Mùa Tết ở làng nghề dệt chiếu Thành Thới B

17/01/2017 08:42

Theo dõi trên

Những ngày này, về làng nghề dệt chiếu xứ dừa Thành Thới B (Mỏ Cày Nam, Bến Tre), chúng tôi cảm nhận rất rõ không khí làm việc tất bật của người dân làng nghề để tạo ra những sản phẩm chất lượng, kịp cung ứng cho thị trường cuối năm, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân dịp Tết.



Thu hoạch lác để dệt chiếu truyền thống ở Thành Thới B

Nghề làm chiếu ở Thành Thới B đã có từ cách đây hàng trăm năm. Năm 2008, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam trao bằng chứng nhận danh hiệu Làng nghề tiêu biểu cho làng nghề dệt chiếu Thành Thới B. Ông Trần Quốc Duyệt, Chủ tịch UBND xã Thành Thới B cho biết, địa phương có hơn 500 hộ trồng lác và dệt chiếu, với khoảng 50 ha lác, trồng 3 vụ/năm, cho ra khoảng 300 tấn lác nguyên liệu/năm.

“Nhờ các hộ dệt chiếu tạo ra nhiều sản phẩm bền đẹp mà tiếng lành đồn xa, làng dệt chiếu Thành Thới B ngày càng có khách hàng, thương lái khắp nơi trong và ngoài các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đến đặt mua. Từ đó, cuộc sống của những gia đình dệt chiếu được cải thiện, kể cả những hộ không có đất sản xuất cũng có thể thoát nghèo bằng nghề chiếu, lác. Mỗi năm, doanh thu từ nghề làm chiếu, lác hơn 1 tỉ đồng ...”, ông Duyệt nói.

Được biết, nghề dệt chiếu không chỉ là kế sinh nhai, mà còn là truyền thống đang được người dân nơi đây bảo tồn, phát huy. Nghề dệt chiếu không quá khó, nhưng lại khá vất vả vì phải trải qua nhiều công đoạn như cắt, phơi, nhuộm và dệt. Để có một chiếc chiếu đẹp và bền thì trước tiên phải chọn nguyên liệu là cây lác thật già, sau đó chọn lựa chiều dài của lác phù hợp với khổ chiếu cần dệt.

Khi dệt chiếu cần 2 người cùng làm, thông thường khi căng đai xong thì người thợ chính sẽ ngồi lên khung, người thứ hai luồn từng sợi lác vào khuôn và người thợ chính sẽ dùng sức lực dập mạnh vào lác để kết chặt lác vào nhau. Động tác dập phải dứt khoát, đủ độ mạnh để lác thẳng hàng, không xếp chồng lên nhau dẫn đến gãy lọn. Có tận mắt chứng kiến quy trình mới thấy tay nghề của người thợ rất quan trọng, phải đan thế nào để chiếu vừa khít, đều và có độ bền.




 Phơi lác làng nghề dệt chiếu Thành Thới B



Người trồng lác ở làng nghề dệt chiếu Thành Thới B chẻ lác trước khi phơi khô

 

Xe của thương lái đến làng nghề dệt chiếu Thành Thới B mua lác


Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh ở ấp An Trạch Tây (xã Thành Thới B) trên khung dệt chiếu truyền thống có hai người, một người ngồi dập khung, người ngồi bên cạnh luồn từng sợi lác vào khuôn

Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh ở ấp An Trạch Tây (Thành Thới B) chia sẻ, từ nhỏ tôi đã học nghề dệt chiếu từ mẹ. Nghề này cực nhất là lúc đi cắt lác, chẻ lác, phơi khô. Để dệt ra một chiếc chiếu thường mất khoảng vài tiếng đồng hồ, đòi hỏi người dệt phải cẩn thận, tỉ mỉ trong từng công đoạn. Vì nghề này cần 2 người cùng làm, nên các gia đình thường đổi công cho nhau. Nếu hôm nay dệt chiếu cho gia đình này, thì ngày mai dệt chiếu lại cho nhà khác.

Do tết sắp đến gần, nhu cầu thị trường tăng cao, nên những ngày này chúng tôi phải làm liên tục. “Ở ấp An Trạch Tây có nhiều hộ gia đình có từ một đến hai khung dệt, khoảng tháng này ai nấy đều bận rộn cho việc chuẩn bị nguyên liệu. Vì thời điểm này lác đang vào mùa, mọi người tranh thủ thu hoạch lác để dự trữ cho việc dệt chiếu, trung bình mỗi hộ có thể dệt từ 100 - 150 đôi chiếu/tháng, hàng làm xong là có thương lái đến nhận ngay, từ đó thu nhập của người dệt chiếu cũng khá ổn định”, bà Anh bộc bạch.

Ngoài dệt chiếu, nơi đây rất nhiều hộ dân trồng lác, vì lác là loài cây ưa nước, chịu hạn, mùa nước mặn hay lũ về người trồng lác không phải lo. Hiện nhu cầu của thị trường về cây lác khá lớn, sau khi lác được phơi khô, thương lái đến tận nơi thu mua. Gia đình anh Trương Văn Hùng, ở ấp An Trạch Tây gắn bó hơn 15 năm với nghề trồng lác, cho biết, với 2,5 công đất cạnh nhà trồng lác mới thu hoạch xong bán được 30 triệu đồng/vụ, trừ chi phí phân bón, nhân công còn lời gần 22 triệu đồng. “Lác chỉ trồng một lần, sau khi thu hoạch chỉ cần bón phân là 4 tháng sau có thể thu hoạch, lác được đưa vào máy, chẻ ra làm nhiều cọng nhỏ, sau đó đem phơi khô, nêm thành từng bó lớn để dễ dàng cân bán. Trồng lác cực nhưng lác có giá cao, bán lời khá thu nhập ổn định”, anh Hùng nói.


Bạch Tuyết

Nguồn: baovanhoa.vn
Bạn đang đọc bài viết "Mùa Tết ở làng nghề dệt chiếu Thành Thới B " tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.