Dù là đồng bằng hay miền núi, bà con Khmer ở An Giang sống tập trung trong phum, sóc và chủ yếu ở 2 huyện Tịnh Biên, Tri Tôn. Chẳng ai còn nhớ, nghề làm gốm ở Phnôm Pi (xã Châu Lăng, Tri Tôn), với các sản phẩm: Cà ràng, lò than, khuôn bánh khọt, nồi… đã tồn tại từ bao giờ. Những cao niên ở đây kể rằng, từ thời các bà, các mẹ đã có làm nghề rồi. Nét đặc sắc của nghề làm gốm ở Phnôm Pi là tất cả các công đoạn đều được người thợ làm bằng tay, không hề sử dụng bàn xoay hay các kỹ thuật khác. Đặc biệt hơn, ở đây, nghề gốm này chỉ do chị em phụ nữ phụ trách, theo kiểu “mẹ truyền con nối”; người đàn ông thì đào đất, gánh đất, đập đất, đốn củi… Thời buổi hiện nay, thiết bị nhà bếp được trang bị hiện đại, thị trường gốm Phnôm Pi có bị thu hẹp hơn trước đây. Tuy nhiên, vì có những nét độc đáo riêng, những người thợ nơi đây vẫn muốn lưu giữ làng nghề hàng trăm năm của dân tộc bằng cách cải tiến sản phẩm phù hợp hơn. “Phụ nữ Khmer ở phum, sóc gắn với cái nghề này bao đời nay. Có thể vừa làm, vừa coi chừng con cái, cơm nước cho chồng, con. Cho nên, dù không còn chạy hàng như trước, nhưng công việc mang tính nhẹ nhàng, truyền thống này vẫn còn duy trì”- chị Neáng Sa Na, người thợ có 40 năm trong nghề giải thích.
Những sản phẩm thổ cẩm từ Làng nghề dệt thổ cẩm Văn Giáo (Tịnh Biên) từ lâu đã nổi tiếng gần xa. Theo nhiều người thợ lâu năm trong nghề, xưa kia làng nghề chỉ dệt một loại chăn - sa - guong (sà rông). Sản phẩm có đẹp hay không đều tùy thuộc vào tay nghề của người phụ nữ. Từ sản phẩm truyền thống ban đầu, người thợ dệt thử sáng tạo thêm bằng cách cách điệu thêm hoa văn, mẫu mã đa dạng hơn. Được UBND tỉnh tặng danh hiệu “Nghệ nhân An Giang”, chị Neáng Sa Mol được biết đến là người thợ dệt các sản phẩm khăn hình (tượng Phật, hoa văn…). Loại khăn hình thường dùng may áo, trang trí mặt bàn, làm rèm cửa… Đặc biệt, bà con còn đặt mua sản phẩm để cúng dường chư tăng trong các dịp lễ. “Với chiếc khăn dài 3m, ngang 0,95m thì khăn màu giá có giá 900 ngàn - 1 triệu đồng, còn khăn hình dao động từ 1,2 - 1,3 triệu đồng. Phải chuẩn bị nguyên liệu và dệt hoàn toàn thủ công nên mất thời gian cỡ mười ngày mới xong”, chị Neáng Sa Mol cho hay. Hiện nay, Làng nghề dệt thổ cẩm Khmer Văn Giáo có 25 thợ dệt hoa văn, họa tiết phức tạp và 118 thợ dệt đơn giản.
Ở vùng Bảy Núi, cây thốt nốt đã trở thành biểu tượng của người dân nơi đây. Với khoảng trên 60.000 cây, tập trung ở Tri Tôn, Tịnh Biên, những sản phẩm từ cây thốt nốt đều được du khách gần xa ưa chuộng. Trong đó, đường thốt nốt được coi là sản phẩm đặc sản lợi thế. Bắt đầu sau lễ truyền thống Dolta, làng nghề nấu đường thốt nốt của bà con Khmer lại bắt đầu nhộn nhịp. Từ giữa tháng 9 âm lịch, những mẻ đường thốt nốt đầu tiên thơm phức được ra lò. Cứ như thế, cây thốt nốt có thể cho nước dùng nấu đường suốt năm, nhưng nhiều nhất mang hương vị đặc biệt là trong 6 tháng mùa nắng. Sản lượng thu hoạch ước tính đạt từ 5.500 tấn – 6.000 tấn đường/năm.
(Theo tintucmientay.com.vn)