cọc thấp quá thì sau khi đấu giá xong họ không bán lại được thì vứt tiền cọc bỏ chạy và địa phương phải mất công tổ chức đấu giá lại”, ông Đồng cho hay./.

Bảo Trân
Bạn đang đọc bài viết "Ngăn chặn bỏ cọc tại các phiên đấu giá đất" tại chuyên mục Kinh tế. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.