Mưu sinh trên lòng hồ Trị An: Kẻ cười người khóc

28/02/2015 21:03

Theo dõi trên

Lòng hồ Trị An, ngày trước người dân giăng lưới, buông câu bắt được những con cá lăng, mè.... nặng hai ba chục cân là chuyện cơm bữa. Lòng hồ Trị An, một thời bà con Việt kiều từ Campuchia trở về nước làm ăn sinh sống đều chọn nơi này bởi sự ưu đãi của thiên nhiên và sự đa dạng về nguồn lợi thủy sản có giá trị.

Nhưng giờ đây, với tình trạng mạnh ai người ấy thả lưới, giăng câu, nổ mìn, kích điện… sự đa dạng của nguồn lợi thủy sản ở lòng hồ Trị An đang dần cạn kiệt và mất cân bằng sinh thái cũng như hủy diệt luôn tiềm năng du lịch ở khu vực này.
 


Người dân nuôi cá lồng khu vực lòng hồ Trị An, ấp 4, xã La Ngà, Định Quán, Đồng Nai

Nhọc nhằn theo con nước

Khu vực lòng hồ thuộc địa bàn ấp 4 có khoảng 100 hộ sinh sống bằng nghề nuôi cá lồng, chủ yếu là Việt kiều Campuchia. Những ngày qua, đi đến đâu chúng tôi cũng nghe những lời ta thán về chuyện nguồn nước ô nhiễm và tôm cá ngày càng khan hiếm.

6 giờ sáng, mặt hồ còn bảng lảng khói sương, anh em nhà họ Dương là Lâm và Sơn đã rủ tôi xuống thuyền đi giăng lưới. Lâm, khoảng 14 tuổi, hai chân khua mái chèo điệu nghệ luồn lách qua những đám lau, mai dương, điên điển, đôi tay thoăn thoắt thả lưới. Sơn, kém anh bốn tuổi, ngồi nối lưới trao anh. Mất một giờ, đi xa bè chừng 2km, chúng tôi mới rải xong 500m lưới tơ. Trở về bè dọn dẹp, nghỉ ngơi, ba giờ sau chúng tôi đi gỡ lưới. Chỉ được một mớ cá diếc, thiểu, mè ranh, chõn, cá lau kính… chứa lòng tòng đáy khoang, chúng tôi trở về. Số cá vụn ấy, phần lấy kéo cắt nhỏ cho cá lăng  ăn, phần cho vào máy xay nhuyễn cho cá lóc con táp.

Gia đình anh Dương Văn Út, bố của anh em Lâm, Sơn, từ Siem Reap, Campuchia về đóng bè sinh sống và nuôi cá trên lòng hồ Trị An từ năm 1996. Với hai bè cá, mỗi ngày, bốn thành viên trong gia đình phải thay nhau đi chèo chống khắp một vùng hồ; lớn thì chạy ghe dầu đi cào, nhỏ thì giăng lưới tơ. Cá lớn thì bán đổi gạo, rau, mắm, muối…, cá vụn thì để làm mồi cho hơn 1.000 con cá nuôi. Do từ sáng chúng tôi chỉ kiếm được 3kg cá vụn, ăn không đủ no nên bầy cá quẫy, táp lục sục dưới bè.

Giọng anh Út rầu rầu: “Mỗi ngày phải 30kg cá vụn mới đủ làm mồi cho chúng. Nhưng bây giờ khó khăn quá, ngày nào giỏi lắm mới kiếm được phân nửa”. Thiếu mồi nên lẽ ra chỉ 10 tháng là cá bán được nhưng bây giờ phải 12 tháng mới đủ lớn để xuất bán.


Cách bè nhà anh Út 15 phút chèo thuyền là cụm bè của gia đình ông Nguyễn Văn Nga. Năm 2005, ông Nga dắt vợ và năm con từ Siem Reap về lòng hồ Trị An. Mua lại cái bè với giá 4 triệu đồng, nuôi cá lăng nha, cá lóc. Nhân lực đông, tôm cá cũng nhiều nên chỉ ba năm sau ông đã dần dần đóng riêng cho mỗi cậu con trai một bè. Với dân xóm bè, ông Nga được nhắc đến như một gương thành đạt. Hai cô con gái đã lên bờ đi học rồi làm ăn ở TPHCM. Đầu năm 2009, ky cóp từ tiền gửi về báo hiếu cha mẹ của hai cô con gái cùng tiền bán cá, ông bà đã mua được một nền đất cả trăm triệu đồng. Giờ vợ chồng ông dựng nhà trên mảnh đất hơn ba sào và chí thú với nghề trồng xoài, ba bè cá giao lại cho gia đình ba anh con trai. Cái bè 3m x 6m của vợ chồng con trai út nhà ông mới đóng mất 30 triệu đồng. Từ năm 2008, ngoài cá lăng nha và cá lóc, ông đầu tư nuôi cua đinh. “Mua 5.000đ một con giống, thức ăn thiếu nên tôi nuôi hơn hai năm rồi mới được hơn 1kg/con. Nước từ sông Đồng Nai đổ về ô nhiễm quá nên từ 500 con lúc đầu, giờ tôi còn có hơn 100 con”.

Cách đó chừng hai chục mái chèo, Phương, con trai thứ của ông, đang đằm mình lấy những miếng cao su bịt kín bè để phòng nước ô nhiễm bất thần đổ về làm chết cua đinh. “Giờ làm ăn khó quá!” - anh than ngắn thở dài - “Năm rồi thu được 30 triệu đồng thì tiền dầu của ghe cào đã mất một nửa”. Ông Nga bổ sung, năm nhiều thì lãi được 7 triệu đồng, không thì chỉ 2 - 3 triệu đồng, đủ sống chứ chả tích lũy được gì.

Ngang nhiên tận diệt

Người nuôi cá lồng đang phải đối mặt với những khó khăn thì cũng tại lòng hồ Trị An này đang hiển hiện một hiện tượng, đó là lòng hồ bao la đang bị nhiều người  dùng cọc, lưới bao che chắn lại tạo thành từng ô, khoảnh rộng bát ngát. Theo tìm hiểu của chúng tôi, những lãnh địa bị chiếm hữu này bỗng dưng trở nên tài sản có chủ quyền, bất khả xâm phạm. Vào mùa khô, khi nước rút cạn, các đối tượng này cho đóng đóng cọc, quây lưới. Lúc đầu, lưới, cọc hạ dính thấp trực tiếp gần đáy, khi mực nước cao lên dần vào mùa mưa cũng là lúc cá trong tự nhiên đến mùa vào bờ sinh sản, lưới được kéo lên cao, nhốt tất cả cá lớn, nhỏ vào bên trong. Khi mùa khô lại đến, mực nước cạn, lúc này họ chỉ việc thu gom lượng cá khổng lồ, thu lợi lớn mà không phải mất công nuôi. 

Theo Hạt kiểm lâm, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai (KBT TNVNĐN), khu vực bị “phân lô” xí phần nhiều nhất là mặt nước hồ ở phía xã La Ngà, huyện Định Quán. Hồ Trị An rộng 323km2, thuộc địa bàn hai huyện Định Quán và Vĩnh Cửu. Nếu đi xuồng cao tốc từ phía trụ sở Khu bảo tồn (huyện Vĩnh Cửu) về phía huyện Định Quán cũng phải mất vài giờ. Lợi dụng địa hình rộng lớn, cộng với sự lơ là, chồng chéo trong quản lý của cơ quan chức năng, các “đại gia nuôi cá có máu mặt” tha hồ móc nối với nhau, ngang nhiên “làm ăn lớn”. Khi mặt hồ đã được xẻ ra từng khoảng, trên mặt nước chi chít cọc, lưới và chòi canh của các “chủ ao” thì cơ quan chức năng có mặt cũng… không làm gì được vì không có đủ quy định, biện pháp chế tài. Thậm chí, các “chủ ao” còn thuê tay chân thân tín canh chừng, thấy có người lạ xuất hiện là lập tức tỏ thái độ hăm dọa.

Cũng theo KBT TNVHĐN, vụ việc manh nha và theo nhau lớn dần lên từ khoảng vài năm nay. Với trách nhiệm của mình, KBT TNVHĐN đã thực hiện kiểm tra, cảnh cáo và xử phạt hành chính hơn chục trường hợp nhưng rồi “đâu lại vào đó”, thậm chí vấp phải sự chống đối quyết liệt. Theo tìm hiểu, có 29 hộ dân là “chủ chính” của những diện tích lòng hồ chiếm giữ trái phép. “Chỉ có những người có tiền và thế lực mới đủ điều kiện đầu tư được như vậy. Còn cả ngàn hộ dân nghèo sinh sống bằng nghề đánh bắt thì chỉ bị thiệt thòi”, một ngư dân đánh bắt cá trên lòng hồ Trị An cho biết.

Ông Trần Văn Mùi, Giám đốc KBT TNVHĐN cho hay, việc xâm chiếm cả vùng rộng lớn lòng hồ khiến môi trường nước bị đe dọa, nguồn thủy sản tự nhiên cạn kiệt dần, gần 1.500 hộ dân ký hợp đồng được phép đánh bắt mưu sinh trên lòng hồ, sống nhờ vào hồ phải đối mặt với khó khăn. “Đây là hành vi vi phạm quy định bảo vệ lòng hồ, làm ảnh hưởng đến an toàn, gây ô nhiễm, mất trật tự, mỹ quan, tận diệt các loài thủy sản, thủy sinh, ảnh hưởng trực tiếp hàng ngàn ngư dân sống bằng nghề đánh bắt thủy sản trên lòng hồ”, ông Mùi bức xúc.
 
Lê Hoàng

Bạn đang đọc bài viết "Mưu sinh trên lòng hồ Trị An: Kẻ cười người khóc" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.