Nếp nhà sàn xưa độc đáo của người Vân Kiều

18/09/2015 09:31

Theo dõi trên

Trong cách thức dựng nhà sàn xưa của người Vân Kiều luôn tuân theo những quy tắc riêng rất chặt chẽ. Tạo sự thoáng mát vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông, không có những điềm xấu xảy ra trong suốt quá trình ở.


Theo quan niệm của người Vân Kiều, không gian lý tưởng nhất để dựng nhà là mặt chính diện hướng về các con suối, lưng tựa vào quả đồi tạo thành thế án ngữ. Khi chọn đất làm nhà, gia chủ phải lấy tám hạt gạo, tượng trưng cho tám chiếc cột bỏ vào một ống tre rồi chôn vào địa điểm được lựa chọn. Sau ba ngày, nếu những hạt gạo đó còn nguyên vẹn thì đây chính là mảnh đất phù hợp. Bằng không, bà con phải cất công tìm kiếm địa điểm khác sao cho phù hợp với không gian và được sự đồng ý của thần linh.

Người Vân Kiều rất chú ý đến việc chọn ngày dựng nhà. Ngày được chọn thường là vào các ngày 5, 6, 8, 15, 16, 25, 26, 28 trong tháng. Tuy nhiên, bà con cũng nhắc nhủ nhau không nên dựng nhà trong ba tháng lek, oong và ut.

Nguyên liệu chủ yếu để làm nhà sàn là gỗ, mây, tre, nứa, lá tranh... Nhà sàn được kết cấu bởi bộ khung áp vào 8 cột gỗ chịu lực. Cột cái là cây cột đầu tiên được dựng lên và không thay đổi vị trí trong suốt thời gian ngôi nhà tồn tại. Kết cấu kèo luôn tuân theo các con số chẵn 4, 6, 8.

Cách chọn gỗ của người Vân Kiều cũng rất độc đáo. Điển hình đối với cây cột cái - có vị trí quan trọng sẽ được được chọn lựa kỹ nhất. Muốn có cây gỗ như ý, người Vân Kiều chặt một nhát rìu vào thân cây, rồi để nguyên rìu ở đó. Sáng mai, khi mọi người vào rừng, thấy rìu rơi ra, nghĩa là giàng không đồng ý. Một nét phong tục khác là khi gặp cây gỗ to trong rừng, tối đến, người Vân Kiều sẽ xin thần linh báo mộng. Nếu có giấc mơ tốt thì ngay ngày mai họ sẽ chặt cây gỗ đó.

Bắt tay dựng nhà, người Vân Kiều bao giờ cũng phải dựng 2 vài giữa trước, tiếp đến mới là vài ở 2 đầu. Mỗi vài như vậy sử dụng cặp kèo đôi, áp vào hai đầu cột. Công đoạn tiếp theo đó là lợp mái bằng tranh hoặc mây. Sau đó, bà con mới tập trung hoàn thiện ngôi nhà với trần thượng, sàn, cửa, phên liếp...

Trên nóc, người Vân Kiều thường trang trí một cặp sừng trâu châu vào nhau, gọi là Tăng-coi-đung với ý nghĩa khẳng định thế vững chãi của ngôi nhà trước thiên nhiên và báo hiệu gia chủ đã hoàn tất thủ tục cúng trâu trước linh hồn người đã khuất cũng như các thần linh cai quản.

Nhà sàn truyền thống của người Vân Kiều thường có 3 thế hệ cùng chung sống. Phần lớn nhà được dựng theo lối kiến trúc 4 vài, 3 gian. Buồng luôn nằm ở phía bên tả, là nơi sinh hoạt của vợ chồng và con nhỏ, được nối với hai gian ngoài bằng cửa phụ. Gian giữa là nơi nghỉ ngơi của con cái đã trưởng thành và tiếp đón khách. Gian bên hữu dành cho ông bà.

Khi nhà đã hoàn thành và chuẩn bị chuyển lên ở, người Vân Kiều thực hiện đầy đủ các nghi lễ bắt buộc như: chọn ngày giờ cúng ma nhà mới, tạ ơn giàng, trình báo với gia tiên, cảm ơn dân làng đã giúp đỡ gia đình trong thời gian dựng nhà... Phần lễ này bắt buộc phải có chủ làng và trưởng họ đến dự.

Theo Dân Tộc Việt

Bạn đang đọc bài viết "Nếp nhà sàn xưa độc đáo của người Vân Kiều" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.